Phương châm sống chậm và triển lãm sắp đặt của một nam sinh 18 tuổi

ANTĐ - Ở tuổi 18, triển lãm của cậu học trò chuyên Lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam gây hứng thú với người xem bởi sự chiêm nghiệm, già dặn trước tuổi.  Vận dụng sự tương đồng giữa vật lý và nghệ thuật, Phạm Minh Hiếu đã gây bất ngờ khi lần đầu tiên thể hiện năng lực cá nhân trong nghệ thuật.

Phương châm sống chậm và triển lãm sắp đặt của một nam sinh 18 tuổi ảnh 1Tác phẩm sắp đặt của Phạm Minh Hiếu

Đôi mắt sáng và tự tin, Phạm Minh Hiếu thu hút người đối diện bởi cách nói chuyện mạch lạc, nghiêm túc và cẩn trọng. Hiếu cũng thú thực, cậu là người cẩn thận, ngăn nắp, luôn cố gắng viết đẹp, trình bày bài đẹp và thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn.

Cũng có thể vì bản tính hay chiêm nghiệm của một học sinh chuyên Lý từng giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi Học sinh giỏi cấp thành phố và quốc gia, nên Phạm Minh Hiếu luôn logic trong cách thể hiện và lý giải vấn đề. Tố chất ấy giúp cậu có cách sử dụng không gian, thời gian và ánh sáng làm những yếu tố cơ bản để tạo ra các công thức khoa học, các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt khi tổ chức triển lãm sắp đặt lần đầu tiên.

Phạm Minh Hiếu tuy học giỏi Vật lý và mới bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật nhưng đã rất tự tin khi làm một triển lãm sắp đặt như thế. Lấy thời gian là yếu tố trọng tâm trong sắp đặt video art “Ở đâu và bây giờ”, Phạm Minh Hiếu dùng tư duy của một nhà khoa học trẻ để thử lý giải về sự ngưng đọng của thời gian và nhịp sống gấp gáp đang cuốn con người đi. 

Triển lãm đưa người xem lên một chuyến du hành. Ở phòng đầu tiên, người du ngoạn sẽ “ngồi” vào cỗ máy thời gian thông qua 4 video được chiếu ở 4 hướng. Tốc độ bắt đầu được tăng lên và đạt đến vận tốc nhanh nhất. Khi vận tốc gia tăng, tuy thời gian giãn ra nhưng không gian sẽ co lại tạo nên sức ép rất lớn với con người.

Điều đó có nghĩa, con người càng sống vội vã, càng giải quyết nhiều việc cùng một lúc, thì sẽ càng bị ép chặt, không cảm nhận được các sự việc theo nhiều chiều. Khi thoát ra khỏi phòng số 1, người du ngoạn chợt thấy tĩnh lặng trong căn phòng số 2. Ở đó, một nhúm cát ngưng đọng được bày trên những bục bệ và được chiếu đèn, còn không gian xung quanh tối đen. Ở phòng thứ 3, một màu trắng bao phủ và không có đồ đạc nào được bày biện. Sau hết, Phạm Minh Hiếu muốn nói rằng, con người khi đang sống nhanh, sống gấp tới mức cao nhất có thể, lại muốn đi tìm những khoảng tĩnh lặng, tĩnh tâm cần thiết để cảm nhận về cuộc sống quanh mình. 

Ý tưởng của triển lãm không mới mẻ nhưng cách thể hiện và người thực hiện là một cậu học trò chuyên Lý đã hấp dẫn người xem. Bản thân Phạm Minh Hiếu cho hay, chính cậu cũng đã sống rất vội vã, luôn mong đạt được thành quả tốt nhất trong học tập mà có khi bỏ quên những điều thú vị khác của cuộc sống. Dù vẫn dành thời gian để giúp đỡ bố mẹ rửa bát, quét nhà, nhưng sau triển lãm, Hiếu bảo kể cả làm việc nhà cũng là sống chậm, với niềm vui khi giúp đỡ những người thân trong gia đình. 

Sống chậm lại, Phạm Minh Hiếu đã dừng lại một năm trước khi đi du học nhằm khám phá các khả năng khác của bản thân, ngoài môn Vật lý yêu thích của mình. Triển lãm sắp đặt lần này tại trường THPT Hà Nội-Amsterdam như một sự kiện chào đón chuyến thăm của ngài Thị trưởng thành phố Amsterdam (Hà Lan) tới Việt Nam. 

Phạm Minh Hiếu, sinh năm 1996, cựu học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam từng đoạt giải Nhất Học sinh giỏi Vật lý cấp Thành phố 2011, giải Nhì Học sinh giỏi Vật lý cấp Thành phố 2012 và năm 2013, giải Nhì lĩnh vực năng lượng vận tải, giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật ISEF cấp Quốc gia 2013, đặc biệt là giải Nhì Học sinh giỏi Vật lý cấp Quốc gia 2014. Minh Hiếu được tuyên dương “Học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô”. Năm học 2010-2011 và 2012-2013, em được nhận học bổng danh dự của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.