PR là nghề được tôn trọng ở Việt Nam

(ANTĐ) -Shaun Phạm, sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Fullerton về ngành truyền thông. Trước khi về Việt Nam làm việc, Shaun đã đi làm cho một công ty tại Los Angeles.

PR là nghề được tôn trọng ở Việt Nam

(ANTĐ) -Shaun Phạm, sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Fullerton về ngành truyền thông. Trước khi về Việt Nam làm việc, Shaun đã đi làm cho một công ty tại Los Angeles.

Năm 2007, Shaun bắt đầu làm việc cho Ogilvy Public Realtion, một công ty chuyên về PR tại TP HCM với vị trí một PR Manager. Anh đã tham gia vào nhiều dự án lớn như, dự án PR cho Unilever Việt Nam cũng như nhiều dự án đặc biệt. Trước đó, anh đã là một PR supervisor tại Golden Communication Group. Với vị trí là người trong cuộc, Shaun Phạm chia sẻ về công việc mới nhiều hấp dẫn đối với bạn trẻ này.

Nhân viên PR là những người làm phát ngôn viên của một cơ quan ngoại giao, đại diện báo chí cho các tổ chức, người cung cấp thông tin của một công ty, những người làm công việc quan hệ đối ngoại được gọi chung là PR (Public Relations). Tôi đến với PR vì số phận đưa đẩy, rồi sau đó mới phát hiện ra là PR chính là niềm đam mê của mình. Còn nếu nói về tiền bạc thì chắc chắn là không rồi, vì tôi luôn quyết định nghề nghiệp vì say mê chứ không bao giờ vì tiền bạc.

Điều khiến tôi gặp khó khăn là thị trường PR ở Việt Nam vẫn còn “non trẻ ” đối với những nước khác. Vì tôi đã làm việc PR ở bên Mỹ một thời gian, nên tôi có nhiều hoạt động và chiến lược PR rất hay, nhưng cái khó khăn là có thể chưa áp dụng được ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ khó khăn lớn nhất đối với nghề PR hiện nay là ở Việt Nam vẫn chưa có những trường đào tạo chính quy và chuyên nghiệp PR, do đó vô tình cũng sẽ tạo nên một rào cản không nhỏ đối với những ai muốn tìm tòi và am hiểu nghề PR, nhất là đối với tốc độ phát triển và đòi hỏi việc nâng cao nghề nghiệp chuyên môn về PR như hiện nay. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất đối với những người trẻ làm PR ở VN hiện nay chính là khả năng sáng tạo, sự linh hoạt và phản ứng nhanh.

Nếu tính ở Hà Nội và TP HCM, các công ty event mở ra hàng ngày và thường rất ít trong số đó thành công. Theo tôi thì những công ty thất bại vì họ không hiểu quan niệm của thương hiệu và của công chúng, và kèm theo đó cũng là cách làm việc chuyên nghiệp và sáng tạo. Ai cũng biết, giải quyết khủng hoảng luôn là một bài toán hóc búa với nhân viên PR, kể cả bạn làm PR manager cho doanh nghiệp hay bạn ở công ty PR được thuê mướn. Trong thị trường nóng bỏng và cạnh tranh hiện nay, thật khó có doanh nghiệp, tổ chức nào có thể tự tin không bao giờ dính đến khủng hoảng. Khả năng giải quyết khủng hoảng vốn được xem như “cơn ác mộng” của các doanh nghiệp, chỉ có những công ty PR được đánh giá là chuyên nghiệp mới có thể đảm đương được. 

May mắn là từ thời gian bắt đầu đến với công việc PR cho đến nay, tôi chưa gặp phải vấn đề giải quyết khủng hoảng nào. Trong công việc của tôi, lúc nào tôi cũng theo khái niệm “PR sạch” hết, vì cuộc sống cũng như công việc của tôi, lúc nào cũng phải sống và làm việc tốt và có lương tâm. Nếu theo suy diễn thông thường, thì đối ngược với PR sạch hẳn là “PR bẩn”. Nhiều người làm PR đều phải rùng mình vì những chiêu mánh của các đối thủ chơi nhau nhằm giành giật khách hàng. Chuyện này thì xảy ra quá thường, nhưng tôi không để nó ảnh hưởng tôi. Làm “PR bẩn” thì có thể giành giật được khách hàng, nhưng nếu làm việc không chuyên nghiệp và không hiểu quả, thì không giữ được họ đâu. Tôi luôn tự tin với cách làm việc chuyên nghiệp của mình và công ty, nên không bao giờ phải làm “PR bẩn”.

Dẫu vậy, tôi cảm thấy nghề PR được tôn trọng ở Việt Nam. Có nhiều người trẻ khi tiếp xúc với tôi hay nói rằng họ rất thích nghề PR. Nhưng cũng có một số người không hiểu rõ PR là gì, vì dạo này mấy cô tiếp khách trong bar cũng gọi là “PR”, nên ai hiểu lầm nghề PR là như vậy, thì sẽ thiếu sự tôn trọng. Hầu hết những người làm PR đều phải đứng chân trong một công ty nào đó, vì nó liên quan đến hợp đồng, con dấu và nhiều thủ tục khác khi thanh toán. Nhưng cũng đã có những người vượt qua trở ngại đó. Và con số này ngày càng tăng lên. ý tôi nói đến những PR freelance.

Theo tôi làm PR freelance, điểm yếu là mình không có sự hỗ trợ của một công ty hay tập đoàn chuyên về PR. Riêng tôi thì thích làm PR cho một công ty chuyên về PR hơn. Theo tôi thì thành công trong nghề nào cũng không dễ hay khó, nhưng tùy theo năng khiếu và sự cố gắng của mình thôi. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là công việc mình chọn là say mê của mình.  Cho dù công việc bận rộn, tôi ít có thời gian riêng tư đúng nghĩa, nhưng tôi vẫn không thấy băn khoăn lắm. Vì dù sao đi nữa, PR cũng là cuộc sống của tôi, và bây giờ công việc tốt nên tôi luôn tập trung vào công việc. Còn chuyện tình yêu thì… chưa có nên tôi lo làm việc thôi!

                  Phi Phan