Phương án tính tiền điện của EVN: Cách nào để dư luận an?

ANTĐ - Một vấn đề mà dư luận quan tâm bàn thảo, tranh luận nhiều nhất trong tuần qua đó là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố đề xuất về phương thức tính giá điện cho các hộ tiêu dùng để lấy ý kiến dư luận. Ngay lập tức, hàng nghìn ý kiến phản hồi, hàng trăm status trên các trang mạng xã hội đã bình luận, đóng góp cho đề xuất này. 
Phương án tính tiền điện của EVN: Cách nào để dư luận an? ảnh 1

Điều đầu tiên là chính EVN khẳng định rằng cách tính biểu giá điện hiện hành quá phức tạp, càng sử dụng nhiều càng đắt, ngược với logic thông thường là càng dùng nhiều càng rẻ. Do có nhiều nấc giá nên chỉ cần ghi sai chỉ số côngtơ sẽ ảnh hưởng đến tiền điện phải nộp của khách.

Còn cái thất vọng nhất là dư luận tìm kiếm xem cái phương án nào khả dĩ có thể làm giảm cái khoản tiền trả cho mấy đồ dùng điện của hộ nhà mình, tìm mãi, tìm mãi mà… không thấy. Với các chuyên gia thì hoạch định giá điện là để cho vừa đảm bảo tính công bằng vừa đảm bảo điều kiện cho ngành điện phát triển, nhưng với người tiêu dùng, vấn đề là ở chỗ làm sao để giảm được tiền điện, làm sao để đỡ vất vả khi gánh cái gánh nặng tiền điện. Vì vậy, EVN hãy cố tính làm sao đó cho mỗi hộ dân. Nhưng với các chuyên gia thì e rằng những phương thức tính tiền điện này cũng chưa ổn được.

Ba phương án tính tiền điện của EVN

Dĩ nhiên, phương án đầu tiên là giữ nguyên biểu giá hiện hành, được thực hiện từ đầu tháng 3-2015 đến nay với 6 bậc thang giá. Với biểu giá này, giá điện tại bậc thang thứ 6 cao hơn mức bình quân 1.000 đồng mỗi KWh, khiến người dùng càng nhiều điện càng bị tính giá cao. Thậm chí, không ít hộ gia đình phải chi trả hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp 1,5-3 lần so với trước, nhất là vào những tháng nắng nóng. Chính Bộ Công Thương cũng thừa nhận biểu giá hiện hành áp dụng cách tính lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp là chưa thực sự thuyết phục.

Phương án hai, phương án gây chú ý nhất là việc bán đồng giá 1.747 đồng/kWh. Đây cũng chính là giá điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt hiện nay. Với phương án này, EVN tính toán các hộ sử dụng dưới 240 kWh trong tháng sẽ tăng tiền điện phải trả. Hộ bị tác động cao nhất là sử dụng 100 kWh.

Các hộ sử dụng trên 240 kWh sẽ được hưởng lợi. Theo bảng kê tạm tính, hộ dùng điện 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 23.850 đồng/tháng, hộ dùng 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 19. 950 đồng/tháng so với hiện nay. Nhưng với hộ dùng nhiều điện, từ 300 kWh/tháng sẽ giảm được tiền điện được 29.550 đồng/tháng, hộ dùng 400 kWh/tháng sẽ giảm được 105.150 đồng/tháng, còn dùng trên 500 kWh/tháng sẽ giảm được tới gần 300.000 đồng/tháng. 

Phương án ba là phương án giảm bậc thang biểu giá từ 6 bậc xuống 3-4 bậc. Theo đó, nếu rút gọn biểu giá về 3 bậc thang, những hộ bị tăng tiền chi trả chủ yếu sử dụng điện ở mức trung bình 107- 233,88 kWh mỗi tháng. Với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang (kịch bản 5), EVN tính toán bậc một (50 kWh đầu) có giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 có giá 1.670 đồng/kWh; bậc 3 là 2.325 đồng/kWh và bậc 4 có giá 2.587 đồng/kWh. Như vậy giảm bậc thang biểu giá thì tổng tiền điện của các hộ dùng từ 400 kWh/tháng lại có thể tăng hơn so với trước.

