Nhớ mãi Thủ trưởng – Đại tá Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Là người con Hà Nội, giác ngộ và tham gia Cách mạng từ sớm, đồng chí Nguyễn Đình Thành còn là tấm gương sáng, là người Thủ trưởng gần gũi, chân tình với nhiều thế hệ cán bộ chiên sỹ Công an Hà Nội, đặc biệt giai đoạn từ tháng 4/1988 đến tháng 12/1995, khi ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Đình Thành - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội

Đại tá Nguyễn Đình Thành - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội

Đồng chí Nguyễn Đình Thành sinh năm 1933, là một người con làng Kim Liên, khu “36 phố phường” xưa, nay thuộc phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Phải bôn ba, bươn chải, tự lập từ thuở niên thiếu, đồng chí có quá trình tham gia cách mạng khá sớm, 14 tuổi gia nhập thiếu sinh quân, 15 tuổi là trinh sát Bảo vệ Chính trị Ty Công an Yên Bái, tốt nghiệp khóa I trường Thứ Bộ Công an, rồi vinh dự nhận nhiệm vụ cùng đoàn 104 cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia tiếp quản thành phố Hà Nội[1]theo Hiệp định Genève năm 1954.

Đồng chí Nguyễn Đình Thành, cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố, đón tiếp đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, đến thăm và chúc tết Công an thành phố Hà Nội, năm 1989
Đồng chí Nguyễn Đình Thành, cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố, đón tiếp đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, đến thăm và chúc tết Công an thành phố Hà Nội, năm 1989

Thấm nhuần huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát yêu cầu công tác của Ngành, khi vào tiếp quản Thủ đô, Nguyễn Đình Thành cùng những người đồng chí của mình luôn tuân thủ nghiêm “8 chính sách”, “10 điều kỷ luật”, giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch của người cán bộ công an cách mạng - có lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, nhanh chóng tiếp thu, quản lý các trụ sở cơ quan đàn áp của đối phương (trong đó có Sở Liêm phóng Đông Dương, đặt ở đại lộ Gambetta, nay là số 87 đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), giữ gìn ổn định tình hình trật tự trị an vùng mới giải phóng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác an ninh do cơ quan, tổ chức giao, đồng chí luôn biết phát huy tố chất, phẩm chất nghiệp vụ, là một cán bộ năng nổ, tận tụy của Phòng Bảo vệ chính trị, Sở Công an Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Đình Thành, Giám đốc CATP Hà Nội, trao Huân chương Chiến công hạng Ba cho các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Hòe, cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, vì có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, năm 1990
Đồng chí Nguyễn Đình Thành, Giám đốc CATP Hà Nội, trao Huân chương Chiến công hạng Ba cho các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Hòe, cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, vì có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, năm 1990

Thời gian từ đầu năm 1968 tới tháng 02/1975, đồng chí Nguyễn Đình Thành tham gia Đoàn công tác N63 của Bộ Công an chi viện an ninh chiến trường B. Suốt thời gian 9 năm ở chiến trường, đồng chí đã có những đóng góp tích cực cho việc gây dựng, lớn mạnh của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam về quy mô, tổ chức thông qua việc thâm nhập, bám sát cơ sở, chủ động tập hợp tài liệu, xây dựng báo cáo nghiên cứu, tổng kết, đề xuất biện pháp phòng ngừa và đánh địch, trong đó có việc ra đời của “Nghị quyết Bảo vệ chính trị miền lần thứ nhất”.

Là Đoàn phó Bảo vệ căn cứ Trung ương cục miền Nam, đồng chí còn thường xuyên sâu sát, đồng hành, dìu dắt, động viên tư tưởng, truyền đạt kiến thức, san sẻ kinh nghiệm giúp các trinh sát trẻ, cán bộ cấp đội, phòng các đơn vị an ninh thâm nhập đô thành Sài Gòn - Gia Định, vùng căn cứ, vùng yếu và các “ấp đời mới” nhằm xây dựng cơ sở, vận động quần chúng diệt ác, phá kềm, phá âm mưu "bình định nông thôn", trọng tâm là phá chủ trương “4 mạnh dạn”[2] của Mỹ ngụy, đảm bảo tốt nhiệm vụ bảo vệ chính trị, bảo vệ an toàn khu căn cứ, phục vụ mục tiêu lớn thống nhất non sông.

