Quá nhiều ẩn số

ANTĐ - Phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các loại hình doanh nghiệp vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, mức điều chỉnh lương cao nhất là 2 triệu 7 trăm nghìn đồng/tháng, thấp nhất là 1 triệu đồng/tháng. Dự kiến tháng 10-2012, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh và thực hiện từ ngày 1-1-2013. Nếu tình hình vẫn khó khăn thì sẽ lùi thời gian thực hiện từ 3-6 tháng.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, áp dụng lương tối thiểu mới sẽ khiến cho doanh nghiệp phá sản nhiều hơn, tác động xấu đến việc làm và ổn định an sinh xã hội.  Khi điều chỉnh cần có sự chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và người lao động. Do vậy nên lùi thời điểm điều chỉnh muộn hơn phương án đang xây dựng.

Không đồng tình với quan điểm này, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh chỉ làm tăng chi phí đóng các loại bảo hiểm, không ảnh hưởng nhiều đến chi phí của doanh nghiệp. Bởi theo khảo sát, phần lớn doanh nghiệp trả lương thực cao hơn lương tối thiểu thông qua các khoản phụ cấp, trợ cấp để  người lao động có    thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập đó chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu. Từ trước tới nay, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất để doanh nghiệp và người lao động làm căn cứ thỏa thuận tiền lương.

Trên thực tế, lương tối thiểu vùng chỉ mang tính tham chiếu để doanh nghiệp xây dựng bảng lương và làm căn cứ tính bảo hiểm. Thu nhập thực của người lao động tại nhiều doanh nghiệp đều cao hơn mức tối thiểu này. Mặc dù đề xuất tăng lương lần này đã căn cứ trên các tiêu chí như tốc độ tăng GDP, chỉ số tiêu dùng, mặt bằng lương và mức sống tối thiểu, song theo nhiều chuyên gia, cần có những thay đổi mang tính đột phá về chính sách tiền lương, nếu không sẽ khó thoát khỏi những hệ lụy xấu.

Theo một giáo sư-tiến sĩ, sau nhiều năm cải cách chính sách vẫn tồn tại nhiều bất cập. Mười năm qua, mức lương cơ bản đã tăng tới 8 lần, nhưng vẫn không đủ để người lao động tái tạo sức lao động cũng như trang trải cho bản thân và gia đình. Tại cuộc tọa đàm về cải cách tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách tiền lương không minh bạch dễ làm nảy sinh những hệ quả xấu, tham nhũng, làm hỏng bộ máy công quyền.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cần học Singapore xây dựng mức lương cho cán bộ, công chức hợp lý để họ “không dám, không cần, không muốn tham nhũng”. Nếu không mạnh dạn cải cách tiền lương sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn: lương thấp khiến người lao động không có điều kiện tái tạo sức lao động và nâng cao trình độ. Khi đó năng suất lao động sẽ không được cải thiện nên không đủ nguồn lực để tăng lương. Theo ông, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ tiền thuế của dân, cũng là một giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Đơn cử, với mức thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vủa Vinashin, Vinalines, tính ra người dân của một tỉnh có GDP khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, phải làm cật lực, nhịn ăn nhịn tiêu cả chục năm mới đủ bù đắp.

Theo định nghĩa, lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, tức là phải đảm bảo ít nhất cho người lao động đủ nuôi một  người con. Để đạt được mục tiêu này vào năm 2015, quả thực là một “bài toán” cực khó bởi có quá nhiều “ẩn số”.