Qua giờ G, vì sao Mỹ chưa tấn công Syria?

ANTD.VN - 48 giờ đã qua, vẫn chưa có quyết định tấn công Syria được đưa ra như Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố. Mỹ đang cân nhắc, tham vấn các đồng minh Anh, Pháp và dường như quyết định tấn công “chỉ bị hoãn chứ không hủy bỏ”. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các quan chức quốc phòng và an ninh về tình hình Syria tại Washington DC

Sau những tuyên bố “có lửa” hôm 11-4 của Tổng thống D.Trump rằng “những tên lửa thông minh sẽ được phóng tới” Syria và Nga nên “chuẩn bị sẵn sàng” cho một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, ông chủ Nhà Trắng dường như đã dịu giọng hơn trên mạng xã hội Twitter một ngày sau đó: “Tôi chưa bao giờ nói khi nào một cuộc tấn công Syria sẽ xảy ra”. Lý do cho những dấu hiệu giảm căng thẳng là vì đã xuất hiện các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn một cuộc chiến có nguy cơ đạt tới quy mô toàn cầu. 

Đầu tiên là nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) khi tiến hành phiên họp kín nhằm “hạ hỏa” căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ liên quan đến tình hình Syria. Đã không còn xuất hiện những lời khẩu chiến gay gắt giữa hai Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ Mỹ - Nga về vụ tấn công ở Syria. Sau cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily tuyên bố “ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh”, đặc biệt là đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ tại Syria, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên có thể “đối thoại qua các kênh thích hợp để tránh những diễn biến leo thang nguy hiểm”. 

Trong khi đó, các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã lập tức tới Syria và sẽ bắt đầu làm việc trong ngày 14-4 để thu thập chứng cứ của vụ tấn công nghi sử dụng khí độc tại thị trấn Douma dưới sự cam kết từ Nga và chính quyền nước sở tại về việc sẵn sàng hợp tác và tạo mọi điều kiện để điều tra khách quan. 

Bên cạnh đó, Đức, quốc gia đầu tàu châu Âu, đã kiên quyết không tham gia bất kỳ cuộc tấn công nào, nếu có, nhằm vào Syria. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đột ngột thay đổi quan điểm từng rất cứng rắn khi nói rằng Pháp sẵn sàng cùng Mỹ tấn công Syria bằng sự thoái lui “Pháp sẽ không để bất kỳ sự leo thang nào có thể gây tổn hại ổn định tại khu vực”. Cộng đồng quốc tế đang đặt ra câu hỏi: liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump với tính cách bất định vốn có có từ bỏ ý định tấn công Syria hay không? 

Theo các chuyên gia chính trị, những tuyên bố mang tính xuống thang của hai Tổng thống Trump và Macron chứng tỏ Mỹ và Pháp đã phải công nhận rằng những cuộc tấn công thiếu chiến lược sẽ không đạt hiệu quả. Mỹ đang lựa chọn mục tiêu để tấn công mà không đụng chạm đến binh sĩ và căn cứ của Nga. Tấn công Syria và nguy cơ đụng độ với Nga là điều không dễ chịu.

Nga đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng đương đầu với đòn tấn công của Mỹ. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov, từng cảnh báo rằng một cuộc không kích của Mỹ sẽ đe đọa các nhân viên quân sự Nga ở Syria và dẫn đến một cuộc tấn công trả đũa. Tuyên bố này cho thấy Matxcova sẵn sàng bảo vệ đồng minh của họ ngay cả khi nó dẫn đến cuộc đụng độ trực tiếp với Washington. 

Đây cũng là thời điểm Mỹ phải tự đặt câu hỏi, lợi ích thực sự của họ trong cuộc chiến ở Syria là gì? Liệu an ninh của Mỹ có được cải thiện qua việc leo thang quân sự ở Syria? Rõ ràng, bằng chứng của nhiều năm trước, khi xảy ra bất ổn ở Libya hay Iraq đã chứng minh điều ngược lại: chiến tranh sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều người tị nạn, sự hỗn loạn, cực đoan hơn và thêm nhiều khoảng trống cho khủng bố. 

Xét trên quan điểm này, những tuyên bố của Mỹ về đòn tấn công quân sự vào Syria được coi là tạo thêm tình huống “căng thẳng” để “buộc Nga phải ngồi xuống đàm phán”. Đích đến của Mỹ vẫn là triển khai chính sách khôi phục tầm ảnh hưởng bị lung lay tại Trung Đông trước sự trỗi dậy thành công của Nga. Vì thế, ngay cả khi Mỹ phát lệnh tấn công Syria thì đó sẽ chỉ là những đòn “tấn công thẩm mỹ”, nhằm vào những cơ sở không quan trọng và sẽ không có đụng độ lớn.