Đồng chí Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công an Thành phố, trao khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện xóa tụ điểm phức tạp về hình sự
Đồng chí Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công an Thành phố, trao khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện xóa tụ điểm phức tạp về hình sự

Tôi luyện và dần trưởng thành trong chiến đấu, sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí Nguyễn Đình Thành được điều ra Bắc, tiếp tục kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo, chỉ huy quan trọng, gắn với địa bàn Thủ đô, gắn với Công an Hà Nội. Đồng chí là Phó trưởng phòng Bảo vệ Chính trị I Sở Công an Hà Nội, Trưởng Công an quận Ba Đình, tham gia Ban Giám đốc phụ trách khối an ninh Công an thành phố Hà Nội và sau đó được cử đi học lớp bồi dưỡng chuyên môn tại Liên Xô để chuẩn bị cho công tác cán bộ nguồn của tổ chức. Tới tháng 4/1988, đồng chí được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Đình Thành nhận nhiệm vụ người lãnh đạo đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô trong điều kiện đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới với muôn vàn khó khăn, thách thức, kẻ địch đang tìm mọi cách chống phá ta; sự phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, sự thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện công tác... Đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc, kế thừa truyền thống tốt đẹp, phát huy nội lực cách mạng, từng bước lãnh đạo, thực hiện đổi mới cả về tư duy nhận thức, phương pháp, kiến thức nghiệp vụ cũng như tổ chức, bộ máy, cán bộ... trong toàn lực lượng Công an thành phố Hà Nội, tiếp tục giữ ổn định an ninh, trật tự địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc Công an Thành phố cùng các đồng chí Công an lão thành, vinh dự đón nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng”, năm 2008

Đồng chí Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc Công an Thành phố cùng các đồng chí Công an lão thành, vinh dự đón nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng”, năm 2008

Trong lĩnh vực công tác an ninh chính trị, ngay sau khi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Đình Thành đã kịp thời ra chỉ thị về việc đấu tranh ngăn chặn người trốn đi nước ngoài, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện 5 nội dung công tác, chủ yếu là nắm tình hình, xác minh các trường hợp nghi vấn trốn và cung cấp tài liệu phục vụ hoạt động tuyên truyền của Thành ủy Hà Nội.

Được sự lãnh đạo của Bộ Nội vụ, cấp ủy, chính quyền thành phố; sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Giám đốc và Bộ Chỉ huy Phản gián (Ban Chỉ huy An ninh), trong suốt thời gian, từ năm 1988-1996, lực lượng An ninh Công an Hà Nội đã trực tiếp phối hợp đấu tranh, thu giữ hàng nghìn tài liệu phản động của các tổ chức phản động lưu vong; phát hiện nhiều đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để thu thập tin tức tình báo, móc nối cơ sở, truyền bá tư tưởng đa nguyên, đa đảng, chống lại công cuộc đổi mới, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động hoạt động chống đối, điển hình là các tổ chức phản động: "Đảng cứu quốc dân tộc, đội lưu huyết cảm tử" mang bí danh "Áo tam tài", "Đảng xã hội khoa học Việt Nam"…

