Sự cộng hưởng dẫn đến thành công

(ANTĐ) - “Từ lúc nhỏ, tôi thích ẩn mình trong phòng tối để xem người lớn tráng ảnh đen - trắng. Lớn lên, theo học và vào đời, như sự sắp đặt của số phận tôi cũng làm nghề của những người luôn đứng trong bóng tối - quay phim. Tôi vẫn thích, thích được làm công việc của một người tổ chức hình ảnh”.

Sự cộng hưởng dẫn đến thành công

(ANTĐ) - “Từ lúc nhỏ, tôi thích ẩn mình trong phòng tối để xem người lớn tráng ảnh đen - trắng. Lớn lên, theo học và vào đời, như sự sắp đặt của số phận tôi cũng làm nghề của những người luôn đứng trong bóng tối - quay phim. Tôi vẫn thích, thích được làm công việc của một người tổ chức hình ảnh”.

12 năm đã qua, nhà quay phim ấy đã gắn cuộc đời với những góc máy giản dị và tinh tế của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC); vào một ngày, ánh sáng vinh quang đã ghé thăm căn phòng tối của anh khi cái tên Việt Nam Phạm Quang Minh được xướng lên tại Liên hoan phim Quốc tế Stockholm, Thụy Điển - 2010 với giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất.  

Cảm xúc của anh khi thông tin dội ngược từ Thụy Điển về Việt Nam?

Tôi hoàn toàn bất ngờ, lúc đó đạo diễn Phan Đăng Di gọi từ Thụy Điển về cho tôi vào ban đêm, lần thứ hai tôi mới nhấc máy vì thấy số lạ. Di bảo tôi nói mấy lời để Di chuyển lời cảm ơn. Giải chính thức Quay phim là hoàn toàn bất ngờ. Nối tiếp đến ngỡ ngàng khi cả Di cũng đoạt giải Phim đầu tay. Di luống cuống không hiểu chuyện gì đang xảy ra... (Cười lớn)  

Chúc mừng anh! Và lời cảm ơn anh đã gửi tới ai?

Lời đầu tiên của tôi rất đơn giản là cảm ơn, cảm ơn rất nhiều! Cảm ơn toàn bộ ê-kíp đoàn làm phim Việt Nam, cảm ơn Ban Giám khảo, đặc biệt là bà Chủ tịch BGK. Hơn tất thảy tôi chia sẻ niềm vinh dự này tới tất cả những người có mặt tại LHP.

Anh quay bộ phim “Bi, đừng sợ!” trong thời gian bao lâu? 

"Bi, đừng sợ!" (ĐD Phan Đăng Di, QP Phạm Quang Minh) dành 2 giải thưởng của Tuần lễ phê bình tại LHP Quốc tế Cannes (Pháp); Đoạt giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancoiver (Canada); Giải Phim hay nhất tại LHP Châu Á - Hồng Koong; Đoạt 2 giải phim quan trọng cho Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển)

Hơn 2 tháng chuẩn bị cộng với hơn 1 tháng chính thức bấm máy. Khâu chọn cảnh là lâu nhất, may mắn đã đến với chúng tôi khi tìm được một ngôi nhà cổ để không đẹp vô cùng tại khu vực Chèm. Thích quá, chúng tôi bàn bạc, xin phép và tiến hành làm luôn.

Tổ họa sỹ thực hiện khoảng 25 ngày, khi quay xong chúng tôi không dám “phá” vì sợ trong quá trình đi quay tiếp những bối cảnh khác mà cảm thấy chưa đủ phải “lộn” lại bối cảnh chính là ngôi nhà.

Cơ duyên nào đưa anh trở thành tay máy chính trong “Bi, đừng sợ!”?

