“Phượt” cũng phải lượng sức

ANTĐ - “Phượt” hay còn gọi là du lịch bụi dường như chỉ dành cho những người trưởng thành, có sức khỏe, ý chí bền bỉ và yêu thích mạo hiểm. Tuy nhiên, mới đây một người cha đã quyết định cho hai đứa con ở tuổi mầm non và tiểu học chinh phục đỉnh Fansipan trong thời tiết khắc nghiệt khiến không ít người lo lắng.

Những vách núi cheo leo và nơi ăn nghỉ tạm bợ trong suốt cuộc hành trình khiến ngay cả 
dân phượt có kinh nghiệm còn e ngại huống chi trẻ nhỏ

Rèn luyện quá mức

Nói về quyết định cho hai con nhỏ là Dương Xuân Nam Khánh 8 tuổi và Dương Khánh Linh, 5 tuổi thực hiện chuyến hành trình vượt rừng, chinh phục nóc nhà của Đông Dương trong thời tiết mưa lạnh, đường trơn trượt, anh Dương Xuân Cường lý giải “nhằm giúp chúng trưởng thành hơn”. Theo anh Cường cách tốt nhất để bảo vệ các con là để chúng trải nghiệm những khó khăn và tự rút ra bài học từ những trải nghiệm ấy. Điều đáng nói, trong chuyến đi này bố con anh Cường tự lên kế hoạch, không có người khuân vác và dẫn đường, chưa kể thời tiết mưa liên tục trong 4-5 ngày, suốt cuộc hành trình. 

Mặc dù là người có kinh nghiệm “phượt” và đã lên kế hoạch rất kỹ, tính toán các rủi ro để đảm bảo an toàn cho hai con, song cách giúp con trải nghiệm cuộc sống của anh Cường khiến nhiều người cho rằng quá nguy hiểm cho trẻ ở độ tuổi này. Anh Bùi Công Tuấn ở phường Đức Giang, quận Long Biên nhận xét, dạy con biết giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và trưởng thành hơn không có gì sai, nhưng mạo hiểm tính mạng của con trẻ thì không nên. Ngay cả người có kinh nghiệm “phượt” lâu năm cũng khó mà biết trước được điều gì sẽ xảy ra khi đi trong điều kiện thời tiết ẩm thấp, lạnh, không có hướng dẫn viên hay người bản địa đi cùng. Nếu xảy ra vấn đề gì thì một mình anh Cường không thể xử lý kịp, chưa kể các cháu tuổi còn nhỏ, sức chịu đựng kém hơn người lớn nhưng phải ăn uống, sinh hoạt ở nhiệt độ 5 độ C và ẩm thấp dễ gây ra các bệnh về phổi và khớp. “Tôi nghĩ có rất nhiều cách để các cháu được trải nghiệm về cuộc sống nhưng hãy suy nghĩ cách nào an toàn và hiệu quả”- anh Tuấn chia sẻ. 

Cách đây 4 tháng, sinh viên Phạm Ngọc Ánh, khoa trang trí nội ngoại thất, chuyên ngành hội họa, trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội mất tích khi chinh phục đỉnh Fansipan. Đến giờ gia đình em vẫn đang từng ngày sống trong sự đợi chờ mòn mỏi. Sau khi chinh phục đỉnh Fansipan vào ngày 12-7, Ánh cùng cả nhóm xuống núi. Đến trạm nghỉ chân ở mốc 2.800m, Ánh nói với mọi người sẽ một mình xuống trước. Tuy nhiên, khi cả nhóm xuống đến nơi không thấy Ánh đâu. Ngay khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã tham gia tìm kiếm nhưng không có kết quả. Cho đến thời điểm này, gia đình vẫn chưa tìm được Ánh.

Mặc dù thời gian gần đây, phượt đang trở thành trào lưu của giới trẻ, là cách để họ chinh phục bản thân và hiểu hơn về thế giới xung quanh, nhưng hiện không ít người đang hiểu sai khái niệm này, thậm chí cho rằng đây là cách thể hiện bản thân. Theo chị Vũ Thùy Chi- nhân viên một công ty tài chính, người đã từng đặt chân đến hàng chục quốc gia thì mỗi cá nhân có hoàn cảnh sống, điều kiện giáo dục, cá tính, thể lực và xu hướng tư duy khác nhau, do đó hãy làm những gì có khả năng và phù hợp với mình. 

Cần có sự hướng dẫn và quản lý

Theo anh Nguyễn Xuân Hưng, người có thâm niên hơn chục năm đi “phượt” và nhiều năm làm hướng dẫn khách du lịch, những vụ tai nạn lớn nhỏ xảy ra trong các chuyến du lịch bụi ngoài yếu tố rủi ro thì phần nhiều là do không chuẩn bị kỹ càng, không theo sự điều hành của tổ chức hay cảnh báo của nhóm trưởng hoặc của địa phương. Khi được hỏi liệu có cho con mình đi phượt một mình kể cả đã đủ 18 tuổi, anh Hưng trả lời sẽ không bao giờ đồng ý vì quá nhiều nguy hiểm rình rập. Anh cho biết thêm, những chuyến đi mạo hiểm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trẻ cần có đủ sức khỏe, được trau dồi kinh nghiệm, thử thách, có người hướng dẫn chứ không phải là cách hứng thú “xách ba lô lên và đi” như nhiều người đang vô tình cổ súy.

Có những người học được rất nhiều thứ và làm phong phú thêm vốn sống của mình, nhưng cũng có những người sau chuyến “phượt” lại cảm thấy chẳng được gì ngoài mệt mỏi khi phải đội nắng, đội gió trên những con đường hiểm trở. Điều này cho thấy sự đam mê của mỗi người là khác nhau, không thể lấy sự thành công của những người đi trước làm thước đo cho mình. Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, trung tâm giáo dục trẻ vị thành niên thừa nhận, giới trẻ ngày nay dường như luôn có xu hướng “nổi loạn”, muốn được thể hiện mình và được nhiều người quan tâm. Một trong nhiều cách họ thường lựa chọn là đi du lịch, chinh phục những địa danh khó tiếp cận. “Phượt” còn có tên gọi khác là du lịch bụi, bắt nguồn từ phong cách du lịch phương Tây. Với họ, đây là những chuyến du lịch cuối tuần cùng bạn bè và người thân, là cách mà họ tìm đến những người bạn, những vùng đất mới để tìm nguồn cảm hứng sau thời gian bộn bề công việc.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên tham gia định hướng, như cùng con chọn địa điểm, không nên đến những chỗ quá nguy hiểm. Đồng thời, nên xem xét chuyến đi đó liệu có thể giúp trẻ hiểu được những bài học gì, về sự tổ chức, về vượt qua thách thức hay về sự mạo hiểm. Và đặc biệt không nên cho trẻ đi phượt khi còn quá nhỏ. Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, khi các em đã có nhận biết và tự chủ nhất định, cha mẹ có thể gửi con đi chơi cùng gia đình bạn bè hoặc người quen, mà không nhất thiết phải đi cùng, thậm chí có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tuy vậy, để đảm bảo chuyến đi an toàn, cha mẹ nên tìm hiểu trước về hoạt động, lịch trình của chuyến đi, giúp đỡ trẻ chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ cần thiết cho bản thân, chủ động liên lạc với người trưởng đoàn… và trang bị những kỹ năng cần thiết cho các em khi có sự cố xảy ra.