Phúc thẩm vụ án Huyền Như: Vì sao các doanh nghiệp lại dễ dàng "sập bẫy"?

ANTD.VN - Sáng 28-5, TAND Cấp cao tại TP HCM đã khai mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm, xoay quanh hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng đối với 5 doanh nghiệp.

Và như ANTĐ thông tin, Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978) – cựu Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên phủ (Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh TP HCM) không kháng cáo. Trong khi đó, Võ Anh Tuấn (SN 1972) – cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Nhà Bè cùng 4/5 công ty (nguyên đơn dân sự trong vụ án) kháng cáo.

Luật sư nêu nhiều vấn đề ngay phần thủ tục

Theo đó, HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huyền Như gồm 3 thẩm phán cao cấp, trong đó Thẩm phán Đặng Văn Thành làm chủ tọa phiên xử. Hai vị kiểm sát viên của VKSND Cấp cao tại TP HCM giữ quyền công tố.

Phiên tòa cũng có sự tham gia tố tụng của các nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn dân sự, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Vietinbank (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan)...

Đáng chú ý là ngay tại phần thủ tục phiên xét xử, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đầu tư & Thương mại An Lộc và Công ty Chứng khoán Phương Đông đề nghị triệu tập một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Vietinbank để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án.

HĐXX phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Một số luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự khác thì đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tham gia phiên tòa để làm rõ các quy định về lãi suất huy động. Vị luật sư này sau đó đề nghị trong trường hợp không triệu tập được đại diện NHNN ngay thì hoãn phiên xử.

Về phần mình, luật sư Trương Quang Tám (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank) thì cho rằng, đồng thời đề nghị tòa án không cần thiết phải triệu tập thêm bất cứ tổ chức và cá nhân nào. Bởi phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như lần này là lần thứ 4, tất cả các tài liệu, lời khai đều có đầy đủ trong hồ sơ vụ án.

Theo luật sư Tám, phạm vi xét xử phúc thẩm là chỉ xem xét vụ án trong phạm vi kháng cáo kháng nghị hợp lệ. Và đối với các nguyên đơn dân sự thì chỉ có quyền đề nghị xem xét về mặt tội danh, hình phạt đối với các bị cáo cũng như trách nhiệm dân sự.

Một số ý kiến khác thì đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của các nguyên đơn dân sự và tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank… Bày tỏ quan điểm tại phần thủ tục phiên tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM nhìn nhận, trong danh sách triệu tập tới phiên tòa thì vắng mặt 13/18 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong đó có  một số người xin được xét xử vắng mặt.

Tuy nhiên, theo VKS sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án vì trong quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm họ đã được lấy lời khai, được trình bày ý kiến, quan điểm.

Đối với những vấn đề luật sư nêu ra, đại diện VKS cho rằng tòa án đã triệu tập một số lãnh đạo ngân hàng, trong đó có người xin xét xử vắng mặt, có người đã có mặt tại phiên tòa và những người còn lại thì đã có bản tường trình, biên bản ghi lời khai trong giai đoạn điều tra nên không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Về ý xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự và Vietinbank, đại diện VKS khẳng định trong quá trình xét xử nếu thấy có căn cứ để xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của các bên thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét và quyết định.

“Siêu lừa” Huyền Như giăng bẫy bằng lãi ngoài

Theo bản án sơ thẩm cùng lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, khoảng tháng 5-2011, thông qua Vũ Minh Hải (nhân viên Công ty CP Chứng khoán Oceanbank) giới thiệu, Huỳnh Thị Huyền Như biết Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) có nguồn tiền nhàn rỗi đang gửi tại một số ngân hàng.

Trao đổi với bà Vũ Thị Mỹ Linh (Kế toán trưởng SBBS), Huyền Như đặt vấn đề huy động tiền gửi của doanh nghiệp này dưới dạng hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa SBBS và Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và lãi suất ngoài hợp đồng từ 2% đến 7%/năm.

"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

Thỏa thuận với “siêu lừa”, bà Linh sau đó đã đề xuất lãnh đạo SBBS chuyển tiền gửi vào Vietinbank và mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại Vietinbank TP HCM, đăng ký chủ tài khoản, chữ ký kế toán trưởng cùng mẫu dấu SBBS.

Ngoài ra, để SBBS tin tưởng chuyển tiền, Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa SBBS với Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của ông Hà Anh Tuấn (Giám đốc), Võ Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc) Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và đóng dấu của chi nhánh ngân hàng này lên các hợp đồng ủy thác giả.

Thực hiện giao dịch với Huyền Như, từ ngày 18-5 đến 31-8-2011, Công ty SBBS đã ký 14 hợp đồng ủy thác đầu tư nêu trên với tổng số tiền 245 tỉ đồng. Sau đó, SBBS chuyển 225 tỉ đồng vào tài khoản của công ty này mở tại Vietinbank TP HCM.

Nhận thấy tiền của SBBS đã chuyển vào tài khoản mở tại Vietinbank, “siêu lừa” Huyền Như nhanh chóng lập các lệnh chi, ký mục kiểm soát viên, giao dịch viên, đồng thời giả chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu của SBBS trên các lệnh chi để trích chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp này sang tài khoản của những cá nhân, tổ chức mà bị cáo nợ nần từ trước.

Và để lừa được SBBS, Huyền Như đã phải trích trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng 4,2 tỉ đồng thông qua Vũ Minh Hải và anh này chuyển cho Vũ Thị Mỹ Linh. Sau đó, Linh tiếp tục chuyển vào tài khoản của SBBS mở tại một ngân hàng khác.

Trước khi vụ án được đưa xử lý, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như mới trả được cho Công ty SBBS hơn 26,3 tỉ đồng và còn chiếm đoạt của doanh nghiệp này hơn 209,9 tỉ đồng.

Cũng với thủ đoạn “giăng bẫy” bằng lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi, trong năm 2011, Huyền Như cũng lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu hơn 124,9 tỉ đồng; chiếm đoạt của Công ty Phương Đông 380 tỉ đồng và Công ty An Lộc hơn 170 tỉ đồng.

Ngoài ra, Huỳnh Thị Huyền Như còn lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ đồng cũng với chiêu trò dụ dỗ gửi tiền vào Vietinbank để hưởng thêm lãi suất ngoài hợp đồng. Ở hành vi này, Võ Anh Tuấn được xác định là đã giúp sức cho “siêu lừa” và được hưởng lợi 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Hưng Yên không có kháng cáo và không tham gia phiên tòa phúc thẩm.