Đạo diễn Phan Đăng Di vốn là bạn học của tôi từ thời còn theo học tại ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Sau này tôi và Di vẫn thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện rông dài với nhau về nghệ thuật. “Bi, đừng sợ!” được Di ấp ủ từ lâu, đến khi Di nói chuyện và mời tôi tham gia kịch bản phim chỉ có một chút xíu thôi. Kịch bản hoàn thành, chúng tôi bàn bạc với nhau sẽ chọn bối cảnh nào, ở đâu, sẽ mời ai thử vai. Ngày đó em bé vào vai Bi mới 4 tuổi, đến khi phim chính thức bấm máy, em đã tròn 6 tuổi và vào học lớp 1. “Bi, đừng sợ” đã có một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị. Kịch bản của phim quá tốt, tôi rất thích và bị lôi cuốn. 

Anh có tiêu chí nào trước khi nhận lời quay một bộ phim?

Quay phim trở thành một nghề nghiệp đối với tôi. Công việc phải liên tục quay phim truyền hình dài tập vì định mức ở Hãng một năm phải sản xuất ra mất trăm tập phim, thế là đạo diễn họ mời. Tất nhiên chúng tôi cũng có quyền từ chối. Tiêu chí là gì, đó là mình có hợp với đạo diễn, ê-kíp hay không. Làm cái nghề này rất khó nhưng cũng rất dễ, làm việc với đạo diễn mình yêu quý, chia sẻ hoặc hợp sở thích cộng thêm thích kịch bản là lên đường thôi. Không có tiêu chí gì quá ghê gớm ở đây cả. 

Nhận lời rồi anh dành bao thời gian để nghiền ngẫm kịch bản?

2 tuần. Tôi có thói quen đọc kịch bản chỉ đọc trang 1, và đọc tầm 7 dòng lập tức phải gấp lại ngay. Không đọc tiếp nữa bởi lúc đó mình phải bắt đầu tưởng tượng. Đọc đến đâu tôi sẽ đánh dấu và viết hình dung, sự tưởng tượng của mình theo ngôn ngữ của một người quay phim.

12 năm gắn bó với VFC, anh có nhớ đã bấm máy bao nhiêu tập phim?

Không thể nhớ chính xác nhưng tên những bộ phim dài tập thì tôi có thể điểm qua như Những ngọn nến trong đêm, Những giấc mơ dài, Dòng sông phẳng lặng, Ma làng, Cuộc đời và những chuyến đi, Gió làng Kình… Phim ngắn tập có Sang sông (Trọng Trinh), Không còn gì để nói (Khải Hưng), Nhà ba chị em gái (Đỗ Thanh Hải)… Bây giờ ngày nào tôi cũng đi quay bộ phim dài 36 tập Chủ tịch tỉnh.

Nghe đâu anh cũng đã có nhiều năm lăn lộn với nghề?

Quay phim nhựa vô cùng khó khăn vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề kỹ thuật. Tôi được đào tạo quay phim điện ảnh chứ không phải quay phim truyền hình, sau khi tốt nghiệp tôi lại quay phim truyền hình. Để trở thành quay phim chính tôi đã có một hành trình rất dài đi làm phó quay, phụ quay cho các đoàn làm phim mất hàng chục năm trời. Năm 1994 vào trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, năm 1995 đã phải đi theo các đoàn làm phim để kiếm sống.

Dưới góc nhìn của anh, yếu tố “lạ” trong nghề quay phim là gì?

Nghề quay phim rất lạ - đó là khi chuẩn bị làm, sắp đặt một hình mà thấy nó “trôi”, mọi thứ bắt đầu dịch chuyển, ăn khớp lại với nhau thì lúc đấy thấy sướng lắm!

Đó là lực hút cuốn anh với nghề?

Không dứt ra được nữa rồi. (Cười) Nhiều lúc đi đường không có máy ảnh trong tay, máy quay không phải lúc nào cũng có sẵn, hôm nào trời tự nhiên sương xuống, mình đang di chuyển đến khu vực có mấy cây khô, nhìn thấy thế mà không kịp bấm lưu lại những khoảnh khắc ấy thì sẽ bị rơi vào cảm giác bứt rứt khó chịu. Đó là những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống nuôi dưỡng cá nhân tôi.

Anh kể về bộ phim đầu tay anh bấm máy?

