Giờ vàng cho phim Việt: Cú hích mới, khó khăn... vẫn cũ

(ANTĐ) - Bắt đầu từ ngày 1-1-2008, trên cả hai kênh VTV1 và VTV3 của Đài THVN đều sẽ có “giờ vàng dành cho phim Việt Nam”. Thậm chí cả kênh VTV9 cũng đã tính chuyện liên kết với một công ty quảng cáo để sản xuất phim truyền hình nhiều tập và dành quãng 19h - 20h để phát sóng...

Giờ vàng cho phim Việt: Cú hích mới, khó khăn... vẫn cũ

(ANTĐ) - Bắt đầu từ ngày 1-1-2008, trên cả hai kênh VTV1 và VTV3 của Đài THVN đều sẽ có “giờ vàng dành cho phim Việt Nam”. Thậm chí cả kênh VTV9 cũng đã tính chuyện liên kết với một công ty quảng cáo để sản xuất phim truyền hình nhiều tập và dành quãng 19h - 20h để phát sóng...

Quyết không để “đầu voi đuôi chuột”

Đối với những người trực tiếp lo công việc “lên khung” chương trình này, giữ được số lượng phim và chất lượng phim ổn định là vô cùng khó. Thậm chí một số người còn xác định rằng chưa thể nghĩ đến chuyện nâng cao chất lượng phim lên dần dần, mà chỉ mong giữ được chất lượng “trung bình khá”.

Yêu cầu của ban lãnh đạo “nhà đài” đưa ra được cho là “khó nhằn”: Phim phát sóng vào 21h hàng ngày trên VTV1 cần có tính chính luận cao, có bản sắc riêng. Ban đầu, nhiều đơn vị khá ái ngại khi nhận “đơn đặt hàng” làm phim.

Nhưng rồi những “sản phẩm” đầu tiên được phát sóng đã tạo đà đầy hứng khởi cho đội ngũ tham gia sản xuất phim và vận hành chương trình. Những bộ phim “Ma làng”, “Luật đời” đã và đang chiếm cảm tình của khán giả truyền hình trong nước và nhận được những phản hồi tích cực.

Dư luận cũng bắt đầu nhận ra những nét khác biệt của một dòng phim đang được định hình. Và “nhà đài” càng mạnh dạn hơn khi “dặn lòng và dặn người”: Quyết không để “đầu voi đuôi chuột”.

Một cảnh trong phim “Chàng trai đa cảm”
Một cảnh trong phim “Chàng trai đa cảm”

“Lương thực” khá dồi dào

Trên thực tế, đơn vị “gánh” trách nhiệm về giờ vàng cho phim Việt trên hai kênh VTV nhiều nhất là Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC). Việc xây dựng và giữ vững được một dòng phim mang nét khác biệt, ổn định, phát sóng vào giờ cố định thật khó nhưng không phải không làm được.

Đạo diễn Khải Hưng - Giám đốc VFC đã tự tin như thế. Ông không nao núng bởi đội ngũ những người làm nghề đầy nhiệt huyết và tài năng đã có đủ, một số lượng kịch bản đã được lên kế hoạch dựng thành phim đủ để làm đến giữa năm sau.

Một số phim dài tập đang được quay, hòa âm hoặc chuẩn bị đóng máy. Đó là: “Gió làng Kình” (24 tập), “Chạy án” phần 2 (27 tập), “Mùa hoa phượng đỏ” (23 tập), “Vòng nguyệt quế” (20 tập), “Kẻ sát nhân có tài mở khóa”...

Không chỉ có giờ vàng 21h trên VTV1, 22h trên VTV3 cũng sẽ có một dòng phim khác được lên sóng. Đó là những bộ phim truyền hình mang tính giải trí và xã hội hóa. Một số phim đang được dựng và quay nhưng đã đủ sức gây chú ý với dư luận như: “Những người độc thân vui vẻ”, “Cô gái xấu xí”, “Chàng trai đa cảm”, “Lập trình trái tim”...

