“Thương hiệu” của một nghệ sĩ

Khán giả vẫn nhớ tới nghệ sĩ Văn Báu với một gương mặt hiền lành, chân chất, dễ gây thiện cảm với người đối diện. Một gương mặt mà theo ông nói vui là “chỉ hợp với những vai bộ đội, trí thức, dân nghèo thành thị”. Quả thực, từ khi bước chân vào nghề diễn tới nay, Văn Báu dường như đóng khung vào những vai chính diện. Và có lẽ, vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ chính là hình ảnh người chiến sĩ công an trong serie phim truyền hình “Cảnh sát hình sự”.

“Thương hiệu” của một nghệ sĩ

Khán giả vẫn nhớ tới nghệ sĩ Văn Báu với một gương mặt hiền lành, chân chất, dễ gây thiện cảm với người đối diện. Một gương mặt mà theo ông nói vui là “chỉ hợp với những vai bộ đội, trí thức, dân nghèo thành thị”. Quả thực, từ khi bước chân vào nghề diễn tới nay, Văn Báu dường như đóng khung vào những vai chính diện. Và có lẽ, vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ chính là hình ảnh người chiến sĩ công an trong serie phim truyền hình “Cảnh sát hình sự”.

Đối với nghệ sĩ Văn Báu, những vai diễn mang “quân hàm, sắc phục” là điểm nhấn, là nấc thang trong sự nghiệp của ông. Chính nhờ những vai diễn này ông đã góp phần khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ công an hết lòng tận tụy, nhiệt huyết và sống đầy nghĩa tình cũng như trách nhiệm.

Cái duyên với nghệ thuật…

Ngoài đời, nghệ sĩ Văn Báu không khác nhiều so với trên phim ảnh. Với giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, gương mặt hiền lành, phúc hậu, ông luôn chiếm trọn được cảm tình của người đối diện. Có thể nói nghệ sĩ Văn Báu được thừa hưởng nhiều năng khiếu, khả năng diễn xuất từ gia đình giàu truyền thống nghệ thuật của mình. Ông của nghệ sĩ Văn Báu là NSND Nguyễn Văn Thịnh, một trong những người sáng lập đoàn chèo TƯ và cha là NSƯT cải lương Nguyễn Văn Bái.

Chính từ trong cái nôi nghệ thuật ấy đã nuôi dưỡng ông, giúp ông bộc lộ những năng khiếu, tố chất nghệ thuật từ rất sớm. 17 tuổi ông đã gia nhập đoàn ca múa nhạc Tổng cục Hậu cần. Sau đó, người nghệ sĩ ấy cùng với anh em của mình trong đội văn công Trường Sơn ngày đêm đem tiếng hát của mình phục vụ đồng đội nơi chiến tranh ác liệt. Dưới bom rơi lửa đạn, tiếng hát của họ vẫn vút cao, khơi dậy tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ bộ đội . Văn Báu gắn với nghiệp hát đến năm 1977, ông phải ra quân vì sức khỏe giảm sút do sức ép bom đạn. Một thời gian dài sau đó ông vẫn tiếp tục công tác Đài Phát thanh truyền hình Hải Phòng với tư cách là một phát thanh viên.

Nghệ thuật như người bạn đồng hành với ông từ thời tuổi trẻ nhưng mối duyên của ông với điện ảnh khá muộn màng. Năm 1995, ở tuổi 43, ông mới bắt đầu tham gia bộ phim đầu tiên với vai người quản giáo trong phim ngắn Câu chuyện về người tù (Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc). Chỉ hơn chục năm gắn bó, ông đã chiếm được cảm tình của nhiều khán giả màn ảnh nhỏ.

Và với cảnh sát hình sự

Như một định mệnh, kể từ sau vai diễn đầu tiên hóa thân thành người quản giáo nghiêm khắc song giàu lòng thương người, Văn Báu gắn liền với những vai chiến sĩ công an. Rồi vai diễn người chiến sĩ công an đã trở thành một “thương hiệu” riêng của người diễn viên ấy. Với khuôn mặt cũng như phong thái luôn toát nên sự chân thành song rất đỗi cương nghị của ông đã khiến ông lọt vào mắt xanh của các đạo diễn.

Bắt đầu là vai trung tá Khắc Trường trong Lời sám hối muộn màng (serie Cảnh sát hình sự), tiếp đó là Bí mật của những cuộc đời, rồi đến ông giám đốc công an tỉnh Chu Văn Hòa trong Chạy án. Văn Báu đã thổi một luồng sinh khí mới vào nhân vật người chiến sĩ công an vốn quả cảm, mưu trí và quyết liệt này trở nên điềm đạm hơn, đời thường hơn nhưng vẫn đầy cương nghị. Văn Báu như thể nhập thân vào nhân vật. Dường như mỗi khi nhắc vai diễn người lãnh đạo công an nhân dân người ta sẽ nhắc ngay đến Văn Báu.

Tuy nhiên để có được thành công với vai diễn này với ông là một điều không dễ dàng. Với một diễn viên đã luống tuổi, kinh nghiệm về nghiệp vụ công an lại không có ông đã phải bỏ rất nhiều tâm huyết để trau dồi, học hỏi về những việc tưởng chừng như đơn giản nhất như cầm súng, khóa còng,… Và ông đã được đền đáp bằng sự thành công của vai diễn trong serie phim Cảnh sát hình sự.

Trước đây, ông chỉ nghĩ một cách đơn giản: làm công an là đi “bắt quân ta”. Sau này, khi hóa thân vào nhân vật, ông mới hiểu hơn về những góc khuất bên trong họ. Đó là lòng yêu nghề, tinh thần sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ cho dù phải hi sinh tính mạng của chính mình hay quên đi hạnh phúc bản thân. Ông đã khiến người dân hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của lực lượng công an nhân dân.

Mặc dù đã có lúc ông muốn dừng đóng vai “quân hàm, sắc phục”. Nhưng khi đạo diễn Vũ Hồng Sơn thuyết phục ông tham gia Bí mật những cuộc đời, Văn Báu lại bị cuốn theo sức hấp dẫn của kịch bản. Ông đã nghiền ngẫm kịch bản phim  suốt 3 ngày đêm rồi cuối cùng đồng ý tiếp tục làm “trung tá công an’’. Sau đó là một loạt vai trong các phim tâm lý hình sự nữa như: Làng cát, Trò chơi sinh tử...

Tháng 7-2007, một vinh dự đến với nghệ sĩ khi được nhận Kỷ niệm chương của Bộ Công an. Ông tâm sự với cảm giác hết sức hãnh diện và tự hào. Chiếc Kỷ niệm chương tuy nhỏ bé nhưng đã phần nào công nhận những đóng góp trong lao động nghệ thuật của ông. Ông rất vui vì tuy không phải là công an mà được anh em trong ngành quý mến, coi như đồng đội.

Tuổi tác như một kẻ ngáng đường đối với sự nghiệp nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ. Thế nhưng, đối với Văn Báu thì không. Trong ông những khát vọng nghệ thuật vẫn đang ngày đêm tuôn trào. Sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Báu dường như có chung điểm tương đồng với người chiến sĩ công an nhân dân. Đều hết lòng tận tụy và không ngừng hăng say, công hiến cho nhiệm vụ của mà người dân đã tin yêu giao phó.

Đỗ Nguyễn