Đồng chí Nguyễn Đình Thành đã yêu cầu lực lượng chức năng tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình, răn đe số phần tử xấu, số cầm đầu các hội đoàn cơ sở; gặp gỡ, tranh thủ, phân hóa đối tượng. Nhờ cách làm này, lực lượng an ninh Công an Hà Nội đã kiềm chế, vô hiệu hóa ý đồ chính trị hóa việc phong thánh “Tử vì đạo” của các thế lực thù địch; lập chuyên án đấu tranh với nhóm tổ chức phản cách mạng “Đảng cứu quốc dân tộc - đội lưu huyết cảm tử”, tổ chức phản động “Đảng xã hội khoa học Việt Nam”. các lực lượng chức năng cũng kịp thời điều tra, truy xét ra những đối tượng dán áp phích nặc danh kích động biểu tình, bãi công, tuyên truyền chống Nhà nước tại các điểm Trường Đại học Bách Khoa, Cửa hàng lương thực số 373 Bạch Mai và làm rõ nhóm thủ phạm viết thư nặc danh chống đối chủ trương giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công tuyến đường Cầu Giấy - Hùng Vương của thành phố Hà Nội; khởi tố vụ án, bắt xử lý nhóm đối tượng hoạt động chống Đảng, tán phát tài liệu bí mật nhà nước trong “chuyên án T295”; phối hợp với các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Nội vụ, lập chuyên án MD90, đấu tranh với đối tượng hoạt động gián điệp theo phương thức lâm thời, hoạt động trong các cơ sở đào tạo đại học thuộc địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn việc lợi dụng xuyên tạc tình hình đất nước, truyền bá đa nguyên - đa đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ kinh tế, đồng chí Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đình Thành đã chỉ đạo xây dựng nhiều kế hoạch, biện pháp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn, phát hiện nhiều vụ tham ô, trộm cắp tài sản Nhà nước, cố ý làm trái chế độ chính sách quản lý kinh tế. Đồng chí Giám đốc đã trực tiếp cùng Bộ Chỉ huy Cảnh sát, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ, đấu tranh, làm rõ vụ một số đối tượng lợi dụng pháp nhân của Tổng Công ty Thiết bị phụ tùng (thuộc Bộ Kinh tế Đối ngoại), để trốn thuế nhập khẩu đối với lô hàng gồm 250 chiếc xe ôtô Lada. Từ kết quả điều tra, khám phá, Công an Hà Nội đã trực tiếp kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng cùng một số bộ, ngành liên quan, tiến hành truy thu thuế được hơn 2,5 tỷ đồng từ phía doanh nghiệp; kiến nghị một số giải pháp khắc phục những sơ hở trong quy định pháp luật về xuất - nhập khẩu hàng hóa, góp phần hạn chế thiệt hại kinh tế, tài chính cho Nhà nước.

Chỉ trong 5 năm đầu thập niên 1990, Công an Hà Nội đã chủ động phát hiện, đấu tranh với các hoạt động phá hoại kinh tế; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị kinh tế xây dựng nội quy bảo vệ cơ quan xí nghiệp, khám phá hơn 5.000 vụ án với gần 9.000 đối tượng phạm tội, thu nộp ngân sách gần 300 tỷ đồng.

Với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, trong thời gian làm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đình Thành đã chủ động tham mưu với Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, ban hành Kế hoạch số 2693/KH mở đợt tấn công mạnh mẽ tội phạm hình sự, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương ở Thủ đô. Đến giữa năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 135/CT-HĐBT Về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Trong 5 năm (1991-1995) triển khai chỉ thị 135/CT-HĐBT, đồng chí Giám đốc đã chỉ đạo hiệu quả các lực lượng chức năng, khơi dậy và phát huy được năng lực công tác, năng lực chiến đấu của toàn lực lượng công an Hà Nội; tập trung điều tra khám phá, bắt quả tang hơn 16.000 vụ, xử lý gần 18.000 đối tượng hình sự.

Trong đó có những vụ án gây tiếng vang lớn về tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm của Công an Thủ đô, đó là: Điều tra, truy xét vụ giết người, phân xác ở Khu Tập thể nhà máy thuốc lá Thăng Long; vụ cướp có vũ khí tại tiệm vàng Kim Yến, 72 phố Bát Sứ; vụ cướp tài sản ở nhà B4 Trung Tự; giải quyết dứt điểm tình hình cướp giật bằng xe máy, gây mất trật tự, trị an dọc theo các tuyến quốc lộ 1, 5 từ Hà Nội đi các tỉnh Hà Bắc - Lạng Sơn, Hải Hưng - Hải Phòng.

