Qua 5 ngày đổi giờ học, giờ làm: Luôn cầu thị và thận trọng

ANTĐ - Chiều 6-2, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nghe báo cáo bước đầu về việc thực hiện phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm việc trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến đánh giá, qua 5 ngày thực hiện, giao thông trên nhiều tuyến phố chính đã cải thiện rõ nét.

Cần điều chỉnh hợp lý để giảm bớt sự vất vả của học sinh khi tan học vào tối muộn.

Ảnh: Hoàng Hà

Giúp giảm ùn tắc

Nhìn lại 5 ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ, Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Xuân Tân cho rằng, còn sớm để đo đếm hiệu quả song ghi nhận ban đầu cho thấy, nhiều tuyến giao thông chính, hay xuất hiện ùn tắc đã có chuyển biến rõ nét. Đường phố đã thông thoáng hơn. Do khung giờ cao điểm được “kéo giãn”, lượng người sử dụng xe buýt tăng 30% nhưng lượng khách có mặt trên xe lại giảm nên “tình hình ổn định, xe không bị quá tải, hành khách dễ thở hơn”.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, một số tuyến hay xảy ra ùn tắc vẫn đông nhưng không tắc nghẽn. Mật độ giao thông trong giờ cao điểm ở một số tuyến lớn như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Trương Định, Đại La, Xuân Thủy - Cầu Giấy... đã giảm. Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến minh họa: “Giao thông rõ ràng đỡ bức bối hơn. Tôi đi làm, tới cơ quan thấy nhanh hơn từ 15-20 phút so với trước đây”.

Nhất trí với đánh giá của UBND TP, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Trần Thùy cho biết, CATP đã bố trí đầy đủ lực lượng tham gia, cắm chốt tại các điểm dễ xảy ra ùn tắc để can thiệp kịp thời. Theo phương án đổi giờ, các lực lượng của CATP cũng phải kéo dài thêm giờ chốt trực, từ 6h tới 19h30 hàng ngày. Theo Thiếu tướng Trần Thùy, bức xúc nhất hiện nay vẫn là nhóm học sinh THPT với vấn đề tan học sau 19h. Phó Giám đốc CATP kiến nghị, nên chăng, TP cân nhắc điều chỉnh lại giờ học của học sinh THPT ở 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm theo khung giờ trước đây bởi thực tế, số lượng học sinh THPT ở 2 huyện này hầu như không ảnh hưởng tới vấn đề ùn tắc giao thông.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đồng tình với việc các em học sinh THPT tan ca chiều sau 19h là muộn. Ông cũng thống nhất với ý kiến nên điều chỉnh giờ tan học ca chiều cho phù hợp hơn. Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, một số trường hiểu phương án đổi giờ theo kiểu cứng nhắc, “nhiều khi máy móc” nên có khi học sinh hết giờ học sớm lại chưa cho về. Ông nói: “Có trường hợp gia đình cháu mầm non tới đón trước 17h nhưng trường không cho về. Thế là quá máy móc. Tới đây, các trường cần chủ động, linh hoạt hơn...”.

Cân nhắc điều chỉnh

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, cuối tuần trước, TP đã có báo cáo Chính phủ và Thủ tướng đã cho phép TP Hà Nội được chủ động trong việc điều chỉnh phương án đổi giờ nếu phát hiện vấn đề bất cập. Chủ tịch UBND TP cũng nhận định, vấn đề nhiều người phản ánh nhất hiện nay là giờ tan học của học sinh THPT. Ông nói: “Vấn đề này TP đã nhìn ra. Giờ tan ca chiều nên đẩy lên sau 18h có thể hợp lý hơn...”.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án đổi giờ, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thường trực Thành ủy điều chỉnh một số vấn đề. Cụ thể, chuyển giờ tan học ca chiều của nhóm THPT từ 19h thành sau 18h. Các trường mầm non, tiểu học, THCS ca sáng bắt đầu trước 8h; kết thúc ca chiều sau 17h. Cùng với đó, điều chỉnh kéo dài thêm giờ vận hành chiếu sáng công cộng; điều chỉnh giờ hoạt động cao điểm của xe buýt, nhất là tại các tuyến trọng yếu. Ngoài ra, tiếp tục cấm xe tải các loại hoạt động từ 6h tới 21h hàng ngày trong phạm vi vành đai II; cấm xe tour du lịch từ 45 chỗ trở lên hoạt động trong giờ cao điểm, sáng từ 6h đến 9h30; chiều từ 16h đến 19h, trong khu vực nội thành. Cùng với đó, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, TP phải siết chặt hơn nữa những quy định đã có như hạn chế hàng rong, cấm taxi giờ cao điểm... Bà Thanh nói: “Phố cấm taxi nhưng vẫn thấy xe chạy. Đường cấm hàng rong nhưng vẫn ngang nhiên bày ra kín hè giữa giờ cao điểm, nhất là khu vực giáp ranh giữa các quận. Tất cả những việc này đều phải làm chặt hơn nữa...”.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, đổi giờ học, giờ làm là vấn đề TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ông khẳng định, TP luôn lắng nghe các ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị và luôn thận trọng trong xây dựng cũng như triển khai phương án đổi giờ. Ghi nhận dấu hiệu tích cực từ khi áp dụng đổi giờ, Bí thư Thành ủy kêu gọi sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội với việc đổi giờ để hạn chế ùn tắc. Thường trực Thành ủy cũng thống nhất giao UBND TP cân nhắc việc điều chỉnh phương án đổi giờ sao cho hợp lý nhất (có thể trong 7 ngày tới). Cùng với đó, TP phải chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhóm giải pháp khác về quy hoạch, xây dựng hạ tầng... để cải thiện tình hình giao thông trên toàn thành phố.

Không còn cảnh nhồi nhét trên xe buýt

Trước một số ý kiến cho rằng, đổi giờ học, giờ làm chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội tại cuộc họp với các Sở ngành chiều qua 6-2 khẳng định, còn quá sớm để đưa ra nhận định về  điều này. Do đó, các cơ quan vẫn phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch điều chỉnh giờ học, giờ làm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, 5 ngày qua, Sở GTVT đã chỉ đạo tăng cường khoảng 700 lượt xe buýt mỗi ngày (tăng 32%) với 6 tuyến xe buýt tăng cường và tổ chức thêm 7 tuyến mới. Sở này cũng tăng khung giờ phục vụ cao điểm thêm 2 giờ mỗi ngày vào giờ cao điểm. Các tuyến xe buýt cũng không còn cảnh nhồi nhét hành khách như trước đây, đáp ứng được khoảng 60.000-70.000 lượt người trong khung giờ cao điểm mỗi ngày. Ngoài ra, ông Hùng cũng đề  nghị  các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm, việc đổi giờ để cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp các đề xuất gửi UBND TP và Bộ GTVT sau một tháng thực hiện.

Trước mắt, với ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ quyết định đổi giờ học, giờ làm nhất là giáo dục, với những vấn đề phát sinh trong khả năng có thể giải quyết được, Sở GD-ĐT chủ động điều chỉnh để làm ngay, cố gắng ảnh hưởng ít nhất tới đời sống học sinh, phụ huynh…