Còn kênh VTV9 sẽ phát sóng “sản phẩm” đầu tiên vào đúng mùng 1 Tết nguyên đán 2008, đó là bộ phim được VTV9 “bắt tay” cùng Công ty quảng cáo Sóng Vàng sản xuất: “Hồi xuân”. Sắp tới sẽ có thêm nhiều hãng làm phim thành lập, như Trung tâm truyền hình cáp TP.HCM, Sao thế giới, Khang Việt, Golden... Tổng số đơn vị làm phim truyền hình trong nước sẽ được nâng lên con số 14.

Một cảnh trong phim “Ghen” Một cảnh trong phim “Kiều nữ và đại gia” Một cảnh trong phim “Ghen” Một cảnh trong phim “Kiều nữ và đại gia”
Một cảnh trong phim “Ghen” Một cảnh trong phim “Kiều nữ và đại gia”

Cú hích mới cho phim truyền hình “made in Việt Nam”

Sẽ không còn tình trạng phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc “ngập tràn” các kênh truyền hình Việt Nam nữa. Lá cờ “xây dựng thương hiệu phim Việt” được phất lên, mạnh mẽ.

Các nhà làm phim, hãng làm phim hân hoan trước “vận hội mới”, “cơ hội mới”. Nhưng ai nấy đều biết rằng cơ hội nhiều bao nhiêu thì khó khăn lớn bấy nhiêu. Một đạo diễn lên tiếng cảnh báo: “Càng làm thì rồi càng lòi ra những cái khó và bất cập.

Rồi lúc đó lại nhìn nhau mà rằng “cái khó nó bó cái khôn” (chứ không phải “cái khó ló cái khôn” - PV). Rồi lại mang tiếng là tài năng có hạn, tay nghề thấp... Nhưng các nhà quản lý lại cho rằng: “Có như vậy thì người nọ mới ganh đua người kia, cố mà “vượt khó”. Những ê kíp làm phim sẽ nỗ lực hơn, sáng tạo hơn trong cuộc đua mới này”.

Những lo ngại cũ vẫn còn đó

Quả thực, tâm lý lo ngại là không thể tránh. Trước hết là nguồn kịch bản, lâu nay vẫn cứ tồn tại tình trạng “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay”. Nhưng không ít người lại cho rằng thời nay đã khác. Lý lẽ của họ là : “Nay đã khác. Tụi trẻ nhiều sáng tạo lắm, lại học hỏi “nền công nghiệp điện ảnh”, “kỹ thuật làm phim truyền hình” ở nhiều nước phát triển. Chắc chắn là khác”.

Một nhà biên kịch đứng tuổi nói: “Thử nhìn xem, nội dung của những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc có gì đặc biệt? Không có gì cả. Nhưng phim vẫn hay, vẫn hấp dẫn là bởi cách họ làm. Mà họ đã làm được rồi, chúng ta xem rồi, thậm chí là giao lưu học hỏi rồi thì tại sao vẫn không làm được? Lẽ nào như thế?”.

Khi phóng viên hỏi ông rằng “Liệu những đạo diễn có nghĩ như ông không?” thì nhà biên kịch khá nổi danh này lại “lửng lơ” bảo: “Chả biết họ nghĩ gì. Hỏi mấy đứa trẻ thì tụi nó chỉ cười, gọi mình là “cụ”. ấy đấy, thế nghĩa là “cụ” cứ chờ mà xem...”.

Thực tế, nhiều người trong nghề không hề lo ngại chuyện thiếu đạo diễn. Nhưng không ít người lo thiếu diễn viên. Cả người làm phim lẫn người xem phim đều “ngán” tình trạng bật kênh truyền hình nào cũng “gặp người quen”.

Đấy là chưa tính đến dàn diễn viên có khả năng lồng tiếng hiện rất mỏng, mà khâu lồng tiếng trong phim truyền hình “made in VN” hiện còn rất yếu. Đấy là chưa muốn nhắc tới kinh phí làm phim thường hạn hẹp, trong khi chi phí làm phim ngày càng tăng tỷ lệ thuận với giá cả thị trường...

Trong cú hích mới của phim truyền hình Việt vẫn còn những khó khăn cũ. Nhưng hãy cứ chờ xem khi những “cái mới” ùa về, chả lẽ những “cái cũ” cứ nhất định “cũ” mãi?

Phú Duy