Phương án “3 tại chỗ” phòng Covid-19 bất ngờ xuất hiện "lỗ hổng", doanh nghiệp rơi vào cảnh "vỡ trận"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ ) của doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam để vừa phòng dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất đã bộc lộ những bất cập.
Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng gặp nhiều khó khăn

Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng gặp nhiều khó khăn

Là doanh nghiệp hoạt động tại TP HCM, Công ty TNHH Việt Thắng Jean thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc thực hiện “3 tại chỗ”. Đại diện Công ty này cho biết, lúc mới thực hiện, công ty đã cho thử nhanh Covid-19 với công nhân cả 3 phân xưởng. Kết quả 100% đều âm tính. Sau đó 3 ngày, công ty tổ chức xét nghiệm PCR, kết quả cũng 100% âm tính.

Tuy nhiên, sau 12 ngày sản xuất, một phân xưởng may test nhanh 3 lần đã phát hiện 19/196 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Công ty buộc phải tạm ngừng sản xuất để tìm nguyên nhân.

“Nguyên nhân là do có người bán nước trái cây dạo bán qua hàng rào công ty và công nhân đã mua. Người bán nước này bị dương tính và lây bệnh cho công nhân. Phương án sản xuất 3 tại chỗ cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Rất may công ty tôi đã được tiêm vaccine và thực hiện cô lập từng phân xưởng”- đại diện Việt Thắng Jean cho hay.

Tương tự, đại diện Công ty Gỗ Long Việt (Bình Dương) có quy mô 800 công nhân và thực hiện “3 tại chỗ” với 300 công nhân từ ngày 10-7. Ngày 20-7, Công ty này phát hiện 1 ca F0 chưa rõ nguồn lây.

Từ ngày 21-7 đến nay, qua test nhanh và PCR, Công ty phát hiện 248 ca F0 và rất nhiều F1 có nguy cơ trở thành F0.

Sáng 28-7, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng thông báo tạm ngừng hoạt động 3-4 tuần và chính thức ngừng giao hàng tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng.

Vissan cho biết, sau khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" từ 28-6 và liên tục xét nghiệm cho nhân viên, đến ngày 17-7, công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 20-7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23-7, Vissan có 43 ca nhiễm Covid-19.

Đại diện Công ty này cho biết, dù đã rất cố gắng nhưng vì lượng nhân viên đông, phương án 3 tại chỗ vẫn khó thực hiện.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp liên tiếp phát hiện các ca F0 trong khi đang thực hiện 3 tại chỗ, gây khó khăn cho sản xuất. Phương án này không còn đảm bảo an toàn vì nhiều nguyên nhân.

Không những vậy, với những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” nhưng chưa phát hiện F0, chi phí để thực hiện xét nghiệm, bố trí chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân viên rất tốn kém. Phía doanh nghiệp mong muốn có phương án khác để vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn.

Ngày 28-7, UBND Thị xã Tân Uyên (Bình Dương” có công văn số 2520/UBND-VX về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”.

Theo đó, trên địa bàn thị xã có 1.000 doanh nghiệp đăng ký thực hiện 3 tại chỗ. Tuy nhiên đến nay có nhiều ca dương tính với Covid-19 được phát hiện trong doanh nghiệp khi đang thực hiện phương án này nên muốn tạm dừng.

Về việc này, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên đề nghị các doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” thực hiện nghiêm: tổ chức xét nghiệm cho tất cả người lao động trong doanh nghiệp trước khi cho người lao động ngừng việc trở về nơi cư trú, nhà trọ tại địa phương và người lao động phải có Giấy kết quả xét nghiệm âm tính; gửi văn bản đến các cơ quan liên quan thông báo tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện phương án 3 tại chỗ và ngưng hoạt động sản xuất.