Vào năm 1997-1998 thế kỷ trước, tôi đến với bộ phim đầu tay rất tình cờ, ngày đó đang đi làm với đạo diễn Khải Hưng, làm phó quay cho phim “Chân dung biển”. Cùng thời điểm cũng có 1 đoàn làm phim từ miền Bắc vào Nha Trang làm phim, quay phim cho đoàn là anh Đỗ Đức Thành lại bận nên chưa có quay phim. Đạo diễn Khải Hưng hỏi tôi có muốn về Hãng làm việc không (?) Lúc đó với một thằng sinh viên như tôi được về VFC làm việc thì ai chẳng mơ, tôi bảo cháu thích lắm, chú Khải Hưng bảo mày quay phim này đi, được cái nhận luôn. Sinh viên thời đó như chúng tôi mơ ước thế còn gì bằng, chơi luôn... Sau khi tốt nghiệp tôi về Hãng, quay bộ phim đầu tiên có tên “Con nhện xanh”.

Ở Hãng cũng lâu rồi, có lúc nào anh cảm thấy chán nghề?

Tôi chưa bao giờ chán làm phim nếu mình cứ nuôi được tinh thần của mình. Nhiều lúc tôi hay nói với đám trẻ đi phụ với tôi rằng, anh thấy chúng mày trẻ hoặc hiện đại quá hay sao, cuộc sống bao giờ cũng phải thân thiện với môi trường thì chúng nó chẳng hiểu gì lại hỏi tôi, quay phim có liên quan gì đến môi trường? - Môi trường ở đây là gì? Là cây cỏ, là mây… bây giờ bọn em nhìn cuộc sống theo kiểu đi cái xe máy, lên xe và phóng vù đi, mọi thứ vụt trôi qua rất nhanh. Tôi khuyên các em nên nhìn kỹ hơn ở chỗ, nghề quay phim được chia ra rất nhiều cỡ khuôn hình, toàn cảnh, trung cảnh, bán thân, cận cảnh, đặc tả… Bọn em không nên chỉ nhìn toàn cảnh.

Vậy anh chia sẻ với lớp quay phim trẻ chút kinh nghiệm bản thân?

Tôi chia sẻ với tất cả sinh viên quay phim nên đến với nghề bằng sự trân trọng và thật sự yêu thích. Có nhiều cách để yêu như việc phải trân trọng nó ngay từ khi mới vào trường, làm bài tập từng môn như chiếu sáng, ống kính, sử dụng động tác máy… tất cả những bài tập đó dồn góp lại cho đến khi tốt nghiệp trở thành người có đủ kỹ thuật để bước chân vào đời. Khi “no đủ” kỹ thuật ở trường, cộng thêm sự rèn luyện và ham học hỏi bên ngoài đến độ nắm chắc kỹ thuật trong tay sẽ tự tin cầm máy để quay phim của các đạo diễn Việt Nam.  

Trước khi bấm một cảnh, trí tưởng tượng của anh có lớn không?

Tôi là người mà một ngày có 24h thì phải cần đến 25h để tưởng tượng. Tôi hay nghĩ chuyện lung tung, đôi khi là 1 câu thoại tôi lại nghĩ thành 4 câu thoại khác nhau cùng ý để gán cho mỗi người một câu. Tôi cảm thấy mình luôn đủ năng lượng để làm công việc tưởng tượng đấy.

Điều gì tạo nên sự thành công của một nhà quay phim, thưa anh?

Điện ảnh thực chất là thêm - bớt một tí, nó cũng như nấu ăn thôi, sao có người cứ nấu mặn mãi, nhạt mãi, gia giảm cho vừa tay thì ai ăn cũng thấy vừa miệng. Kịch bản, đạo diễn, diễn viên… một ê-kíp mà tất cả đều tốt thì người quay phim sẽ làm được. Sự cộng hưởng sẽ dẫn đến thành công chứ không có cái gì của riêng quay phim, công lao là của tất cả mọi người. Chính vì vậy mới có giải cho đạo diễn, diễn viên, nhạc sỹ, kịch bản, họa sỹ, quay phim…

Trân trọng cảm ơn anh!

Quân.Trần