Quả đấm thép tấn công tội phạm "tín dụng đen"

ANTD.VN - Cách đây 3 năm, nhận định hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi bắt đầu len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, trở thành vấn nạn gây mất ANTT trong xã hội và thiệt hại kinh tế lớn cho người dân và doanh nghiệp, CATP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch 231 nhằm đấu tranh, triệt phá… 

Những chiếc bẫy hiểm ác

Mới đây, ngày 9-8, Phòng CSHS đã bắt ổ nhóm đối tượng do Đỗ Văn Quang (tức Quang Rambo, SN 1984, trú tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và Nguyễn Đức Nhân (SN 1986, trú tại phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) cầm đầu chuyên đòi nợ thuê trên địa bàn Hà Nội. Quá trình điều tra xác định, để đòi được tiền, các đối tượng đã nhiều lần cùng chủ nợ đi tìm con nợ để chửi bới, đe dọa, thậm chí dùng cả vũ khí nóng để ép buộc họ phải trả tiền. Ngoài ra, khi đi đòi nợ ở các công ty, nhóm đối tượng còn vào văn phòng đuổi cả nhân viên, theo dõi gia đình giám đốc, chụp ảnh vợ con họ nhằm gây áp lực để lấy tiền chia nhau. Ngay cả khi nhóm Quang - Nhân bị công an tạm giữ hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản, nạn nhân vẫn chưa hết hoảng sợ vì những trò bẩn mà các đối tượng đã gây ra...

Trước đó, đầu năm 2019, Phòng CSHS cũng bắt ổ nhóm “tín dụng đen” do Triệu Đình Hoan cầm đầu. Đây là ổ nhóm “tín dụng đen” núp bóng Công ty Cổ phần đầu tư Hải Linh (Công ty Hải Linh). Trong vụ án này, đối tượng Triệu Đình Hoan (SN 1979, trú tại Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) đã dụ các doanh nghiệp có tài sản, nhưng đang lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính vào chiếc bẫy do hắn giăng sẵn. Cụ thể, để “đối tác” có niềm tin với công ty của mình, Hoan cùng đồng bọn tỏ ra rất quan tâm đến khách hàng là những doanh nghiệp xây dựng. Chúng giới thiệu có mối quan hệ với ngân hàng, nếu khách chấp nhận vay tiền của chúng thì sẽ được trợ giúp trong vấn đề thế chấp tài sản tại ngân hàng với mức ưu đãi cao hơn giá trị thực rất nhiều.

Anh L - một trong số nạn nhân của Hoan chia sẻ, sau khi vay của Hoan khoảng 10 tỷ đồng để mua đất, Hoan hứa sẽ “giúp” anh bằng cách giới thiệu thế chấp mảnh đất đó vào ngân hàng để thu được về trên 10 tỷ đồng. Ban đầu, anh L cứ tưởng như vậy là có lãi, bởi dôi ra được một khoản tiền nhất định. Nhưng về sau mới vỡ lẽ, từ khi nộp hồ sơ phải vài tháng sau ngân hàng mới giải ngân. Trong khi đó doanh nghiệp của anh lại phải đóng lãi ngày cho Hoan kể từ khi vay tiền mua đất. Thậm chí với mức lãi của Hoan thì khi nhận được tiền của ngân hàng, anh cũng chỉ đủ trả khoản lãi, còn gốc vẫn… y nguyên. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty Hải Linh đã cho khoảng 120 doanh nghiệp và cá nhân vay với số tiền lên đến 1.600 tỷ đồng.

Quả đấm thép tấn công tội phạm "tín dụng đen" ảnh 1

Quả đấm thép tấn công tội phạm "tín dụng đen" ảnh 2Ổ nhóm đối tượng đòi nợ thuê do Đỗ Văn Quang và Nguyễn Đức Nhân cầm đầu và tang vật vụ án

Nhận diện thủ đoạn, chặn vòi “tín dụng đen”

