Phút hiểm nguy chứng kiến xe container chết máy khi tàu hỏa sắp đến

ANTD.VN - “Lúc đó khoảng 19h ngày 21-9, khi tôi vừa tan ca về nhà qua đoạn đường sắt thuộc thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, nằm trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì), đã phát hiện chiếc xe container đang chết máy chắn ngang đường tàu hỏa. Chỉ một lúc nữa là chuyến tàu SE6 từ ga Thường Tín sẽ tới đây. Thấy nguy hiểm, tôi phóng xe máy đến Trạm chắn ngang H6, khu bãi đá Ngọc Hồi báo cho nhân viên trực khẩn báo tới ga Hà Nội để có biện pháp hãm tàu ngay lập tức” - anh Trần Hoàng Tùng, Tổ trưởng Trạm gác chắn đường sắt Ngọc Hồi kể lại.

Tiếp nhận thông tin từ anh Trần Hoàng Tùng là các chị Đậu Thị Hằng và Nguyễn Thị Mơ, hai nhân viên kíp trực chốt tại Trạm chắn đường sắt H6 khu Bãi đá, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Ngay sau đó, thông tin được chuyển về Trung tâm chỉ huy đường sắt ga Hà Nội ra báo hiệu khẩn cấp cho chuyến tàu SE6, đang chở trên 200 hành khách lao vun vút về nơi có chiếc xe ô tô container đang chết máy chắn ngang đường sắt.

Anh Trần Hoàng Tùng làm nhiệm vụ tại Trạm gác chắn tàu Ngọc Hồi

Nếu không phải là người có trách nhiệm thì chuyện gì sẽ xảy ra với hàng trăm hành khách trên đoàn tàu SE6? - “Thật ra đây là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm với nghề nghiệp, đã có những vụ tai nạn thảm khốc do ô tô chết máy giữa đường sắt xảy ra vì không kịp báo cho lái tàu biết. Vì thế, tôi có thể đoán được hậu quả nếu báo tin chậm. Trước thảm họa có thể xảy ra, thì dù có vội đến mấy cũng phải hành động theo lương tâm và trách nhiệm để bằng mọi cách nhanh nhất cứu cả đoàn tàu đang chở hàng trăm hành khách thoát khỏi tai nạn” - anh Tùng chia sẻ.

Vốn kinh nghiệm 11 năm trong nghề gác chắn đường ngang, anh Tùng hiểu rõ trách nhiệm của mình là làm mọi cách để an toàn nhất cho những chuyến tàu và những người tham gia giao thông mỗi khi ngang qua chốt chắn. Vậy mà có những lúc, một số người chưa hiểu rõ vì sự an toàn ấy, họ bị chậm lại vài phút và có những lời nói, cử chỉ không được thiện chí với những người gác chắn.

Mỗi ngày đêm có khoảng 30 chuyến tàu chay trên tuyến này

Sự vội vàng dẫn đến bực bội vì chờ tàu qua, không ít người đã văng tục, chửi thề những nhân viên gác chắn như anh Tùng, thậm chí có người manh động còn tấn công nhân viên một cách vô cớ vì phải chờ tàu lâu. Chỉ vào tấm cửa kính vỡ của Trạm gác chắn Ngọc Hồi, anh Tùng tâm sự: “Đấy là hậu quả của một lần bị người đi qua chốt chắn tàu tấn công, do họ phải đứng nắng chờ tàu đi qua. Họ đâu có biết tốc độ tàu lao nhanh như tên bắn, cố len qua khe chắn để vượt sang bên kia rất nguy hiểm. Ngăn lại để họ không gặp nguy hiểm, thì mình không nhận được lời cảm ơn, mà còn bị họ tấn công, đuổi đánh. Nhiều người không biết rằng, với tốc độ tàu chạy khoảng 60km/h, chỉ cần nghe tiếng còi hú thì tàu đã băng qua trước mắt rồi”.   

Theo anh Tùng, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua huyện Thanh Trì, đến huyện Thường Tín còn nhiều nơi có đường giao nhau với đường sắt cắt ngang chỉ có chuông báo tự động. Vì thế, người tham gia giao thông hết sức lưu ý, quan sát thật kỹ mỗi khi đi ngang qua những nơi này. Trở lại địa điểm chiếc xe ô tô container bị chết máy, đó là lối đường ngang có chuông cảnh báo tự động chứ không có nhân viên gác chắn trực.

Đây là lối vào, ra của Công ty nông sản và nghiên cứu giống cây thuốc. Theo người dân cho biết, chiếc xe chở nặng khi vượt qua đường sắt đã bị trượt bánh chắn ngang đường ray. Lái xe loay hoay tìm kiếm cứu nạn nhưng do phương tiện cứu nạn chưa đến kịp. Việc giải thoát bị phụ thuộc lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nên đã tạo thế “ngàn cân treo sợi tóc” cho hàng trăm hành khách đang có mặt trên chuyến tàu SE 6 đang tiến dần vào ga Văn Điển.

Anh Tùng cho biết: “Mỗi ngày đêm truyên tuyến này có gần 30 chuyến tàu khách và tàu hàng chạy qua. Nếu một khâu nào đó để sơ suất là không chỉ gây chậm chễ, mà còn gây ra tai nạn đường sắt. Vì thế, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi ca trực luôn là nhiệm vụ số 1 để cho những chuyến tàu an toàn”.

Để những chuyến tàu an toàn, cần những nhân viên trách nhiệm như anh Tùng

Vợ anh Tùng làm cùng ngành đường sắt, thế nên nhà lúc nào cũng neo người, con cái phải phân công nhau chăm sóc. Anh bảo: “Vợ chồng tôi có mấy khi ăn cơm cùng bữa đâu, vì tôi và vợ phải chia 2 ca vào múi giờ khác nhau. Tôi trực từ sáng đến tối thì nhà tôi trực từ tối đến sáng. Cứ như thế có khi cả tháng mới ăn cơm cùng mâm với nhau được vài lần”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết tối hôm phóng xe đi báo tin có ô tô chết máy chắn ngang đường tàu, anh Tùng đang rất vội vã vì con nhỏ ở nhà không có người trông. Nóng ruột vì con khóc tìm bố mẹ lúc tối trời ở nhà, nhưng vì trách nhiệm với công việc, vì sự an toàn cho chuyến tàu sắp vào ga, anh Tùng đã loại vướng bận gia đình để tìm may mắn cho hành khách.   

Anh Tùng kiểm tra nhật ký ghi giờ những chuyến tàu đã chạy qua

nơi anh làm việc

Theo đại diện lãnh đạo Ban An toàn giao thông thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nếu anh Trần Hoàng Tùng không có những việc làm trách nhiệm, cụ thể như báo tin cho Trung tâm chỉ huy đường sắt để có biện pháp dừng được tàu SE6, thì với tốc độ 60 km/h sẽ nhanh chóng lao vào xe ô tô container và tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra.