Quá ít trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành AI, Big Data, IoT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho hay, nhu cầu nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia rất lớn, nhưng hiện nay, còn ít trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo phục vụ nhiệm vụ này.

Bộ TT-TT đang dự thảo Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, Bộ TT- TT cho hay, công cuộc chuyển đổi số bao gồm 3 trụ cột chính là: xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đào tạo nhân lực CNTT đến cấp cơ sở để phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Đào tạo nhân lực CNTT đến cấp cơ sở để phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Để phát triển 3 trụ cột này đòi hỏi một lực lượng nhân lực rất lớn, có chuyên môn sâu về công nghệ số và kỹ năng số. Tuy vậy, nguồn nhân lực chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột này của nước ta đều đang thiếu hụt trầm trọng.

Trong khi nhu cầu về nhân lực công nghệ số đang thực sự cấp bách thì năng lực đào tạo về công nghệ số của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Mặt khác công cuộc chuyển đổi số cần rất nhiều nhân lực được đào tạo về các chuyên ngành mới, chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing), nhưng hiện rất ít trường cao đẳng, đại học có đào tạo các chuyên ngành mới này.

Các chuyên ngành kinh tế, xã hội như quản trị số, kinh doanh số, marketing số, phân tích dữ liệu số, quản trị trên môi trường mạng, logitics… cũng chưa có nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo.

Do đó, Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu sẽ đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số có trình độ cao, tương đương nhiều nước trên thế giới và đến tận cấp xã, phường và doanh nghiệp.

Cụ thể, ngoài việc đào tạo nhân lực chuyển đổi số cho các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty lớn đạt 80% vào năm 2025 thì đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ đào tạo được 1.000 chuyên gia chuyển đổi số để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc;

80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng được Mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã. Đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số sẽ được thực hiện với đối tượng từ lãnh đạo các cơ quan đến cán bộ chuyên trách và người lao động.

Đến năm 2025, đưa được 100 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo tiến sĩ về chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ngoài; 60% giáo viên dạy các môn học về tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật, và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến phổ thông trung học được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, kỹ năng giáo dục STEM/STEAM/STEAME và kỹ năng giảng dạy trực tuyến;

Tuyển sinh, đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số; 60% sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội được sát hạch đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cơ bản.

Đến năm 2030, các mục tiêu này sẽ phải tăng lên nhằm phục vụ tốt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Liên quan đến công cuộc chuyển đổi số, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội ngày 9/11, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong đề án Chuyển đổi số mà Chính phủ đã phê duyệt, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên.

Theo Bộ trưởng lý do là vì với chuyển đổi số chỗ nào càng khó khăn thì chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Cho nên chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó.