Qantas rút hết cổ phần, Jetstar trở về tên gọi cũ là Pacific Airlines

ANTD.VN - Dự kiến, ngày 15-7 tới đây, Jetstar Pacific sẽ ra mắt thương hiệu mới và logo nhận diện hoàn toàn mới. 

Hôm nay, 15-6, Vietnam Airlines phát đi thông báo cho biết, hãng và tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Được biết, hai hãng cũng đã cơ bản hoàn tất đàm phán việc Qantas chuyển nhượng toàn bộ 30% cổ phần mà hãng này sở hữu ở Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.

Theo đó, ngay sau khi hoàn tất, Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.

Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách. Dự kiến, vào giữa tháng 7-2020 tới đây, hãng sẽ ra mắt thương hiệu và logo mới với công chúng. Theo đó, logo của Pacific Airlines sẽ lấy máu tím là chủ đạo, và trên máy bay cũng tương tự. 

Thương hiệu và logo nhận diện mới của Pacific Airlines, tiền thân của Jetstar Pacific

Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành - để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines. 

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines cho biết: “Các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với việc đồng bộ hoá hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Chúng tôi hy vọng chiến lược thương hiệu kép sẽ giúp cả hai hãng mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, đồng thời góp phần củng cố vị trí dẫn đầu của Vietnam Airlines Group tại thị trường hàng không Việt Nam”.

Theo chia sẻ Pacific Airlines sẽ hoạt động độc lập, nhưng Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ hãng hàng không giá rẻ này cùng phát triển.

Hiện nay, Jetstar Pacific sở hữu đội ngũ 18 tàu bay, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện mới chỉ có 2 tàu bay đưa vào hoạt động, 16 tàu bay vẫn “nằm chờ”. Hãng cũng kỳ vọng, khoảng giữa tháng 7 này sẽ đưa toàn bộ đội tàu bay vào hoạt động. Và đến năm 2025, đội tàu bay của hãng sẽ có quy mô 40 chiếc.

Đối mặt với những thách thức chung của ngành hàng không do dịch Covid-19 gây ra, hai cổ đông lớn của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thực hiện các thay đổi cần thiết liên quan đến cơ cấu cổ phần.

Thời gian qua, Vietnam Airlines, với vai trò cổ đông lớn, đã tham gia tái cơ cấu mạnh mẽ Jetstar Pacific trên định hướng “thương hiệu kép”.

Sau khi đổi tên thương hiệu, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ tiếp tục tạo ra chuỗi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng từ phân khúc chi phí thấp đến cao cấp, mà còn tăng thêm giá trị, lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Sự kết hợp này cho phép hai bên tận dụng lợi thế của nhau để mang đến cho khách hàng những quyền lợi tốt nhất với mức giá hấp dẫn nhất.

Tuy vậy, đến nay Vietnam Airlines vẫn chưa tiết lộ 30% cổ phần của Quantas Airways ở Jetstar Pacific trị giá bao nhiêu, đồng thời khẳng định Pacific Airlines sẽ là hãng hàng không giá rẻ.

Hiện, Vietnam Airlines sở hữu 70% vốn của Jetstar Pacific và Qantas chiếm 30%. Sau cú chuyển nhượng này, Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất của Jetstar.

Tiền thân của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific là Pacific Airlines. Năm 2005, khi hãng này thu lỗ lớn thì Chính phủ tái cơ cấu, năm 2008, Qantas Airways chiếm 27% cổ phần và Vietnam Airlines được chuyển giao nắm giữ số cổ phần còn lại, đồng thời đổi tên thành Jetstar Pacific như hiện nay.