Quá nhiều ẩn số

ANTĐ - Sau cuộc hội thảo “Định vị lại giáo dục Việt Nam” diễn ra cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hàng chục câu hỏi đã được ông bộ trưởng trả lời thẳng thắn và cởi mở. Một trong những nội dung chính được ông khẳng định là ngành giáo dục không có chủ trương đặt ra sức ép, đặt thi đua trên số lượng học sinh giỏi, khá, kém, lưu ban. Ở đâu có sức ép về điểm thì đó là trách nhiệm của Sở Giáo dục.

Đúng là giáo dục “có vấn đề” nhưng không nên đổ hết mọi lỗi tại “ông giáo dục”. Ở một góc độ nào đó thì có lý, song giáo dục là một sản phẩm đặc thù mang tính xã hội. Xã hội ta có truyền thống hiếu học lâu đời ở từng địa phương, gia đình, dòng họ. Đằng sau đó cũng có tâm lý đã bám rễ sâu trong đầu là sính bằng cấp. Học bằng mọi giá, học lấy bằng cấp thật cao không chỉ vinh thân mà còn là niềm kiêu hãnh cho cha mẹ, dòng họ và làng xã, huyện, tỉnh. Học cho... hết chữ, bằng cấp đầy mình mà không rõ học để làm gì và làm được gì. Người dạy chỉ chăm chăm dạy kiến thức sách vở, chứ không hướng tới tính hữu dụng của kiến thức trong cuộc sống, cộng thêm người học không rõ động cơ nên “chữ thầy trả lại thầy”. Cũng không thể trách những người làm cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái nên đã gây áp lực lên trẻ.

Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo cho rằng, việc cha mẹ muốn con cái phải học giỏi, phải học thêm ngoại ngữ, âm nhạc... cũng là chuyện bình thường, nhưng đừng cố ép để con cái quá sức. Hãy để các cháu phát triển tự nhiên. Bị sức ép thành tích thì nơi có, nơi không, chứ Bộ không đặt chỉ tiêu thi đua và không chạy theo thành tích hay số lượng. Ở bậc tiểu học, các thầy cô chỉ đánh giá kết quả học tập các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý. Còn các môn khác chỉ có nhận xét.

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, giáo dục nước ta đang tồn tại “nút thắt” cần tháo gỡ. Hơn 15 năm qua, tiền đầu tư của Nhà nước và của nhân dân cho giáo dục đều tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng giáo dục vẫn loay hoay với những kiến thức của thời kỳ bắt đầu đổi mới, mở cửa. Đó là sự chênh lệch khập khiễng của giáo dục so với nhu cầu xã hội. Ông giám đốc trung tâm ví von hệ thống giáo dục giống như một thanh niên mới lớn phổng phao lại bị bó buộc bởi quần áo cũ đã bắt đầu bị bục, dù cố gắng vá víu cũng không xong. Trong khi đó, hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông đều chọn con đường độc nhất là vào đại học. Thực tế này có nguyên nhân là do định hướng việc học chưa rõ, dường như giáo dục đang chạy theo nhu cầu “ảo”, cái mà xã hội đang cần thì không có nguồn nhân lực, ví như hiện có tới 1/3 thí sinh chọn học ngành tài chính, ngân hàng, quản trị... Cũng phải thừa nhận một thực tế là, bản thân hệ thống sử dụng còn lệch lạc, người sử dụng lao động không chủ động bắc một “cây cầu” với hệ thống giáo dục, vì thế cả hai bên không gặp được nhau tại một mục tiêu chung, thậm chí đi ngược chiều.

Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo “đụng chạm” tới nhiều vấn đề về chế độ ưu đãi với giáo viên, chương trình học nặng và thiếu thực hành ở trường phổ thông, học thêm dạy thêm, chất lượng giáo dục đại học thấp, sự lạm thu, mất cân đối ngành nghề đào tạo. Muốn giải “bài toán” giáo dục có quá nhiều ẩn số này, không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội cần phải định vị từ trong đầu, từ tư duy.