Còn mãi một dòng chảy sân khấu...

(ANTĐ) - Không đao to búa lớn, không xô bồ áp đặt, những tinh hoa của nền nghệ thuật sân khấu Nga vĩ đại đã nhẹ nhàng thẩm thấu vào dòng chảy của sân khấu nước ta ngay từ những ngày đầu bằng trái tim nóng hổi và cả những tư duy nghệ thuật bậc thầy...

Còn mãi một dòng chảy sân khấu...

(ANTĐ) - Không đao to búa lớn, không xô bồ áp đặt, những tinh hoa của nền nghệ thuật sân khấu Nga vĩ đại đã nhẹ nhàng thẩm thấu vào dòng chảy của sân khấu nước ta ngay từ những ngày đầu bằng trái tim nóng hổi và cả những tư duy nghệ thuật bậc thầy...

“Người thầy đầu tiên...”

Trở lại nửa thế kỷ trước, khi nền sân khấu nước ta cũng như bao bộ môn nghệ thuật khác còn luẩn quẩn trong vòng quay mày mò tự dựng tự diễn và tự tìm lối đến với khán giả một cách rất nghiệp dư, bên cạnh những người được gửi đi học nghề sân khấu ở nước ngoài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì cũng có những bậc thầy đạo diễn Nga - Xô Viết đã từng lặn lội sang tận nước ta để “truyền nghề” trực tiếp.

Trong ký ức của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn còn ghi hình ảnh người thầy Nga Vaxiliep có mái tóc bạch kim, tai giắt chiếc lược con, tay cầm quạt giấy thoăn thoắt từ nhóm diễn viên này sang nhóm diễn viên khác của Đội kịch Trung ương, Đội kịch Nam bộ, Đội kịch Quân đội... để hướng dẫn  các lớp dàn dựng vở kịch “Liubôv Iarovaia” (Liuba).

Đó cũng là lần đầu tiên các nghệ sỹ kịch nước ta đuợc tiếp xúc trực tiếp với phương pháp sân khấu hiện đại và tiên tiến của nước Nga thông qua một đạo diễn nước ngoài “bằng xương bằng thịt” và một vở diễn cụ thể.

Điều đáng nói là bằng con mắt quan sát tinh tường và kinh nghiệm dàn dựng của mình, ông đã dạy bài học kịch nghệ đầu tiên cho hàng trăm nghệ sỹ nước ta: rằng việc phân vai xác đáng sẽ quyết định 80% thành công của vở kịch và nếu nó được thực hiện một cách chuyên nghiệp thì còn khiến diễn viên bộc lộ khả năng diễn xuất đến bất ngờ.

Thành công ngoạn mục của vở “Liuba” đã khẳng định bài học đúng đắn của ông. Đó cũng là bước khởi đầu cho sự hòa hợp giữa sân khấu Nga hiện đại táo bạo với sân khấu Việt đậm chất á Đông truyền thống.

NSND Trọng Khôi và NS Quế Hằng trong trích đoạn “Vụ án Erostrax”

NSND Trọng Khôi và NS Quế Hằng trong trích đoạn “Vụ án Erostrax”

Vị đạo diễn sân khấu thứ 2 Mônakhov cũng đã không quản ngại gian khó đường xa đặt chân đến nước ta để giảng dạy lưu động giữa hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Ông đã nhanh chóng “bắt mạch” và tìm ra “căn bệnh” hiện hữu lúc bấy giờ của nền sân khấu nước ta nằm ở lối diễn cường điệu, kiểu cách và giả tạo.

Vị khách phương xa đã khéo léo giúp các diễn viên nhanh chóng từ bỏ lối diễn ấy để có thể hòa đồng với cảm xúc thật của nhân vật bằng cách “giễu nhại” trên sàn tập. Từ đó, bài học nghệ thuật thứ hai đã đứng vững trên sân khấu và trong cả nhận thức sơ khai của đội ngũ diễn viên.

Nhờ vậy mà vai Xecgây của nghệ sỹ Quang Thái trong vở “Câu chuyện Iêckut” đã gây tiếng vang lớn... Thật đáng quý xiết bao những người đã tiếp sức cho sân khấu Việt Nam chập chững bước đi đầu tiên.

Và dòng chảy sân khấu Nga còn mãi...

