Quá hào phóng

ANTĐ -  Bộ Y tế vừa đề nghị khoản kinh phí cần có để triển khai 4 phương án phòng chống dịch cúm A/H7N9 là 114,783 triệu USD; trong đó có 36,356 triệu USD là nguồn kinh phí đầu tư của Chính phủ, còn lại 78,427 triệu USD cần quốc tế hỗ trợ. 115 triệu USD mà Bộ Y tế đề xuất để chống cúm A/H7N9 quả là một con số “khủng”  tương đương 2.400 tỷ đồng Việt Nam - số tiền không nhỏ giữa thời buổi kinh tế hết sức khó khăn. 

Điều đáng nói là nhìn vào đề xuất các hoạt động hội nghị, hội thảo, truyền thông, người ta cũng thấy… choáng khi sẽ có đến 7 cuộc hội thảo quốc tế, 4 chuyến đi học tại nước ngoài, 76 cuộc giao ban trực tuyến tại tuyến tỉnh, 8 lớp tập huấn giám sát cho tỉnh và huyện, 20 cuộc diễn tập phòng chống dịch... đã thấy đây là đề xuất quá hào phóng trong thời điểm suy thoái khó khăn. Ngay trong tình huống 1, khi chưa có ca bệnh trên người nào xuất hiện, Bộ Y tế đã đề xuất đến gần 1 triệu USD cho truyền thông và cung cấp thông tin về cúm H7N9, với hai hội thảo liên ngành, hai lớp tập huấn cho báo chí, sản xuất các tài liệu truyền thông như thông điệp truyền hình, truyền thanh, tranh gấp, áp phích, sổ tay hỏi đáp đường dây nóng, bản tin hàng tuần… 

Nhìn lại những "vụ" dịch trước, ngành Y tế đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng một cách lãng phí. Cụ thể, năm 2005, Việt Nam đã chi trên 500 tỷ đồng mua thuốc Tamiflu dự trữ chống dịch cúm A/H5N1, nhưng cuối cùng dịch không xuất hiện. Năm 2009, lại thêm gần 1.000 tỷ đồng chống dịch và mua sắm đủ các trang thiết bị, nhưng đại dịch cũng không xảy ra như dự đoán. Nhiều thiết bị như máy đo thân nhiệt từ xa, máy thở được trang bị trong đợt phòng chống dịch SARS năm 2003, dịch cúm A/H5N1 năm 2005 đang trong tình trạng "đắp chiếu" do không dùng đến hoặc cán bộ y tế tuyến dưới không biết sử dụng. 

Và giờ, trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập, Bộ Y tế lại tiếp tục đề xuất số kinh phí "khủng" để… phòng dịch. Liệu có quá tay khi khoản tiền này cao hơn gần 21 lần so với khoản kinh phí đề xuất 5,5 triệu USD của Bộ NN & PTNN cũng cho các hoạt động ưu tiên phòng chống cúm A/H7N9. 

Việc phòng ngừa dịch nói chung, dịch cúm A/H7N9 nói riêng đương nhiên là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải "liệu cơm gắp mắm", cân đối kinh phí hợp lý. Các tổ chức quốc tế cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nhưng họ chỉ xem việc hỗ trợ kinh phí khi dịch cúm A/H7N9 đã xâm nhập Việt Nam, còn như hiện nay thì nước ta phải tự lo. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để có tiền ngay cho việc phòng, chống dịch cúm A/H7N9 thì Việt Nam cần phải dựa vào nguồn lực hiện đang có của các dự án mà Ngân hàng Thế giới đã và đang triển khai ở nước ta trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Cụ thể, Việt Nam có thể sử dụng nguồn kinh phí còn kết dư của các dự án này để chuyển đổi sang công tác phòng, chống cúm A/H7N9. Và "nên lồng ghép các chương trình triển khai, làm sao để làm được nhiều việc với chi phí ít".