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội thông tin, từ khi triển khai Kế hoạch 231 đến nay, CATP Hà Nội đã dựng  được 118 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” là 51 ổ nhóm với 164 đối tượng. Hiện đang đấu tranh với 23 ổ nhóm với 102 đối tượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện 153 vụ việc có liên quan đến hoạt động kinh doanh tài chính, mâu thuẫn do đòi nợ, giảm 77 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 26 vụ phạm pháp hình sự, khởi tố 22 vụ gồm 4 vụ cướp tài sản, 3 vụ cưỡng đoạt tài sản, 4 vụ cố ý gây thương tích, 6 vụ cho vay nặng lãi, 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bắt 39 đối tượng. Đáng chú ý ngoài vụ việc do Triệu Đình Hoan đã nói ở trên, CATP còn bắt giữ một băng nhóm tội phạm cho vay nặng lãi câu kết với cán bộ ngân hàng làm giả hồ sơ gây thất thoát  489,75 tỷ đồng, CATP đã khởi tố bắt tạm giam 08 đối tượng.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhìn nhận, Công an Hà Nội nhận diện rất sớm các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm này. Do đó đã đồng bộ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản. Theo đó, đã tiến hành rà soát, dựng lên toàn bộ bức tranh để nhận diện về hoạt động “tín dụng đen”, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”. Lên toàn bộ danh sách ổ nhóm, tính chất, quy mô hoạt động, để xác định toàn bộ vai trò của các đối tượng. Sau đó có phân công, phân cấp rõ ràng, giao nhiệm vụ cho toàn đơn vị, cá nhân để có kế hoạch đấu tranh. “Vì hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” là ổ nhóm tội phạm có tổ chức, chính vì vậy phải bóc gỡ từng mảng, từng bộ phận để triệt phá với phương châm “cắt ngọn, tỉa cành, chặt cây, đào gốc” thì mới có thể đem lại hiệu quả phòng ngừa” - lãnh đạo CATP Hà Nội cho hay.

Theo Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã có những chỉ đạo cương quyết cứng rắn riêng với lực lượng CSHS toàn quốc. Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Giám đốc CATP Hà Nội cũng đã chỉ đạo lực lượng CSHS Thủ đô tập trung lực lượng, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, không để tội phạm có tổ chức lộng hành công khai thành ổ nhóm. Bám sát chủ trương này, Phòng CSHS đã phối hợp với các đơn vị, công an các quận, huyện, tập trung trấn áp tội phạm đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm “tín dụng đen”. Phòng đã cùng công an các quận, huyện, thị xã rà soát và tập trung triệt phá các ổ nhóm tội phạm đã dựng từ trước cũng như các băng nhóm mới xuất hiện. Trong tháng 8 này, Phòng CSHS sẽ sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện Kế hoạch 231, tập trung đấu tranh chống tội phạm tín dụng đen. Tập trung chỉ đạo, rà soát, đánh giá, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, giữ TTATXH, bình yên cho Thủ đô.

“Tội phạm “tín dụng đen” như vòi bạch tuộc, chặt vòi này lại tái tạo, phát sinh những vòi khác, vươn đến từng ngõ phố, làng xã, len lỏi vào từng hộ gia đình để gây họa. Do đó, muốn ngăn chặn triệt để, điều cốt yếu đầu tiên chính là từ ý thức từ người dân không vay nợ của các tổ chức “tín dụng đen”, quản lý con em trong gia đình tránh ăn chơi đua đòi và mắc nợ. Đồng thời các tổ chức tín dụng cũng xem xét, sửa đổi quy định về vay vốn ngân hàng, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, không phải vay nợ của các tổ chức “tín dụng đen” dẫn đến khó có khả năng chi trả” - chỉ huy Phòng CSHS nhận định.

“Tội phạm “tín dụng đen” như vòi bạch tuộc, chặt vòi này lại tái tạo, phát sinh những vòi khác, vươn đến từng ngõ phố, làng xã, len lỏi vào từng hộ gia đình để gây họa. Do đó, muốn ngăn chặn triệt để, điều cốt yếu đầu tiên chính là từ ý thức từ người dân không vay nợ của các tổ chức “tín dụng đen”, quản lý con em trong gia đình tránh ăn chơi đua đòi và mắc nợ. Đồng thời các tổ chức tín dụng cũng xem xét, sửa đổi quy định về vay vốn ngân hàng, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, không phải vay nợ của các tổ chức “tín dụng đen” dẫn đến khó có khả năng chi trả”