Chuyện “săn” cảnh quay “Ông Tơ hai phẩy”

ANTĐ - “Ông Tơ hai phẩy” - một bộ phim với phong cách hiện đại, vừa có tính xã hội khi đi sâu khai thác vấn đề ly hôn, mâu thuẫn gia đình, tâm lý phụ nữ, vừa có tính giải trí cao với nhiều tình huống hài hước đang được chiếu vào 20h các ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư hàng tuần trên Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. 

Cảnh trong phim “Ông Tơ hai phẩy”

Dao sắc không gọt được chuôi

Xoay quanh những biến cố gây rạn nứt dẫn đến ly hôn của các cặp vợ chồng thời hiện đại, nhân vật chính của phim là “ông Tơ” Thành Vinh  (NSƯT Trung Hiếu đóng) - một người đầy hoài bão trong công việc, muốn được cống hiến nhưng lại rơi vào một cơ quan Nhà nước với lề thói làm ăn trì trệ, quan liêu. Thêm vào đó, vợ chồng người bạn thân của anh là Huy (Viết Thái) và Hoài (Hồng Lê) quay lại với nhau nhờ sự hàn gắn của mình nên Vinh nảy ra ý định mở công ty để chắp nối, hàn gắn cho những cặp đôi đứng bên bờ vực của sự chia ly bất chấp sự ngăn cản của Nga, vợ anh (Vi Cầm). 

Trớ trêu thay, khi Vinh thành công trong việc hàn gắn cho nhiều cặp đôi khác thì cũng là lúc tình cảm của anh và vợ ngày càng rạn nứt. Anh nhận ra mình có thể là anh hùng của các cuộc hôn nhân khác nhưng lại là kẻ phá hoại chính cuộc hôn nhân của mình. Thành Vinh ngấp nghé đứng bên bờ vực mất người vợ yêu quý bởi những hiểu lầm không đáng có. Cuối cùng, chính những người anh đã mang đến hạnh phúc cho họ lại đứng ra hàn gắn cho cuộc hôn nhân của anh với Nga. Phim “Ông Tơ hai phẩy” quy tụ dàn diễn viên gạo cội như NSND Như Quỳnh, NSƯT Lan Hương, Minh Châu, Đức Khuê, Việt Anh, Nguyệt Hằng, Trọng Trinh… Theo đạo diễn Danh Dũng, vấn đề chính của phim được thể hiện mềm mại, xúc động nhưng cũng rất hài hước bởi những chi tiết rất đời thường được trau chuốt, khiến người xem cảm thấy những tình tiết đó gần gũi với đời sống. 

Diễn viên trốn học

Cũng vì thời điểm quay phim “Ông Tơ hai phẩy” trùng với lịch quay phim khác của Vi Cầm và NSƯT Trung Hiếu nên việc sắp xếp cảnh quay của hai người rất khó, đến mức trợ lý đạo diễn than: “Chưa thấy một phim nào xếp lịch cho diễn viên khó khăn như phim này!”. Diễn viên Trung Hiếu hóm hỉnh chia sẻ thêm, thời điểm này anh vừa đi học thêm, vừa quay 2 phim cùng một lúc lại phải đảm nhận các vai diễn ở Nhà hát nên có lúc anh phải “diễn” với cả thầy giáo, rồi trốn học để có mặt đúng thời điểm mà đạo diễn cần. Thế nên chuyện “săn” được cảnh nhưng không có diễn viên và có diễn viên nhưng không chộp được ngoại cảnh là chuyện “thường ngày ở huyện” khi làm phim “Ông Tơ hai phẩy”.

Chờ từng giọt sương

Đạo diễn Danh Dũng cho biết, thời điểm quay phim là mùa hè nên Hà Nội mưa nắng thất thường khiến đoàn làm phim khá vất vả. Nhiều cảnh phải quay đi quay lại tới 6 – 7 lần mới ghi hình được. Ví như, có cảnh chờ một chuyến tàu đêm chạy qua cầu Long Biên. 11 giờ đêm, cả đoàn phim kéo nhau ra cầu Long Biên chờ cảnh tàu chạy qua để diễn viên có cảm xúc nhưng chờ mãi không “bắt” được chuyến tàu nào, đoàn làm phim đành quay về, chờ hôm khác ra “săn” tiếp. Hay để có được cảnh quay thật mát mắt vào mùa hè, các diễn viên phải dậy từ 4 giờ sáng để chộp được khoảnh khắc những giọt sương sớm còn đọng trên lá…