Cùng thời gian này, để giải quyết những vụ việc phức tạp đột xuất phát sinh từ cơ sở, đồng chí Giám đốc đã phân công một đồng chí Phó Giám đốc phụ trách việc giao ban, nắm tình hình Công an các huyện ngoại thành; yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo Công tác ngoại thành, tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng. Đồng chí Giám đốc đã trực tiếp chỉ đạo Công an 2 huyện Đông Anh, Từ Liêm phối hợp với các phòng nghiệp vụ, giải quyết dứt điểm vụ việc xô sát, dẫn tới án mạng, do tranh chấp đất đai ở khu vực bãi bồi giữa sông Hồng, giữa công dân hai xã Liên Mạc và Võng La; chỉ đạo kiến nghị chính quyền các huyện liên quan về một số chính sách dân sinh và kinh tế, giúp ổn định tình hình, tránh các hệ lụy, diễn biến xấu, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống nhân dân và tình hình an ninh trật tự chung tại địa phương.

Trong triển khai thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đình Thành đã ra Mệnh lệnh số 01/ML, ngày 21/7/1995, yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông toàn Thành phố tiến hành tổng kiểm tra, kiểm soát, xử lí các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Chủ động đổi mới, sáng tạo trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng chí tham mưu với Ủy ban nhân dân Thành phố, ban hành một loạt các quyết định (Quyết định số 1589/QĐ về việc Thành lập lực lượng Bảo vệ dân phố, dân phòng; Quyết định số 1590/QĐ về Thành lập Quỹ bảo trợ an ninh trật tự ở các phường, thị trấn, xã, cơ quan, doanh nghiệp…)

Trên cơ sở đó, Giám đốc Công an Hà Nội cũng trực tiếp ban hành 4 văn bản, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban bảo vệ, Tiểu ban bảo vệ và Đội dân phòng ở phường, xã, khu phố và thôn xóm. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã thành lập được hơn 100 ban bảo vệ dân phố, gần 1.000 tiểu ban bảo vệ, với gần 3.000 người tham gia, trong đó có 40% là cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu, về sinh hoạt tại địa phương, 16% là quần chúng tích cực, tiêu biểu được nhân dân tín nhiệm chọn lựa…Cách làm này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giải quyết ngay được nhiều sự vụ xảy ra từ cơ sở.

Trong công tác xây dựng lực lượng, đồng chí Nguyễn Đình Thành đã chỉ đạo nghiêm chỉnh thực hiện mô hình tổ chức được quy định tại Nghị định 250/CP của Chính phủ và Quyết định số 327/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Theo đó, toàn Công an Thành phố có 4 bộ, ban chỉ huy với 62 đầu mối (phòng, ban, quận, huyện) và quản lý một số trường, trại do Bộ Nội vụ giao với tổng quân số gần 1 vạn cán bộ, chiến sĩ.

Do yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn, đồng chí Giám đốc đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ Nội vụ, triển khai thực hiện Quyết định số 327/QĐ-BNV của Bộ về kiện toàn tổ chức bộ máy của Công an Hà Nội theo hướng bảo lưu hầu hết đầu mối của đơn vị, trong đó có một số đầu mối đặc thù (chống ZĐ PA14, PA15, Đoàn nghệ thuật, Bệnh viện Công an thành phố, Báo An ninh Thủ đô); thành lập mới Công ty Đông Đô, xí nghiệp Tháng Tám, Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; điều chỉnh, cơ cấu tổ chức lại một số đơn vị nghiệp vụ cảnh sát và công an các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo triển khai 2 phòng An ninh điều tra, Cảnh sát điều tra theo Pháp lệnh Tổ chức Điều tra Hình sự năm 1989 và tổ chức cơ quan điều tra các cấp trực thuộc; chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy, động viên tư tưởng cán bộ chiến sĩ sau khi chuyển giao Công an 7 huyện, thị xã (Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức và Mê Linh) của thành phố Hà Nội về Công an các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phú (theo Nghị quyết Quốc hội khóa VIII).

