Quả bom hẹn giờ

ANTĐ - Cơ cấu “dân số vàng” thường đem đến những cơ hội phát triển hiếm có. Thế nhưng với đất nước vạn đảo - Indonesia, đây đang là “quả bom hẹn giờ” nguy hiểm.

Indonesia đang bước vào thời kỳ dân số vàng

Số liệu thống kê cho biết tính đến cuối năm 2012, tổng dân số Indonesia đã vượt ngưỡng 245 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên 250 triệu người trong năm nay. Mỗi ngày có thêm 10.000 trẻ được sinh ra ở Indonesia. Nhưng điều đáng nói hơn là đất nước này đang bước vào thời kỳ “dân số vàng”.

Cơ cấu “dân số vàng” là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). “Dân số vàng” đồng nghĩa với sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, họ sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tăng giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già.

Thời kỳ “dân số vàng” chỉ đến một lần với mỗi nước và kéo dài trong 15 năm, 30 năm hay 40 năm tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia. Kinh nghiệm nhiều nước (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) chỉ ra rằng nắm bắt được cơ hội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi vượt bậc của nền kinh tế. Nếu tạo được công ăn việc làm cho thanh niên, đặc biệt trong những ngành có thế mạnh, nguồn nhân lực khổng lồ đầy tiềm năng này sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc.

Có điều là cơ hội “dân số vàng” chỉ là điều kiện cần, còn chính sách là điều kiện đủ để hiện thực hóa các cơ hội dân số đó cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nếu không nắm bắt được cơ hội này thì gánh nặng và hệ lụy kinh tế - xã hội sẽ vô cùng lớn. Thái Lan là một ví dụ khi không phát huy được cơ cấu dân số vàng nên bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” suốt nhiều năm, tức là năng suất lao động có tăng nhưng không đáng kể, không đưa thu nhập của Thái Lan vượt ngưỡng được.

Đáng tiếc là với Indonesia hiện nay, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy nước này đang dẫn đầu danh sách về thất nghiệp lao động trẻ (độ tuổi 15-24) với tỷ lệ 19,9% tổng dân số. Kinh tế thế giới suy giảm và sự trì trệ của khu vực kinh tế sử dụng Lao động truyền thống ở Indonesia đã làm giảm nhu cầu tuyển dụng đối với lao động trẻ. Khi nhu cầu tiêu dùng cao nhưng lại không có việc làm hoặc việc làm có thu nhập thấp, bấp bênh thì thách thức về tệ nạn xã hội là rõ ràng.

Chính vì thế mà các nhà kinh tế lo ngại quá khứ của Thái Lan có thể lặp lại ở Indonesia. Theo nhà phân tích hàng đầu L. Adam thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế, Viện Khoa học Indonesia (LIPI), mặc dù tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ là một hiện tượng phổ biến ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng vấn đề này gây tác động nghiêm trọng nhất ở Indonesia và đây chính là “quả bom hẹn giờ” đối với quốc gia này.