Quá muộn!

ANTĐ - Đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP Hà Nội) cho biết, vừa nhận được kết quả phân tích mẫu trong lô 80.000 tuýp thuốc kích thích cây trồng tăng trưởng từ Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an. 

Theo đó, mẫu thuốc giúp cây trồng “lớn nhanh như thổi” có chứa 2 chất không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trước đó, cách đây gần 1 tháng, ngày 13-11, lực lượng liên ngành TP Hà Nội gồm Đội 6 (PC49) và Đội Quản lý thị trường số 11 (TP Hà Nội) kiểm tra phát hiện trên thùng xe tải BKS: 29C-215.28  có 20 kiện hàng, bên trong chứa 80.000 tuýp thuốc kích thích cây trồng tăng trưởng. 

Được biết, PC49 đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp xét nghiệm xem 80 tuýp thuốc mà chủ hàng khai là thuốc kích thích giá đỗ thực chất có hoạt chất gì, độc hại ra sao. Cục BVTV đã giới thiệu cho PC49 gửi mẫu sang Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc (thuộc Cục BVTV) để đơn vị này xét nghiệm, song việc phối hợp không thành do chỉ khi PC49 Công an TP Hà Nội có đề nghị và chi kinh phí cho việc xét nghiệm thì Cục BVTV mới xét nghiệm. PC49 Công an TP Hà Nội đành chỉ thực hiện tiêu hủy lô thuốc bị bắt giữ và xử lý đối tượng.

Trong khi đó, Đội QLTT 11 cũng đã cử cán bộ trực tiếp mang mẫu vật đến các đơn vị như: Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia; Trung tâm Đo lường chất lượng khu vực I; Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm; Trung tâm Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc; Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, nhưng các cơ quan này đều đồng loạt từ chối với lý do: “Chúng tôi không có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi thiếu phương tiện máy móc hay việc này của cơ quan khác…”. 

Dù thế nào, việc các đơn vị chức năng đã không giúp Chi cục QLTT Hà Nội có lời giải về loại dung dịch bị bắt giữ trên là chất BVTV hay là phân bón; Loại dung dịch này có được sử dụng để kích thích mầm giá đỗ không và có ảnh hưởng sức khỏe không là thiếu trách nhiệm với người dân.

Cũng còn may khi đến làm việc với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã được nhận phân tích giúp, vì có cán bộ này đang có đề tài nghiên cứu về chất tương tự. Và rồi cuối cùng đã làm sáng rõ mối lo ngại: Theo đúng công thức trên bao bì thì 80.000 lọ sẽ nhúng 400.000 kg đỗ và cho ra thị trường khoảng 2 triệu kg giá đỗ. Nhưng có bao nhiêu người tiêu dùng biết rằng trên bao bì loại hóa chất này có ghi lời cảnh báo “Nếu ăn nhầm phải lập tức đưa đến bệnh viện”! Đến đây có thể thấy vụ việc thật sự nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, nhưng nghiêm trọng hơn chính là thái độ thờ ơ của các cơ quan chức năng.

Theo một cán bộ của Cục BVTV thì hiện cũng không có quy định pháp luật nào yêu cầu khi bắt được thuốc BVTV nhập lậu thì buộc phải xét nghiệm xem thuốc đó có hoạt chất gì, độc hại hay không, độc hại sao, mà cứ miễn là hàng nhập lậu thì tiêu hủy... Tiêu hủy thì đúng rồi, nhưng trong vụ việc này là tại sao cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế lại không tham dự xác định độc tố? 

Trước nay, cả ở trên nghị trường Quốc hội hai Bộ trưởng của hai Bộ này vẫn thường khẳng định quyết tâm “bảo vệ bữa ăn của người dân”. Thực tế diễn ra ở các đơn vị dưới quyền họ lại không hẳn như vậy. Cơ quan chức năng cần phải lấy mẫu để kiểm tra xem nó là chất gì, có độc hại hay không để khuyến cáo người dân bởi dù muốn hay không sản phẩm này vẫn có trên thị trường. 

Từ nhiều năm nay, chỉ khi nào có sự cố VSATTP thì các cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, rồi thu thập mẫu, phân tích và trả lời theo kiểu “trấn an” rằng với liều lượng như vậy chưa đủ… chết người.

Hiện thuốc kích thích sinh trưởng, chống nấm mốc, bảo quản và thúc chín tố… vẫn đã và đang được nhập vào nội địa qua các cửa ngõ biên giới phía Bắc đi các địa phương trên toàn quốc. Thuốc lậu bán tràn lan chẳng thấy ai chịu trách nhiệm, xét nghiệm độc tố cũng không ai chịu làm. Vậy là ai là người chịu trách nhiệm khi để người dân bị đầu độc hàng ngày hàng giờ?