Theo quy định của Bộ Nội vụ, Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ, theo hướng “tinh gọn, giảm đầu mối, bớt trung gian, tăng cường lực lượng cho an ninh, cảnh sát; bố trí lực lượng theo địa bàn, đối tượng”. Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành sắp xếp tinh giản hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ không đảm bảo điều kiện sức khoẻ công tác, mắc sai phạm, vi phạm kỷ luật, theo đúng nguyên tắc “làm từng bước, thận trọng, khẩn trương, vận dụng đúng chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm trước khi nghỉ chế độ”. Riêng trong năm 1989, đồng chí Giám đốc đã chỉ đạo điều động hàng trăm lượt cán bộ công an các huyện, thị xã về làm Phó trưởng công an xã thường trực, đảm bảo yêu cầu công tác theo quy định của Ngành, đồng thời giúp Công an Thành phố có thêm điều kiện triển khai nắm chắc tình hình an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

Sự kiện khủng hoảng, tan rã, sụp đổ của thể chế nhà nước ở khu vực Đông Âu, nhất là sự kiện Liên Xô giải tán vào năm 1991 không chỉ làm đảo lộn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta mà còn tác động tiêu cực tới tư tưởng của không ít cán bộ chiến sĩ đảng viên trong lực lượng Công an. Trước những thách thức mới, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội và Bộ Nội vụ, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố, đứng đầu là đồng chí Giám đốc Nguyễn Đình Thành, vẫn vững vàng, kiên định về lập trường, tư tưởng, đồng thời là cầu nối để truyền đạt, vận động giáo dục chính trị tư tưởng tới đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên. Qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ đã góp phần củng cố niềm tin, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chống quan điểm phủ định quá khứ và truyền thống cách mạng của dân tộc, chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Trong nhiệm kỳ công tác, vào các năm 1990, 1995, đồng chí Giám đốc đã kí quyết định ban hành 2 văn bản quan trọng về tổ chức (số 221 và số 999), quy định trách nhiệm thực hiện công tác tổ chức, cán bộ ở các đơn vị và công an các cấp, thuộc Công an thành phố Hà Nội, quy định rõ trách nhiệm của Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị và phòng Tổ chức liên quan tới việc quản lý cán bộ và chế độ hồ sơ, tạo thành nền nếp quan trọng; ra Quyết định số 05 lập “Tổ Thanh tra đặc biệt” gồm những cán bộ chuyên môn của các đơn vị: Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Tham mưu cảnh sát và Hình sự… thực hiện hiệu quả các quy định về tổ chức của Ngành và kịp thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường uy tín của lực lượng Công an Thủ đô trước nhân dân.

Suốt chặng đường công tác, cống hiến cho sự nghiệp Công an Nhân dân, Đồng chí đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

Ngày 01/10/1997, đồng chí Nguyễn Đình Thành được nghỉ hưu theo chế độ. Quá trình hoạt động cách mạng: đánh Pháp, chống Mỹ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả thời gian 8 năm làm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội của đồng chí là một quá trình công tác bền bỉ, là cả một đời phấn đấu, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc của người cán bộ lãnh đạo ngành Công an luôn tận tâm, tận lực vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đại tá Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam, đã từ trần hồi 12h59' ngày 6/11/2020. Lễ viếng Đồng chí được tổ chức từ 11h đến 13h ngày 9/11/2020 (thứ hai) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 13h. An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).

[1] Mỗi cán bộ công an tham gia tiếp quản trên địa bàn thành phố Hà Nội được cấp phát gồm: 02 bộ quần áo kaki màu xi măng, kiểu Tôn Trung Sơn, mũ cát-két màu ghi có đính sao bằng vải nỉ đỏ, thêu kim tuyến xung quanh chữ CA ở giữa; phù hiệu thống nhất đính trên ve áo; súng ngắn; "Giấy ủy nhiệm" ghi song ngữ Việt - Pháp, nội dung "yêu cầu các cấp chỉ huy và cơ quan chính quyền địa phương đôi bên hết sức giúp đỡ để sĩ quan có tên trong giấy ủy nhiệm làm tròn nhiệm vụ".

[2]Gồm: mạnh dạn khai thác hết số người bị bắt, đầu hàng, đầu thú; mạnh dạn khống chế; mạnh dạn giao việc; mạnh dạn tung gián điệp vào hàng ngũ cách mạng.