Quá tải hệ thống giao dịch kéo dài trên HoSE – Vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng như khối lượng giao dịch tăng đột biến ngoài dự liệu đã khiến hệ thống hạ tầng công nghệ có tuổi đời 21 năm của HoSE không thể “chịu tải”. Nhà đầu tư bức xúc, chỉ trích, trút giận, trong khi cơ quan quản lý và HoSE phải xoay vần trong một thế “kẹt”.

Thiệt hại nhà đầu tư, cơ quan quản lý cũng đau đầu

Với sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên giao dịch thăng hoa, bùng nổ gần đây. VN-Index đã thiết lập mức kỷ lục 1.374,05 vào phiên ngày 4/6. Những phiên thanh khoản vượt xa 1 tỷ USD trên HoSE đã không còn hiếm.

Nhưng đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc này, thị trường chứng khoán Việt Nam lại bộc lộ nhiều hạn chế về năng lực đáp ứng của hệ thống công nghệ phần mềm.

Hệ thống công nghệ đã có tuổi đời 21 năm, từ thời thị trường chứng khoán còn sơ khai chỉ có vài mã cổ phiếu vẫn được sử dụng cho đến nay, khi số mã cổ phiếu trên HoSE lên tới gần 400 và lượng thanh khoản khổng lồ.

Sự quá tải đã khiến HoSE rơi vào tình trạng nghẽn lệnh, nhiều phiên phải tạm dừng giao dịch, bảng điện tử lag, nhảy số sai... Tình trạng này kéo dài suốt từ cuối năm 2020 đến nay.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã buộc phải thực hiện nhiều giải pháp tình thể như nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống; cho phép các doanh nghiệp chuyển cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX…

Đỉnh điểm từ vào đầu tháng 6, khi thị trường xuất hiện những phiên giao dịch vượt xa 1 tỷ USD trên HoSE. Ngày 1/6, lần đầu tiên trong lịch sử HOSE phải chủ động tạm ngừng giao dịch để bảo vệ an toàn hệ thống do thanh khoản ở mức quá cao chỉ trong phiên sáng.

Đến ngày 2/6, cũng là lần đầu tiên, các công ty chứng khoán đã tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh của khách hàng khi giao dịch trên sàn HoSE vào một số khung giờ cao điểm hoặc toàn phiên.

Tình trạng quá tải, nghẽn lệnh trên HoSE đã kéo dài hơn nửa năm

Tình trạng quá tải, nghẽn lệnh trên HoSE đã kéo dài hơn nửa năm

Lãnh đạo HoSE giải thích những giải pháp tình thế này đều là những giải pháp ngoài mong muốn, vì an toàn chung của hệ thống khi hệ thống HoSE phát đi tín hiệu cảnh báo.

“Giống như cháy nhà rồi, thì chúng ta phải tìm cách dập lửa ngay. Trong những giải pháp khác nhau, chúng tôi buộc phải chọn giải pháp ít thiệt hại nhất. Tức là phải phun nước dập lửa ngay, chứ không thể chần chừ xem nước có sạch không, phun nước có ướt đồ nhà tôi không...” – lãnh đạo HoSE trần tình và mong muốn nhà đầu tư thông cảm, chia sẻ với các quyết định của đơn vị này.

Quá tải hệ thống kéo dài, do đâu?

Dù vậy, làn sóng bức xúc của nhà đầu tư vẫn không ngừng với những chỉ trích nặng nề đối với những đơn vị, cá nhân liên quan vì những thiệt hại không đáng có.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự quá tải hệ thống của HoSE là cả một quá trình mang tính lịch sử khách quan không thể xử lý ngày một ngày hai.

Do đó, nếu không có các giải pháp tình thế trên thì nguy cơ “sập” hệ thống trong những phiên vừa qua là rất cao. Lúc đó, thiệt hại của tất cả các thành viên thị trường, trong đó có các nhà đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một công ty chứng khoán chia sẻ, trên thực tế nhà đầu tư không phải không biết những điều đó. Nhưng họ thiệt hại, họ phải tìm một người để chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đó.

“Bạn thấy đấy, khi thị trường đi lên thì ai cũng vui, không ai đổ lỗi cả. Thậm chí nhiều khách hàng bảo với tôi, may quá HoSE nghẽn lệnh nên vẫn “còn hàng” chứ không đã bán mất rồi. Nhưng khi thị trường xuống, họ không bán được hàng dẫn đến lỗ nhiều hơn, thì họ sẽ kêu la” - vị này nói.

