Quá nhiều đổi mới, ngành giáo dục liên tục vấp phản đối

ANTD.VN - Phụ huynh đáng thắc mắc tại sao năm nào Bộ GD-ĐT cũng sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ khi sửa đổi liên tục là không công bằng với mỗi lứa thí sinh? Rằng hơn 30 năm nay, từ ngày phát động cải cách giáo dục, năm học nào, kỳ thi nào Bộ GD-ĐT cũng thay với đổi, chỉ tội học sinh bị đem ra làm thí nghiệm... Còn giáo viên thì lo lắng không biết sắp tới đội ngũ các thầy cô giáo có bị “quần” đến đâu khi liên tục phải đổi mới trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, sĩ số lớp đông, sách giáo khoa cũ, lương thấp...

Phản ứng dây chuyền trước hàng loạt đổi mới

Mô hình trường học mới được Bộ GD-ĐT học tập Colombia về Việt Nam sau 3 năm thí điểm đã vấp phải làn sóng phản đối khá mạnh từ phía phụ huynh. Mới đây nhất, trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh đã mang băng rôn đến trường tiểu học Nguyễn Trãi, TP Vinh, Nghệ An để kiến nghị nhà trường dừng chương trình trường học mới VNEN với các lý do: Tư thế ngồi học không phù hợp, ảnh hưởng đến cột sống, vai và thị lực; Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu; Bài vở ở lớp ít, học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, chương trình VNEN chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không đem lại những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống khiến phụ huynh lo ngại về học lực của con em mình sau khi học hết tiểu học. Học trường THCS theo chương trình truyền thống thì các em bị đuối, tiếp thu kém hơn bạn bè đồng lứa. Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến bình luận: VNEN ở Việt Nam giống như “trưởng giả học làm sang”; VNEN chỉ dùng được cho trường chuyên và học sinh có năng lực tốt. Nếu dạy theo kiểu VNEN thì học sinh yếu ngày càng dốt. Nhiều người khẳng định, cùng một trường mà có nhiều chương trình, có nhiều mô hình dạy học sẽ rất rối và không công bằng với học sinh...        

Tương tự VNEN, Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đổi mới đánh giá nhận xét học sinh tiểu học cũng vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Tổng kết sau 2 năm thực hiện, bà Lê Đoan Trang - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội cho biết, thực tế đang phát sinh mâu thuẫn khi không ít giáo viên lại nảy sinh tâm lý lười bám sát học sinh do không phải chấm điểm, đánh giá thường xuyên. Phụ huynh cũng chia thành 2 phe, một bên vẫn theo sát tiến trình học tập của con cái, một bên thì bỏ mặc, ít quan tâm vì không có điểm số báo cáo hàng ngày. Học sinh cũng chia theo 2 hướng, với những học sinh tích cực thì Thông tư 30 phát huy tác dụng tốt nhưng với học sinh chưa tự giác thì có tình trạng tụt lùi. 

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ  - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, ông và cộng sự đã khảo sát thực tế 30 trường tiểu học ở 3 tỉnh, thành phố. Kết quả  cho thấy, có giáo viên cho rằng đánh giá theo Thông tư 30 không làm cho học sinh chăm học, cũng như không làm cho cha mẹ học sinh quan tâm hơn đến việc học tập của con cái. Giáo viên cũng không có động lực tích cực đổi mới phương pháp dạy học… dẫn đến tình trạng làm đối phó.

Mới đây nhất, việc Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi 2017 cũng khiến cả triệu học sinh, phụ huynh đứng ngồi không yên với yêu cầu 5 bài thi, trong đó phần lớn là trắc nghiệm và có 2 bài thi rất mới theo kiểu tổ hợp nhiều môn học. GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã phải lên tiếng cho rằng  Bộ GD-ĐT phải công bố lộ trình đổi mới ít nhất 3 năm để học sinh chuẩn bị. Từ nay đến lúc các em thi chỉ còn 9 tháng, làm sao các em chuẩn bị kịp? 

Vì sao đổi mới giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu?

PGS. TS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục Việt Nam nhận định, nhìn từ thực tế, giáo dục và đào tạo những năm gần đây đã có nhiều đổi mới tích cực, tuy nhiên, giáo dục của chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi mới đáp ứng theo yêu cầu mới, xu thế mới. Đổi mới giáo dục có những việc đã triển khai tốt như đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học...

Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề triển khai đều bị chậm so với kế hoạch. Bởi khi triển khai phải thông qua quá nhiều khâu, nhiều bước. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, một trong những đổi mới rõ nhất trong nhà trường là việc thực hiện theo Thông tư 30 về đánh giá, không chấm điểm học sinh tiểu học. Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư 30, cách quản lý không phù hợp, quản lý tập trung một cách máy móc đã hạn chế sự phát triển, sự sáng tạo của giáo viên.

Mục tiêu giáo dục trong trường học cũng đã từng bước thay đổi theo hướng chuyển từ ganh đua cá nhân sang hợp tác để cùng phát triển. Bản chất thực của nó, giúp tăng cường sự hợp tác đoàn kết cho công dân trong tương lai. Mục tiêu giáo dục không chỉ dạy học mà phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống hàng ngày, cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, việc giảng dạy trong các trường phổ thông vẫn phải thực hiện theo nội dung chương trình, SGK, tài liệu dạy học cũ. Trong khi yêu cầu đổi mới đòi hỏi phải để cho giáo viên có quyền chọn lựa nhiều tài liệu phù hợp với đối tượng học sinh,... thay vì coi sách giáo khoa là duy nhất.

Với giáo dục đại học cũng còn vướng mắc, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều. Nguyên nhân là việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chưa chính xác; chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, chưa gắn đào tạo vào thực tiễn, mới dạy cái có, chưa dạy cái người ta cần, chậm đổi mới; chưa chú trọng phát triển năng lực, mới chú trọng lý thuyết; sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động vào trường ĐH ít, tách rời... Trong khi đó, điều kiện nâng cao thường xuyên chuyên môn cho cán bộ, nhất là cán bộ nghiên cứu giáo dục rất kém. Muốn có học sinh tốt phải có người thầy tốt, môi trường tốt. Thế nhưng, môi trường thể hiện không khí học thuật trong trường chưa được phát huy, làm ảnh hưởng đến chất lượng, định hướng của nền giáo dục hiện đại.

Chỉ ra những bất cập trong quá trình đổi mới, PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho rằng Bộ GD-ĐT đang ôm đồm nhiều việc. “Ví dụ như thi THPT quốc gia, áp các khối ngành; áp chủ quản các đại học... Bộ GD-ĐT chỉ nên định hướng, còn lại là địa phương và các ban ngành, cơ sở phải thực hiện. Giáo dục cần phải có sự tham gia của toàn xã hội và được sự ủng hộ, góp ý thay vì chỉ một cơ quan chủ quản đứng ra vừa chỉ đạo vừa thực hiện vừa kiểm tra, đánh giá” - PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhận định.