“Quả đấm thép” hoen gỉ

ANTĐ - Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã khẳng định quan điểm đối với những sai phạm tại các doanh nghiệp Nhà nước. Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước không riêng gì Vinashin và Vinalines, nếu để xảy ra sai phạm thì đều phải xử lý theo quy định của pháp luật. Trên nghị trường Quốc hội những phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ của các đại biểu không chỉ “nóng” xung quanh vụ việc hàng nghìn tỷ đồng đổ xuống biển, mà còn bày tỏ nỗi lo ngại của cử tri về những “lỗ hổng” rất lớn trong quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước những “quả đấm thép”.

Từ năm 2005 tập đoàn kinh tế Nhà nước được Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động. Chính vì hoạt động trong một khung pháp lý không đầy đủ, nhiều tập đoàn lại được nắm giữ vị thế độc quyền, được hưởng quá nhiều ưu ái, ưu đãi đã thống lĩnh thị trường, cho nên việc quản lý các “ông lớn” này rất khó. Lâu nay, khá nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý kinh tế đã chỉ ra những lỗ hổng “chết người”, nhưng phải đợi đến khi những lỗ hổng đó bục vỡ ra như Vinashin rồi Vinalines cũng như một loạt tập đoàn đồ sộ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Petro VietNam… thì dư luận mới được biết. Một tiến sĩ nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ nỗi bức xúc, trong khi hàng triệu người dân phải tính từng đồng, từng mớ rau, quả trứng, thì sự phung phí ở những tập đoàn, rõ ràng là một tội lỗi.

Theo ông, đây chính là lúc Nhà nước phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một cách cầu thị và dẫu có đắng cay cũng phải làm. Trước mắt cần xem xét lại toàn diện khung pháp lý về quản trị đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và trách nhiệm các cơ quan quản lý. Thí điểm tập đoàn thực ra là cuộc “thí nghiệm”, tức là phải có mục tiêu rõ ràng, có thời gian nhất định, cụ thể không thể “thí điểm” kéo dài như vậy. Thực ra, trong những năm qua, đã từng có một số cuộc hội thảo, tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, vấn đề cực kỳ quan trọng là quản trị. Có nghĩa là dòng vốn đổ vào cho các tập đoàn đã không kiểm soát được. Lỗ mà không ai biết đến khi Thanh tra Chính phủ “vào cuộc” vạch ra hàng loạt những sai phạm lớn thì đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Có một thời chúng ta đã chọn ra rất nhiều ngành mũi nhọn, tương tự như một quả mít chỗ nào cũng nhọn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại vì lựa chọn mà không dựa trên lợi thế. Mặc dù Bộ Tài chính đã đưa ra một số vấn đề để kiểm soát hoạt động của các tập đoàn, song vẫn thiếu những giám sát độc lập, không gắn lợi ích gì. Bộ chủ quản lại có chức năng giám sát và quản lý Nhà nước vì thế không chịu trách nhiệm tới cùng.

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, cần phải tiến hành một cuộc tái cơ cấu sâu rộng, triệt để khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Cơ cấu lại để tạo một cơ chế minh bạch và giám sát chặt chẽ, kịp thời đảm bảo những đồng tiền được rót vào không lọt thỏm và những “lỗ hổng” vô trách nhiệm. Nếu không, những “quả đấm thép” sẽ ngày  càng bị… hoen gỉ.