Phúc thẩm vụ AIC: Duy nhất cựu giám đốc bệnh viện hầu tòa, trong nhóm cựu lãnh đạo Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 22-5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”..., xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai ra xét xử phúc thẩm.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 15/36 bị cáo và kháng cáo của bị đơn dân sự. Dự kiến, phiên xử kéo dài trong nhiều ngày và dưới sự Chủ tọa của Thẩm phán Mai Anh Tài cùng hai Thẩm phán. Tiến hành tố tụng và kiểm sát xét xử còn có 2 Kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội.

Hiện, có tổng số 24 luật sư tham gia phiên tòa bào chữa cho các bị cáo. Trong vụ án, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai là nguyên đơn dân sự và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) được xác định là bị đơn dân sự.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong số các bị cáo kháng cáo có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty Tiến bộ Quốc tế - AIC). Bị cáo Nhàn bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và xử phạt 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nhàn phải chấp hành mức án chung cho 2 tội là 30 năm tù.

Hiện, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn. Ngày 10-5-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế. Cấp tòa sơ thẩm dành quyền và luật sư bào chữa cho bị cáo này kháng cáo thay thân chủ.

Ngoài bị cáo Nhàn, cấp phúc thẩm còn xem xét kháng cáo đối với các bị cáo liên quan gồm: Trần Mạnh Hà (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC); Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC); Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) cùng nhiều cựu nhân viên AIC và nhiều giám đốc doanh nghiệp "quân xanh" trong vụ vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Đáng chú ý, trong số 11 bị cáo từng là lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành hoặc cán bộ của Đồng Nai duy nhất chỉ bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) kháng cáo. Ngay sau bản án sơ thẩm, bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai) cũng kháng cáo, song quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai rút kháng cáo, chấp hành bản án.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Kháng cáo lên TAND Cấp cao tại Hà Nội, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong nhóm các bị cáo thuộc tỉnh Đồng Nai, bị cáo Vũ phải chịu mức hình phạt nặng nề nhất vì bị quy kết cùng lúc 2 tội danh với tổng cộng 19 năm tù.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm (hồi đầu tháng 1/2023), bị cáo Vũ xin Tòa mở lượng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt vì bản thân bị bệnh tiểu đường đã 30 năm nên lo sợ không thể sống nổi quá 10 năm trong tù. Bị cáo này cho rằng thời điểm xảy ra vụ án, Vũ chỉ là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Và mặc dù là chủ đầu tư nhưng hầu như không có quyền tự quyết vì bị chi phối bởi sức ép của nhiều cấp lãnh đạo. Thậm chí có lần bị cáo này đưa ra yêu cầu đối với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn về việc AIC phải cung cấp cho Bệnh viện hàng hóa do doanh nghiệp này nhập khẩu trực tiếp, không được qua trung gian thì ngay hôm sau đã bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở vì làm phật ý người đàn bà từng "hô mưa hoán vũ" một thời.

Cũng tại phiên sơ thẩm, nhiều bị cáo liên quan, trong đó có cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai - Trần Đình Thành và cựu Phó tổng giám đốc AIC - Hoàng Thị Thúy Nga đều bày tỏ mong muốn, đồng thời đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ. Bởi bị cáo Vũ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, rất giỏi chuyên môn, có tâm và hết lòng vì sự phát triển của nền y tế Đồng Nai.

Đối với Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc AIC), bị cáo này kháng cáo xin xem xét lại bản án 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đơn kháng cáo, bị cáo này đề nghị cấp phúc thẩm đánh giá lại vai trò của mình chỉ là người làm công ăn lương.

Về phần dân sự, Tòa cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Nga cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) và Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC) phải liên đới bồi thường thiệt hại. Bị cáo Nga cũng kháng cáo cả nội dung này.

Ngoài bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 7 bị cáo khác cũng bỏ trốn. Luật sư của những bị cáo này kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình hoặc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt phạt Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai) 11 năm tù; Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) 9 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”. Hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai không kháng cáo.

Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và bị tuyên phạt những hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội.

Theo nhận định của Tòa cấp sơ thẩm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu trong vụ án này, chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban khác, móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công các công ty “quân xanh” trong quá trình đấu thầu và trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.