Quà 20-11 đang nghiêng về vật chất hơn tinh thần

ANTĐ - Một trong những thông tin gây bàn tán mới đây là yêu cầu của Sở GD-ĐT  TP Hồ Chí Minh với các cơ quan trên địa bàn thành phố về mong muốn nhận thiếp điện tử chúc mừng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trên tinh thần tiết kiệm, thân ái. Ông Phan Văn Hiền, phụ huynh học sinh trường THPT Quang Trung bày tỏ sự đồng tình.

- Ông có cho rằng việc gửi thiếp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam là một ý kiến đáng khuyến khích?

- Theo tôi, đây là một ý kiến khá hiện đại và nếu thực hiện được thì rõ ràng là một cách tiết kiệm cả thời gian lẫn tài chính cho mọi người mà vẫn chia sẻ được sự tôn sư trọng đạo nhân ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam 20-11.

- Nhưng vẫn nhiều người cho rằng phải đến tận nơi tặng hoa thì mới có ý nghĩa?

- Đúng là theo quan điểm truyền thống thì không chỉ ngày 20-11 mà các ngày kỷ niệm của các ngành nghề khác mọi người cũng đều muốn đến tận nơi chúc mừng, tặng hoa để thể hiện sự trân trọng. Tuy nhiên, với hàng chục lẵng hoa lớn, toàn tiền triệu chỉ để xếp một vài ngày rồi héo, bỏ đi thì đúng là sự lãng phí lớn. Hơn nữa việc trực tiếp đi lại, chúc mừng, đón tiếp cũng mất không ít thời gian làm việc công, chưa kể việc trích quỹ cơ quan để làm quà biếu, phong bì…

- Vậy với các thầy cô giáo, việc tăng hoa hay thiếp điện tử liệu có thể áp dụng được hay không?

- Người Việt Nam có lẽ chưa quen với hình thức này. Hơn nữa, với khá nhiều phụ huynh thì quà tặng cô nhân dịp 20-11 không đơn giản chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn nghiêng nhiều về vật chất với mong muốn cô quan tâm, giúp đỡ con mình hơn. Lối suy nghĩ khá thực dụng đấy cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến suy nghĩ của học sinh về thầy cô cũng khác đi so với thời trước. Tôi nghĩ rằng, mọi việc cũng nên dần dần điều chỉnh như cách mà Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh làm, để những món quà ngày 20-11 trở về với đúng ý nghĩa của nó.