Ngày dân số thế giới 11-7:

Quá mất cân bằng giới tính

ANTĐ - Dù đạt được nhiều thành tựu trong những năm gần đây nhưng có thể nói, chưa bao giờ công tác dân số ở nước ta phải đối mặt với ngổn ngang thách thức như hiện nay. Trong khi nơi nghèo vẫn sinh quá nhiều, nơi giàu lại xuất hiện tâm lý không muốn sinh và lựa chọn giới tính.

Mất cân bằng giới tính gây hệ lụy ghê gớm sau này. Ảnh minh họa


Ngổn ngang trăm mối

Mâu thuẫn lớn nhất mà ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đang phải đối mặt là xu hướng vận động mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh đang ngày càng trái chiều nhau. Trong những năm qua, nếu như mức sinh giảm liên tục, thì ngược lại, tỷ lệ giới tính khi sinh (tỷ số trẻ trai trên 100 trẻ gái được sinh ra) lại tăng ao, nhiều tỉnh ở mức rất cao. Ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, nếu như vào năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 6,3 con thì đến năm 2009 chỉ còn 2,03 con; năm 2010 là 2,0 con và năm 2011 là 1,99 con. Ngược lại, tỷ số giới tính khi sinh đang mất cân bằng nghiêm trọng, trung bình cả nước năm 2011 là 112/100 và tiếp tục có xu hướng tăng.

Đáng chú ý, dù chúng ta đã đạt mức sinh thay thế trước 5 năm so với mục tiêu đề ra nhưng trên thực tế lại có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng miền. Ông Trọng lấy ví dụ, trong khi tổng tỷ suất sinh của các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên còn ở mức cao, trung bình trên 3 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và tâm lý muốn đông con, nhiều cháu vẫn phổ biến thì ngược lại ở nhiều tỉnh/thành đã xuất hiện tâm lý ngại sinh, không muốn sinh hoặc chỉ sinh duy nhất một con. Điển hình như một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỷ suất sinh đã xuống mức khá thấp, khoảng 1,45 con (mức sinh thay thế là 1,8 con). Vì vậy, cần phải có kế hoạch kiểm soát mức sinh rất cụ thể và linh hoạt đối với từng tỉnh, từng địa phương, nơi vẫn phải kiên trì giảm sinh, nơi có thể phải khuyến khích sinh. 

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội - ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, kinh tế càng phát triển thì mức sinh càng thấp nhưng với tỷ số giới tính khi sinh, tình hình lại trái ngược. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, các nhóm dân cư càng khá giả, tỷ số này lại càng cao. Chẳng hạn, thành thị (110,6) cao hơn nông thôn (110,5), thành thị Đông Nam bộ (111,8) cao hơn khu vực nông thôn Tây Nguyên (105,1) và nhóm dân số giàu nhất (112,9) trong khi đó nhóm nghèo nhất chỉ có 105,2. Điều đó cho thấy, người càng giàu không muốn sinh nhiều nhưng đã sinh thì họ lại có ý thức chọn lựa giới tính khi sinh cao hơn so với người nghèo.

Hệ lụy cho thế hệ sau 

Mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh quá cao hay quá thấp đều dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững. Nếu ở đâu cũng sinh con trai nhiều hơn con gái thì đương nhiên sẽ có một số lượng lớn đàn ông không vợ, không gia đình, không con. Đó là những kiểu sinh đẻ dẫn đến sự phát triển không có tương lai. Ngược lại, nếu ai cũng sinh quá ít (1 con chẳng hạn) và  tỷ số giới tính khi sinh quá thấp (dưới 100) cũng sẽ xảy ra những hậu quả nặng nề không kém cho sự phát triển của mỗi quốc gia. GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, với thực tiễn ngành dân số nước ta hiện nay, muốn giảm sinh cần tập trung vào vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn để giảm tỷ số giới tính khi sinh lại cần chú ý ở vùng đô thị, vùng phát triển. 

Đơn cử tại Hà Nội từ đầu năm đến nay, số trẻ sinh ra tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước do tâm lý của đa phần người dân cho rằng sinh con vào năm Rồng là năm đẹp. Đặc biệt, cũng tồn tại một tâm lý nữa là năm Nhâm Thìn, sinh con trai tốt hơn sinh con gái khiến cho xu hướng tìm mọi cách để sinh được con trai trong năm 2012 càng trở lên phổ biến. Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong số hơn 40.000 trẻ được sinh ra trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, bình quân cứ 100 trẻ gái thì lại có tới 115 trẻ trai được sinh ra. Tại nhiều quận/huyện, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở lên đặc biệt nghiêm trọng như: Hà Đông (130/100), Đông Anh (128/100), Tây Hồ (120/100)… Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội nhận định, có thể nửa cuối năm 2012 sức ép về số sinh và tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội sẽ càng khủng khiếp, bởi thời điểm cuối năm luôn được coi là mùa sinh, đặc biệt là cuối năm Nhâm Thìn này.

Rõ ràng, cơ cấu dân số trong mấy năm qua đã có những thay đổi rất mau lẹ và nếu như chúng ta không kiên quyết can thiệp sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề cho thế hệ sau này.