Chỉ khổ khán giả

(ANTĐ) - Sau giải Ngoại hạng Anh, việc VTV đang có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi tại SEA Games 24 khiến khán giả thêm lo lắng về việc có thể sẽ lại tiếp tục không được theo dõi những sự kiện thể thao lớn.

Chỉ khổ khán giả

(ANTĐ) - Sau giải Ngoại hạng Anh, việc VTV đang có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi tại SEA Games 24 khiến khán giả thêm lo lắng về việc có thể sẽ lại tiếp tục không được theo dõi những sự kiện thể thao lớn.

Điểm lại “cuộc chiến” VTV-VTC

Trước khi VTC nhận được quyết định của Chính phủ cho phép phủ sóng toàn quốc, VTV vẫn “một mình một chợ” trong các sự kiện thể thao lớn trên thế giới cũng như ở châu lục hay khu vực, và vấn đề của VTV lúc đó chỉ là mua được bản quyền với giá bao nhiêu hoặc như thế nào, mà không bao giờ phải lo tới việc không có được bản quyền truyền hình. Bất chấp sự lớn mạnh trông thấy của VTC, cách thức tiếp cận với các công ty môi giới  bản quyền truyền hình của VTV vẫn không có gì thay đổi.

Có lẽ VTV cho rằng, ưu thế tuyệt đối của họ về diện phủ sóng cộng với bề dày và uy tín của một Đài Truyền hình quốc gia sẽ giúp họ giành chiến thắng trong các cuộc đua bản quyền truyền hình. Thế nhưng, tất cả đã thay đổi từ World Cup 2006, khi VTC phải nhún nhường “cầu cạnh” VTV và HTV TP.HCM để đổi lấy sóng sạch của sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh.

Khi đó, đã có thông tin ngoài lề nói rằng VTV đã bắt tay với FPT Media và HTV để “dằn mặt” VTC, và dù đã rất nhiều lần lãnh đạo VTV phủ nhận điều này, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy lời phỏng đoán nói trên không hẳn là vô căn cứ.

Nhà đài "găng nhau", khán giả thiệt
Nhà đài "găng nhau", khán giả thiệt

Tuy nhiên, từ đó trở đi, VTC đã thay đổi hẳn cách thức hành động trong các “phi vụ” mua bản quyền truyền hình, và họ liên tiếp qua mặt VTV ở các sự kiện thể thao rất được người hâm mộ Việt Nam chú ý như AFF Cup, ASIAN Cup, Premier League, SEA Games 24 và có thể là cả Olympic Bắc Kinh 2008.

Một điều đáng chú ý là trong các cuộc đua này, VTC giành chiến thắng không phải vì lúc nào họ cũng trả giá cao hơn VTV, mà bởi cách thức làm việc của VTC “hợp ý” các đối tác hơn, và bản thân năng lực sản xuất các chương trình thể thao cũng như sức hút của VTC đã được các công ty môi giới bản quyền truyền hình kiểm chứng bằng thực tế.

Thế mới có chuyện dù VTV là đối tác quen thuộc của Premier League trong suốt hơn 10 năm qua, nhưng cuối cùng VTC lại mua được quyền phát sóng Premier League với giá rẻ hơn khá nhiều so với con số mà VTV được chào.

Nhà đài “găng nhau”, khán giả chịu thiệt

Công bằng mà nói, sự xuất hiện của VTC đã giúp khán giả có thêm sự lựa chọn, đồng thời cũng khiến VTV phải nâng cao chất lượng phục vụ hơn nữa để tăng tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay diện phủ sóng của VTC còn quá thấp so với VTV (theo thống kê của trang truyenhinhso.vtc.vn, hiện nay VTC mới phủ sóng tới 38 tỉnh thành trên toàn quốc), và ngoài kênh tổng hợp VTC1 được phát sóng analog miễn phí, người xem muốn theo dõi các kênh khác của VTC như VTC2, 3, 4, 5, 6 bắt buộc phải có đầu thu kỹ thuật số của VTC, và cũng chỉ loại đầu thu model mới nhất mới có thể thu được trọn vẹn các kênh truyền hình của VTC.

Trong khi đó, phần đông khán giả Việt Nam vẫn còn nghèo, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu vùng xa, và không phải ai cũng có điều kiện bỏ ra xấp xỉ 2 triệu đồng để mua về một chiếc đầu thu kỹ thuật số VTC.

Bởi vậy, kể từ khi VTC liên tiếp giành được bản quyền phát sóng của một loạt sự kiện thể thao hấp dẫn tới nay, rất nhiều khán giả Việt Nam đã không được theo dõi trực tiếp những sự kiện này, thậm chí ngay cả khi nó diễn ra chính tại Việt Nam, chẳng hạn như trận bán kết lượt đi AFF Cup hay ASIAN Cup.

Tất nhiên, nếu VTV muốn, vẫn có thể xin phép VTC cho tiếp sóng các chương trình nói trên, nhưng vì lý do tế nhị, VTV chỉ chấp nhận làm điều này khi ở tình thế chẳng đặng đừng, và họ cũng chỉ cho tiếp sóng trên kênh VTV2 chứ không phải kênh VTV3 quen thuộc và phổ biến hơn rất nhiều. Sự găng nhau của 2 nhà đài đã vô tình đẩy phần thiệt thòi lại cho khán giả, và mối lo lắng của người hâm mộ Việt Nam càng tăng cao khi VTV liên tục bị VTC qua mặt ở các sự kiện thể thao quan trọng.

Ở cuộc đua mua bản quyền truyền hình SEA Games 24,  có thể nói VTC đã nắm tới 99% chiến thắng với xác nhận chính thức của BTC SEA Games. Sự việc này cho thấy VTV đã “chậm chân” hơn VTC trong việc nỗ lực giành lấy bản quyền các sự kiện thể thao lớn.

Hiện VTV và VTC tiếp tục đua tranh ở 2 sự kiện thể thao rất quan trọng trong năm 2008 là EURO 2008 và Olympic Bắc Kinh 2008. Nếu VTV mua được bản quyền của 2 sự kiện này thì không sao, nhưng nếu VTC tiếp tục giành phần thắng thì số đông người hâm mộ thể thao Việt Nam, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa và chiến sỹ ở biên giới, hải đảo, sẽ lại phải đối mặt với nguy cơ không được theo dõi những giải đấu này.

Điểm khác biệt lớn giữa hệ thống truyền hình ở Việt Nam với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới là tính phục vụ luôn được đặt trên hết chứ không phải mục đích kinh doanh, nên rất mong 2 nhà đài cũng như các cấp có thẩm quyền tìm ra được những giải pháp hợp lý để người hâm mộ thể thao Việt Nam không bị thiệt thòi.

Giang Huy