Qantas liệu có bay cao?

ANTĐ - Từ đầu giờ chiều 31-10, các chuyến bay của Hãng hàng không Qantas đã được nối lại, tạm thời chấm dứt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Australia.
 

Các máy bay của Qantas đã hoạt động trở lại

Việc nối lại các chuyến bay của Qantas chỉ diễn ra sau khi một tòa án của Australia ra phán quyết yêu cầu Qantas chấm dứt tranh cãi giữa ban lãnh đạo hãng và các nghiệp đoàn khiến ngành hàng không nước này tê liệt. Gần 70.000 hành khách quốc tế và nội địa đang bị kẹt tại các sân bay trên khắp Australia và trên thế giới, trong đó có cả các nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Khối Thịnh vượng chung tại thành phố Perth của Australia, đã được giải thoát.

Ra đời cách đây 90 năm, hiện là hãng hàng không lớn thứ 10 trên thế giới, chiếm 60% thị phần nội địa và sở hữu hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng   Jetstar, với danh tiếng về độ tin cậy và an toàn, Qantas đã trở thành niềm tự hào của Australia. Tháng 6 vừa rồi,   Qantas công bố kết quả kinh doanh 12 tháng (tính đến tháng 6-2011) cho thấy mức lợi nhuận của hãng đạt 250 triệu đôla  Australia, tương đương 263 triệu USD, gấp đôi so với kỳ kinh doanh trước. Với niềm phấn khích, Giám đốc điều hành Qantas A. Joyce cho biết đây là thành tích tốt nhất của Qantas kể từ khi xảy ra khủng hoàng tài chính toàn cầu.

Nhưng chính vào thời điểm đầy ánh hào quang đó, những đám mây đen bắt đầu tích tụ. Giá nhiên liệu liên tục tăng đã làm đảo lộn mọi tham vọng của Qantas. Những con số dự báo cho biết trong 6 tháng cuối năm 2011, chi phí nhiên liệu sẽ lên tới 2 tỷ USD. Một kế hoạch đối phó được đưa ra với dự kiến sẽ giảm quy mô hoạt động đối với các chuyến bay nội địa từ 14% xuống 8% và các chuyến bay quốc tế từ 10% xuống 7%.

Đi liền với kế hoạch trên là thông báo của Qantas cắt giảm 1.000 nhân công trong số 36.000 người của hãng nhằm tái cơ cấu hoạt động của các đường bay quốc tế. Các vị trí bị ảnh hưởng bởi kế hoạch này bao gồm cán bộ quản lý, phi công, tiếp viên, kỹ sư và nhân viên hành chính tại sân bay. Quan hệ giữa giới lãnh đạo Qantas và nhân viên lập tức xấu đi. Sự giận dữ càng tăng lên khi Qantas quyết định tăng lương cho ông A. Joyce, Giám đốc điều hành Qantas.

Các cuộc đình công của phi công, kỹ sư, nhân viên mặt đất… bắt đầu xuất hiện. Đại diện các phi công tuyên bố sẽ kiện ông A. Joyce vì quyết định “điên rồ” của mình. Vụ tranh cãi giữa các bên đã khiến Qantas  quyết định cho “nằm đất” tất cả máy bay vào hôm 29-10, khiến khoảng 600 chuyến bay bị chậm trễ hay bị hoãn và 70.000 hành khách bị ảnh hưởng. Theo ước tính, do đình công, mỗi tuần Qantas thiệt hại 16 triệu USD. Nhưng thiệt hại lớn hơn là uy tín của ngành hàng không trên thế giới và nguy cơ sụt giảm khách du lịch đến Australia.

Chính vì thế mà chính phủ liên bang của Thủ tướng G. Gillard đã phải lên tiếng bày tỏ thái độ “không hài lòng” với quyết định ngừng bay của   Qantas và yêu cầu sử dụng biện pháp pháp lý để chấm dứt tình trạng trên. Theo phán quyết của tòa án, các bên liên quan có 21 ngày để giải quyết tranh chấp và đạt được một thỏa thuận chung. Nếu các bên không đạt được thoả thuận sẽ buộc phải ra tòa để phân xử.

Trước mắt, Giám đốc điều hành Qantas A. Joyce đã quyết định nối lại các chuyến bay. Tuy nhiên, mầm mống mâu thuẫn vẫn còn đó và câu hỏi liệu    Qantas sẽ tiếp tục bay cao và bay xa vẫn chưa có lời giải đáp.