26 năm sau lần đầu tiên vở kịch “Vụ án Erostrax” của Grigori Gorin (Nga) lần đầu tiên đến với khán giả Việt Nam, người ta lại thấy NSND Trọng Khôi hóa thân rất “ngọt” trong vai tên chủ buôn Eroxtras người Hy Lạp giàu có và tham vọng trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam.

Đứng trước sức nặng về tuổi tác, dường như tình cảm trân trọng mà người nghệ sỹ già dành riêng cho vở diễn vẫn nguyên vẹn sức sống và độ thanh xuân như ngày trước.

Cùng với “Cuộc chia tay tháng 6” của tác giả Vampilốp và dàn diễn viên gạo cội như: NSƯT Anh Dũng, NSƯT Trọng Trinh, Quế Hằng, Văn Toàn... trích đoạn này đã giúp công chúng Thủ đô có dịp sống lại và cảm nhận được phần nào hai tác phẩm bất hủ của nền nghệ thuật sân khấu Nga vĩ đại.

“Sân khấu Nga ư? Đó gần như là những người ân nhân đầu tiên của sân khấu chúng ta. Riêng tôi dù đã từng đứng trên sân khấu diễn vở kịch này nhiều lần song mỗi lần đều có những cảm xúc rất riêng và đặc biệt!” -  NSND Trọng Khôi xúc động tâm sự sau vai diễn.

Còn với NSƯT Trọng Trinh, vai Côlêxôp trong “Cuộc chia tay tháng 6” là một may mắn lớn, nó không chỉ giúp anh có tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trước kia mà còn là động lực ban đầu thúc đẩy anh theo đuổi niềm đam mê bộ môn sân khấu sau này.

Cùng chung nhịp say mê với những tinh hoa nghệ thuật sân khấu Nga, những năm 70 thế kỷ trước, nhà viết kịch NSƯT Tạ Xuyên đã quyết định dàn dựng kịch bản “Những con hươu xanh” của A.Kôlômiét thành vở diễn đánh dấu sự gia nhập đầu tiên vào làng đạo diễn và đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ phía công chúng.

Cho đến nay, mặc dù đã có 16 kịch bản được dàn dựng, công diễn ở nhiều Nhà hát trong cả nước song dễ nhận thấy trong phong cách sáng tác của NSƯT Tạ Xuyên sự ảnh hưởng không nhỏ của nhiều tác phẩm kịch Nga - Xô Viết: từ người lính ở mặt trận, nguời phụ nữ ở hậu phương đến người mẹ trong thời chiến cũng như sau khi im tiếng súng...

Chẳng vậy mà chính vị đạo diễn này cũng từng bộc bạch: “Chất anh hùng ca và chất trữ tình trong những tác phẩm kịch Nga cũng chính là yếu tố tôi tâm huyết và theo đuổi lâu bền nhất!”.

Dòng chảy sân khấu Nga không chỉ là nguồn cảm hứng để các nghệ sỹ nước ta tung hứng và sáng tác. Cao hơn thế, nó còn là nơi ấp ủ “thai nghén” nhiều ý tưởng trong việc định hình nền sân khấu Việt Nam, mà Nhà hát Tuổi trẻ là một minh chứng điển hình.

Xuất phát từ mơ ước thành lập một nhà hát kịch dành cho đối tượng khán giả trẻ, NSND Phạm Thị Thành trong suốt quãng thời gian theo học ở Matxcơva đã nỗ lực góp lượm kinh nghiệm, tìm hiểu mô hình sân khấu Nhà hát Thanh niên ở Nga, phong cách đạo diễn, diễn viên, kịch mục... để hoàn thành bản đề cương thành lập mô hình sân khấu tương tự  và dẫn tới sự ra đời của Nhà hát Tuổi trẻ vào ngày    10-4-1978...

Đã bao năm qua đi, nhiều người trong lớp đạo diễn “vàng” của sân khấu Việt Nam được tiếp thu tinh hoa sân khấu Nga đã đi xa, nhiều thế hệ đạo diễn nổi tiếng mới cũng đã được sản sinh.

Và cho dù thế nào đi nữa thì dòng chảy của sân khấu Nga - Xô Viết ngày nào vẫn đang lặng lẽ hòa cùng nhịp đập của sân khấu Việt Nam hiện đại. Và hơn lúc nào hết, hai dòng chảy ấy đều đang mở hướng để hội nhập với biển lớn sân khấu nhân loại...

Dương Cầm