Phương Tây tung đòn hủy diệt vào Syria?

ANTĐ - Sau khi đã “làm đủ mọi cách” trong đó có cả việc cung cấp một cách “không hạn chế” vũ khí cho các lực lượng phiến quân nhưng phương Tây vẫn không thể khiến chính quyền của ông Assad sụp đổ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy “sự kiên nhẫn” đã đến giới hạn và các cường quốc đang gấp rút chuẩn bị một kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria trong tháng 6 tới đây.

Tháng 6 luôn là tháng nóng bỏng của Trung Đông và tháng 6 năm nay lại là thời điểm bắt đầu tháng Ramadan rất linh thiêng. Nếu một cuộc chiến tranh ở Syria nổ ra, nó sẽ là tháng Ramadan bi kịch nhất trong lịch sử thế giới Arap và của người Hồi giáo nói chung.

Tổng thống Barack Obama đã phát đi tín hiệu sẽ cân nhắc khả năng thực hiện hành động quân sự nhằm vào Syria nếu có “bằng chứng chắc chắn và thuyết phục” về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua ở nước này. 

Trong tình huống Syria vượt qua “lằn ranh đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học thì  Mỹ đã đặt ra viễn cảnh về một sự can thiệp sâu hơn của nước này vào cuộc nội chiến ở đất nước Syria. Nếu đó là một sự can thiệp về quân sự như đã làm với Libya trước đây thì đó chắc chắn sẽ là một đòn hủy diệt thực sự đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bởi chính quyền của cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cũng đã sụp đổ trong một chiến dịch can thiệp quân sự như thế.

Hiểu rõ bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào khu vực Trung Đông bất ổn đều có thể gây ra những hệ lụy phức tạp và nguy hiểm, Tổng thống Obama ám chỉ Mỹ sẽ tránh hành động đơn phương. Một số đồng minh của Mỹ và kể cả một số nghị sĩ Mỹ đã tức giận khi cho rằng, cái chết của 70.000 người Syria đã đủ là một cái cớ để Mỹ phản ứng mạnh hơn với cuộc nội chiến ở đất nước Trung Đông này. Tuy vậy,  ông Obama lại phải lo ngại về hậu quả của việc nước này dính líu thêm vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông sau hai cuộc chiến để lại hậu quả quá lớn về người và của ở Iraq cũng như Afghanistan. Bản thân người dân Mỹ cũng quá chán ngán với việc quân đội nước này tham gia vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất được New York Times/CBS News thực hiện mới đây, hầu hết người dân Mỹ kiên quyết phản đối việc nước họ can thiệp vào Syria. 62% người Mỹ thẳng thắn cho biết, nước họ không có trách nhiệm phải làm điều gì đó ở Syria. Ngay Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain - người liên tục thúc ép Mỹ can thiệp mạnh tay hơn vào tình hình Syria, nhưng cũng cho rằng, việc đưa quân Mỹ vào Syria là một sai lầm.

Hiện tại, ngoài sự giúp đỡ về hỗ trợ nhu yếu phẩm, y tế cho phe nổi dậy Syria (mà mới đây Mỹ tuyên bố sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho lực lượng này) thì các nhà hoạch định chiến lược Mỹ đang cân nhắc các giải pháp gồm bắn tên lửa từ tàu chiến vào các mục tiêu chọn lọc của Syria, thiết lập vùng cấm bay để yểm trợ cho các nhóm phiến quân hoặc đưa hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ tới phong tỏa nơi được cho là kho vũ khí hóa học của Syria. 

Cuộc đào tạo và huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Anh đang được tiến hành rất ráo riết tại Jorrdani và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kết thúc vào trong tháng 5 này và tháng 6 có thể sẽ là thời điểm “vừa đẹp” để lực lượng này nhập cuộc chiến.

Thêm vào đó, lệnh của liên minh châu Âu cấm cung cấp vũ khí sát thương cho phe đối lập ở Syria sẽ kết thúc vào đầu tháng 6, mở đường cho một hành động tự do và độc lập của Anh và Pháp để họ có thể cung cấp cho phe phiến quân những vũ khí hiện đại, nhất là vũ khí hạng nặng và tên lửa phòng không.

Ngay sau khi Tổng thống Obama đưa ra lời đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Syria, thủ lĩnh nhóm chiến binh Hezbollah - Hassan Nasrallah đã tuyên bố trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình rằng Syria có “những người bạn thực sự” và những người bạn đó không cho phép Syria “rơi vào tay” Mỹ, Israel hay những kẻ cực đoan Hồi giáo - lực lượng mà Chính phủ Syria thường đổ lỗi đã gây ra cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở đất nước này. 

Theo báo “Al-Khalij” (Vùng Vịnh) việc phương Tây tấn công quân sự vào Syria chỉ còn là vấn đề thời gian và mốc tháng 6 dường như sẽ được đưa ra đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi là cuộc chiến tranh ấy sẽ được tiến hành như thế nào? Ai sẽ là chủ xướng và đóng vai trò tiên phong trong suốt cuộc chiến? Ngoài Syria, còn có nước nào cùng chung số phận? Mỹ và Israel sẽ “tiện thể” nhử Iran vào cuộc và tiến hành “xử lý” cả vấn đề hạt nhân vẫn gây tranh cãi của quốc gia vùng vịnh này. Nhưng, cũng chính giới quân sự phương Tây cũng đang tỏ ra rất thận trọng trước việc có quyết định gây chiến với Syria hay không bởi lẽ so với cuộc chiến Iraq cách đây 1 thập kỷ, cuộc chiến ở Syria hiện nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Cách đây 10 năm, khi Mỹ và đồng minh tấn công vào Iraq, chính quyền Saddam Hussein đã bị phong tỏa rất lâu trước đó và không có đồng minh nào. Còn giờ đây, chế độ của Tổng thống Assad đang nhận được sự ủng hộ khá mạnh từ Nga, Iran, phong trào Hezbollah ở Lebanon và cả của nhóm BRICS.

Trong một diễn biến khác, mặc dù Nhà Trắng loan báo “mọi phương án đã được đặt lên bàn” kể cả hành động quân sự khi việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria có thể sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, nhưng Washington vẫn quyết tâm theo đuổi mục đích thuyết phục Nga tham gia vào quá trình chuyển giao chế độ chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Người Mỹ mong đợi một giải pháp ít tốn kém nhất trong bối cảnh ngân sách dành cho quân sự phải hy sinh cho chiến lược cứu nền kinh tế “nay trồi mai sụt” của mình.

Cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu từ tháng 3-2011 đang ngày càng diễn biến phức tạp khi xuất hiện trong cuộc xung đột này nhiều lực lượng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới Al Qaeda. Trong thời gian gần đây, quân đội Chính phủ Syria đã giành một số lợi thế trước phe nổi dậy, nhưng cuộc chiến tại quốc gia Cận Đông này chắc chắn sẽ còn kéo dài. Số nạn nhân thiệt mạng tại Syria hiện đã lên tới hơn 70.000 người và hơn 1,2 triệu người phải đi tị nạn.