Bác sỹ nhân dân

(ANTĐ) - Đó là tên gọi mà người dân ở khu dân cư số 8, phường Liễu Giai tặng cho gia đình ông Vũ Trọng Kính và vợ là Lê Thị Bích Hoàn với một tấm lòng tri ân sâu sắc. Trong suốt gần 20 năm qua, không kể đêm ngày, mưa nắng, ông bà đã tận tụy khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí không biết bao người, cả những người không quen biết như là trách nhiệm của chính mình.

Bác sỹ nhân dân

(ANTĐ) - Đó là tên gọi mà người dân ở khu dân cư số 8, phường Liễu Giai tặng cho gia đình ông Vũ Trọng Kính và vợ là Lê Thị Bích Hoàn với một tấm lòng tri ân sâu sắc. Trong suốt gần 20 năm qua, không kể đêm ngày, mưa nắng, ông bà đã tận tụy khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí không biết bao người, cả những người không quen biết như là trách nhiệm của chính mình.

Khi chúng tôi tìm đến, ngôi nhà nhỏ đơn sơ đã chật kín người. Hai ông bà dù năm nay đã bước sang tuổi 80, mái đầu bạc trắng, nhưng vẫn đang khám cho một bệnh nhân từ Bắc Giang xuống. Anh bảo: Tôi bị chóng mặt, đau đầu nhiều tháng nay, mặc dù đã điều trị ở bệnh viện nhưng vẫn không tiến triển. Có người mách hai ông bà ở đây chẩn đoán, điều trị bệnh giúp nhiều người, tôi liền tìm xuống.

Nghe thế, ông bà liền cười hiền từ bảo: Đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, có gì to tát đâu. Mấy hôm nay, người dân đang lo ngại về dịch tiêu chảy. Tôi cũng vừa thu thập tài liệu về cách phòng chống để ngày mai họp chi bộ phổ biến luôn với anh em. Còn về tiền bạc, chúng tôi đã được hưởng lương của Cụ Hồ rồi, không muốn đòi hỏi gì nữa.

Ông là bác sỹ quân y từ những ngày kháng chiến chống Pháp. Khi Viện 108 bắt đầu thành lập ở Việt Bắc, ông là một trong những người cán bộ đặt nền móng đầu tiên. Sau này ông là thủ trưởng Đội điều trị 2, Cục Quân y, tham gia hầu hết các chiến dịch Sông Đà - Hòa Bình, Thu Đông 1951-1952, chiến dịch Lào Cai - Hà Giang hè thu 1952, chiến dịch Tây Bắc 1952-1953, chiến dịch Điện Biên Phủ...

Cũng chính tại miền rừng Việt Bắc này, ông gặp bà, khi đó bà là cô nữ sinh vừa tốt nghiệp trường Quân y sỹ nhưng với lòng nhiệt huyết tham gia kháng chiến, bà đã từ chối về công tác tại Viện 108 để được ra tiền tuyến. 2 ông bà cùng rong ruổi trên khắp các chiến trường để cứu chữa thương binh cho đến ngày chiến dịch Điện Biên Phủ thành công.

Trở về Hà Nội, ông đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, sau này ông được phong tặng GS, TS, thầy thuốc nhân dân, còn bà về Viện 103, Phó Viện trưởng Viện 354, phụ trách Nội khoa, là thầy thuốc ưu tú. Năm 1989, khi ông được lên Thiếu tướng, thì Nhà nước phân cho căn hộ ở phường Liễu Giai này. Từ đó đến nay, căn phòng nhỏ như một phòng khám bệnh đặc biệt, nơi đã cứu chữa không biết bao nhiêu người.

Đó là cháu Mai, 5 tuổi, nhà ở cùng khu. Cháu bị đau bụng nhiều ngày liền, đi khám bác sỹ chẩn đoán bị táo bón nhưng uống thuốc vẫn không khỏi. Khám lại lần hai, bác sỹ vẫn chẩn đoán táo bón. Với kinh nghiệm có một thời gian dài làm chuyên gia Nhi khoa tại Angiêri, bà nghi ngờ cháu bị ruột thừa. Bà liền theo gia đình đưa cháu vào Viện Nhi khám lại lần ba, trực tiếp trao đổi với bác sỹ. Kết quả là cháu bị viêm ruột thừa thật.

Đó là trường hợp ông Xuyến, cùng tổ dân phố. Bà kể: Trong một buổi họp chi bộ, ông nói thường bị đau lưng. Tôi bèn hỏi đau ở đâu, đau như thế nào? Tôi khuyên ông nên đi khám vì tôi đã từng gặp bệnh nhân bị ung thư dạ dày có các triệu chứng như vậy. Vài tháng sau gặp lại, tôi hỏi thì ông vẫn chưa đi khám. Tôi hoảng hốt cương quyết thuyết phục ông đi. Không ngờ ông đã bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Kể đến đây, ông Kính cũng bồi hồi: Ngày ở Đặng Dung, lúc đó chúng tôi đang ăn cơm thì có người đập cửa nói: 2 bác sang ngay không cháu chết mất. Chỉ nghe thấy thế, tôi vội buông bát chạy ngay. Đến nơi, cháu bé khoảng 4 tuổi nằm bất động, người xanh nhợt. Không kịp mang ống nghe, tôi vội áp tai vào ngực, vẫn có tiếng tim đập khẽ nhưng lại không thấy cháu thở. Tôi liền áp miệng vào mũi cháu hút thật mạnh, bao nhiêu là đờm. Tôi chạy ra ngoài nhổ thì nghe mọi người hét ầm lên: sống rồi, sống rồi. Cháu đã bắt đầu thở, da cũng trở lại hồng hào hơn. Tôi hút thêm lần nữa, vừa lúc đó thì vợ tôi sang. Sau này nghĩ lại tôi mới thấy, nếu lúc đó mình còn mặc thêm cái áo, đem theo cái túi thuốc, lấy cái ống nghe, đóng cái cửa... tức là chỉ chậm 1-2 phút thôi thì chắc là không kịp nữa.

Trên giá sách, một thư viện nhỏ về triệu chứng, cách chữa trị các loại bệnh cả Tây y và Đông y được ông bà gom lại từ sách báo trong nhiều năm qua. Bà bảo như thế tiện cho mọi người sang đọc hoặc photo, chỗ nào không hiểu thì chúng tôi giải thích. Đối với nghề y, quan trọng nhất là chẩn đoán kịp thời để bệnh nhân đến bệnh viện đúng lúc.

Hiện nay, ngôi nhà nhỏ số 21, ngách 19/2 Liễu Giai vẫn như một phòng khám gia đình mà mọi người có thể đến bất cứ lúc nào. Trong quyển sổ khám bệnh của ông bà có cả những bệnh nhân từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định... Khi chúng tôi chia tay, ông bà còn dặn: Nếu có người thân, bạn bè bị làm sao cứ dẫn đến đây, chúng tôi sẽ hết lòng giúp đỡ.                          

Khánh Hòa