Giảm bậc thang biểu giá, EVN cho rằng sẽ khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều, sẽ càng phải trả tiền điện với giá cao hơn, và ngược lại. Song, tập đoàn này lo ngại việc ghi chỉ số nhất trong mùa nắng nóng với chỉ số kWh ở nấc thang cao sẽ khiến số tiền phải trả cũng tăng dễ gây hiểu lầm ghi chỉ số điện không chuẩn xác. Khi rút gọn còn 3 hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn không thể cải thiện.

Nhận định các phương án tính tiền điện do EVN đưa ra, các chuyên gia đều thấy không ổn. Với phương án tính tiền điện đồng giá, các hộ dùng điện từ 240 kWh/tháng sẽ bị tăng tiền điện với cùng lượng điện tiêu dùng so với cách tính tiền điện hiện hành. Xin nhớ, EVN gặp phản ứng mạnh mẽ về giá điện của các hộ dùng nhiều điện trong thời gian qua. Số lượng các hộ dân dùng dưới 240 kWh/tháng nhiều gấp nhiều lần số hộ dân dùng trên 240 kWh/tháng.

Nghĩa là sau khi áp dụng phương án này EVN sẽ gặp phản ứng gấp nhiều lần so với trước. Hoặc vắn tắt, EVN hãy gửi phiếu thăm dò đến tất cả các hộ dân dùng điện dưới 240 kWh/tháng (chiếm khoảng trên 70% các hộ dùng điện ở đô thị), xem người ta có muốn mỗi tháng mất thêm vài chục ngàn để giúp đỡ các hộ dùng nhiều điện hơn không? Chắc chắn là: Không.  

Không thể lấy thêm tiền hộ nghèo để hạ giá điện cho hộ giàu hơn được. Còn đối với phương án giảm bậc thang giá điện, chính EVN và Bộ Công Thương cũng nhìn thấy những điểm yếu của nó. Không khác gì so với 6 bậc cả. Vẫn chứa đựng đầy bất trắc trong việc đo chỉ số công tơ, vẫn nguyên tình trạng lách luật bằng chia nhỏ hợp đồng điện, có nhà đến 3-4 côngtơ… Vậy cách nào có thể làm dư luận an tâm?

 Cách tốt nhất là giảm giá bán điện trung bình xuống

Như chính EVN công bố, giá bán điện chênh lệch với giá mua khoảng 500 đồng/kWh điện. Đây là khoản chi phí phân phối và lợi nhuận của ngành điện. Câu hỏi là có cách nào để giảm chi phí để giảm giá bán điện? Chắc chắn có. 

Trước tiên nên giảm chi phí, giảm tổn thất trong kinh doanh điện. Năm 2014, tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam ước đạt 8,49%, bên cạnh một số lí do từ công tác quản lý, vận hành... nguyên nhân chính khiến tình trạng tổn thất điện năng hiện vẫn còn cao là do hệ thống lưới điện tại Việt Nam chưa được ưu việt như hạ tầng tại các nước phát triển. Ngoài ra, các chi phí như nhân công, lương, thưởng vẫn còn quá cao.

Tất cả những chi phí này cần được giảm thiểu và có thể giảm thiểu. Thứ hai, phải giảm lợi nhuận trong kinh doanh điện. Nếu tính cả chi phí đầu tư bổ vào giá điện, mỗi năm, ngành điện có lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này là vô lý. 

Đã nhiều năm nay, một phần không nhỏ chi phí đầu tư đã được bổ vào giá điện. Nếu người tiêu dùng đã phải chịu cả tiền đầu tư cho ngành điện thì ngành điện làm sao được quyền tính lợi nhuận cho mình trên khoản đầu tư của người tiêu dùng? Để có một thị trường điện cạnh tranh, cần làm rõ số tài sản của ngành điện, vốn liếng chủ yếu của ngành điện ở đâu ra? Bóc tách ngay phần vốn đầu tư đã bổ vào giá điện để có quyết định trước khi thị trường hóa ngành điện.

Phần đóng góp của người tiêu dùng vào các khoản đầu tư ngành điện cũng phải được tính lợi nhuận như các khoản đầu tư khác và khoản này có thể dùng để giảm giá điện khi đời sống nhân dân còn chưa khá lên. 

Không nên bám vào lý do giá điện nước ta còn thấp hơn các nước xung quanh để tiếp tục tăng giá điện. Lương và thu nhập của người lao động của chúng ta còn thấp hơn các nước khu vực và vì vậy, so sánh như thế là khập khiễng. Người tiêu dùng muốn được công bằng, không muốn trả hộ tiền điện cho ai đó cũng như không muốn dùng rẻ hơn giá thành.