Trên thực tế, việc số nhà đầu tư và dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối năm 2020 đến nay là nằm ngoài dự liệu của các cơ quan quản lý.

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu tư mở mới lên tới 480.490 tài khoản. Con số này cao hơn 20% so với tổng số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 5 đạt tới hơn 26.000 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với con số bình quân 12.440 tỷ đồng trong năm 2020. Thậm chí, sang tháng 6, có những phiên thanh khoản trên HoSE đạt tới 30.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng đột biến của thị trường đến từ những yếu tố khách quan mà cơ quan quản lý không lường trước được, đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã hình thành một môi trường lãi suất thấp, thị trường thiếu các kênh đầu tư hấp dẫn...

Điều này khiến dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán - một kênh đầu tư mà nhiều thời điểm, người ta dễ dàng nhân 2, nhân 3 tài khoản chỉ trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, hệ thống giao dịch của HoSE lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của dòng tiền khổng lồ và bất ngờ này.

Hiện nay, HoSE vẫn đang sử dụng hệ thống do đối tác Thái Lan cung cấp từ năm 2000. Hệ thống này trải qua nhiều lần nâng cấp cả phần cứng lẫn phần mềm để đáp ứng sự phát triển của thị trường nhưng kể từ cuối năm 2019, phía Thái Lan từ chối gia hạn hợp đồng nên việc nâng cấp gặp khó khăn.

Về câu chuyện công nghệ, nhiều luồng ý kiến chỉ trích Ủy ban Chứng khoán và HoSE rằng tại sao hệ thống phần mềm sử dụng đã 21 năm mà Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ để nâng cấp hệ thống.

Nhưng để trả lời câu hỏi này, phải nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi hệ thống phần mềm của HoSE đang sử dụng là công nghệ “đi xin”.

Một nguyên lãnh đạo UBCKNN chia sẻ, vào đầu những năm 2000, hiểu biết của người dân Việt Nam, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp công nghệ về thị trường chứng khoán gần như bằng 0. Để chuẩn bị cho sự mở cửa thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã dự định đầu tư một dự án công nghệ phục vụ thị trường trị giá 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBCKNN thời đó đã đặt vấn đề nếu đầu tư một dự án trị giá tới 15 tỷ USD mà chưa có am hiểu gì về thị trường thì sẽ rất rủi ro. Do đó, sau khi cân nhắc thì UBCKNN đã trình lãnh đạo Bộ về việc sẽ đi xin tài trợ 1 hệ thống ban đầu để phục vụ thị trường.

“Sau khi đặt vấn đề với một số đơn vị thì Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đã đồng ý hỗ trợ cho chúng ta ra một hệ thống ban đầu, chúng tôi tính toán chỉ khoảng 200.000 USD thôi. Đến cái bảng điện tử chúng ta cũng phải đi xin. Mà họ cho mình thì làm sao mình làm chủ công nghệ được, vì họ có trao mã nguồn đâu, khi nào hệ thống gặp sự cố thì họ sang hỗ trợ xử lý thôi” - vị nguyên lãnh đạo UBCKNN chia sẻ.

Cũng theo ông này, nhờ sự hỗ trợ của Thái Lan, thị trường chứng khoán Việt Nam mới ra đời sớm được như vậy. Còn nếu chờ đấu thầu dự án, phải mất tới 5-6 năm thủ tục hành chính, chúng ta sẽ bị lỡ cơ hội.

Năm 2012, ngành chứng khoán chọn giải pháp của Hàn Quốc (KRX). Đây là một quyết định phù hợp và cần thiết tại thời điểm đó, vì chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để tự xây dựng hệ thống đủ sức “gánh vác” thị trường.

Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc giữa hai bên, đến nay, hệ thống này vẫn chưa thể đi vào vận hành. Sau nhiều tháo gỡ, theo dự kiến, đến cuối năm nay có thể phía KRX sẽ bàn giao hệ thống cho HoSE.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao 1 dự án kéo dài tới gần 10 năm chưa hoàn thành mà chúng ta không lựa chọn giải pháp đấu thầu trong nước khi mà đến thời điểm này, các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã có khả năng đáp ứng xây dựng một hệ thống tiên tiến, tương thích với HoSE?

Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn đến vấn đề này trong một bài viết tới đây.