Putin: Mỹ đang ảo tưởng về "tấn công nhanh toàn cầu"

ANTĐ - Mỹ đã đưa ra khái niệm “Tấn công nhanh toàn cầu”, theo đó, trong vòng 60 phút từ khi phát lệnh, quân đội nước này có thể tấn công bất cứ địa điểm nào trên thế giới. Tuy nhiên, phía Nga lại không nghĩ đơn giản như vậy.

Vừa qua, tổng thống Nga Putin đã đọc thông điệp hàng năm tại điện Kremlin. Trong thông điệp, ông Putin có đề cập đến hệ thống tấn công nhanh toàn cầu PGS của Mỹ và cho biết Nga đang theo dõi chặt chẽ kế hoạch liên quan của Mỹ. Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Bất kể ai đều không nên ảo tưởng giành ưu thế quân sự đối với Nga”.

“Tấn công nhanh toàn cầu” tức là trong vòng 60 phút từ khi phát lệnh, Mỹ có thể tấn công
bất cứ địa điểm nào trên thế giới (Ảnh minh họa)

Đài tiếng nói nước Nga cho biết, theo khái niệm hệ thống tấn công nhanh toàn cầu PGS của Mỹ, 60 phút sau khi mệnh lệnh phát đi, hệ thống này có thể tấn công phi hạt nhân bất cứ nơi nào trên toàn cầu. Không giống như các cuộc tấn công hạt nhân, đây là một kiểu chiến tranh khác biệt trong tương lai.

Bài báo cho rằng, tên lửa xuyên lục địa tồn tại rất nhiều yếu điểm, như lúc phóng dễ bị phát hiện, còn tên lửa hành trình mặc dù có ưu thế nhất định, đó là tính tàng hình và tính chính xác cao, nhưng đồng thời với đó, nó cũng tồn tại không ít vấn đề, như tốc độ bay thấp, sai số về thời gian bắn trúng các loại mục tiêu quá lớn. Theo tổng biên tập tạp chí “Quốc Phòng” Nga Igor Korotchenko thì Mỹ đang có ý đồ giải quyết những yếu điểm vừa đề cập ở trên.

Ông Igor Korotchenko cho rằng, tên lửa hành trình thế hệ mới của Mỹ có khả năng phi thường. Thứ nhất, nó có thể tiến hành điều chỉnh trong quá trình bay. Thứ 2, có thể thông qua lập trình, làm cho tên lửa có thể tấn công đồng thời tất các các mục tiêu. Nó có thể phóng đồng thời từ 500 đến 600 quả một lúc từ tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay quân sự chiến lược. Ngoài ra, Mỹ còn có thể sử dụng máy bay không người lái để tiến hành tấn công hệ thống chống tên lửa và trận địa rada của đối phương. Đây là khái niệm của hệ thống tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ.

Lầu Năm Góc đưa ra khái niệm PGS đã trở thành yếu tố mang tính khiêu khích quan hệ Mỹ - Nga. Ông Igor Korotchenko cho rằng, hai bên cần phải tăng cường lòng tin, nếu không, cân bằng toàn cầu sẽ bị phá vỡ. Hiện nay, cơ bản vũ khí hạt nhân mà hai nước sở hữu là tương đương, thực lực hai bên ngang nhau, do đó, hầu như không thể xảy ra chiến tranh toàn diện. Nhưng trong mấy chục năm trở lại đây, phương châm và kế hoạch hệ thống tấn công nhanh toàn cầu sử dụng vũ khí thông thường của Mỹ luôn đe dọa phá vỡ tình hình ổn định chiến lược này.

Bài báo đã chỉ rõ, không còn nghi ngờ gì nữa, với kế hoạch của Mỹ một khi liên quan đến lợi ích của những quốc gia khác, họ đều có thể tìm đến biện pháp đáp trả tương ứng. Tuy nhiên, nếu mọi việc cứ tiếp diễn như vậy, nguồn tài nguyên to lớn của toàn cầu không đầu tư cho phát triển, mà đổ hết vào cho những cuộc chiến tranh vô nghĩa.