Phúc thẩm Hà Văn Thắm: Nguyễn Xuân Sơn muốn bán hết tài sản để khắc phục hậu quả

ANTD.VN - Ngày 23-4, phiên tòa xét xử phúc thẩm Hà Văn Thắm tiếp tục phần thẩm vấn. Một trong những nội dung đáng chú ý là lời khai của bị cáo từng “kề vai sát cánh” với nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). 

Theo đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã trả lời hàng loạt câu hỏi đặt ra tại phiên tòa. Tại cấp sơ thẩm, bị cáo Sơn bị tuyên phạt mức chung là tử hình đối với 3 tội danh bị quy kết.

Ra hầu tòa ở phiên phúc thẩm, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank kháng cáo 2/3 tội danh là “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bị cáo Sơn cũng kháng cáo về bồi thường dân sự đối với tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn trình bày giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trình bày về những hành vi bị quy kết, bị cáo Sơn khai tiền Hà Văn Thắm đưa cho là để chăm sóc khách hàng ở PVN. Khoản tiền này chia thành hai giai đoạn, khi bị cáo làm Tổng giám đốc Oceanbank và giai đoạn sau, khi bị cáo về làm Phó Tổng giám đốc PVN. “Những khoản tiền này đều thể hiện rõ là bị cáo Hà Văn Thắm chi để chăm sóc khách hàng chứ không phải là bị cáo chiếm đoạt”  - bị cáo Sơn nói.

Nguyên Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn trả lời thẩm vấn tại tòa

Liên quan đến từng khoản tiền cụ thể ở tội “Lạm dụng chức vụ…”, bị cáo Sơn trình bày mong muốn được HĐXX xem xét cả khoản tiền 69 tỉ đồng liên quan đến Công ty BSC (công ty của Hà Văn Thắm) và khoảng tiền 197 tỉ đồng lấy ở Oceanbank.

Theo bị cáo Sơn thì ông ta có biết Công ty BSC và doanh nghiệp này chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp của Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, quá trình làm “sát cách” với nguyên Chủ tịch Oceanbank, bị cáo Sơn cho rằng bản thân luôn giữ nguyên tắc “không tọc mạch”.

Khai về nguồn tiền dùng để chi lãi ngoài, bị cáo Sơn cho rằng nhận được chỉ đạo là dùng tiền hợp pháp để chi. “Bị cáo hoàn toàn không biết và cũng không quan tâm việc lấy nguồn từ đâu. Nhưng quá trình điều tra, bị cáo biết bị cáo Thắm đưa tiền cho bị cáo từ nguồn tiền của bị cáo Thắm, từ vợ và mẹ vợ của bị cáo Thắm và tiền của BSC” – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank khẳng định.

Liên quan đến khoản tiền chi lãi ngoài này, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank cũng cho rằng không được Hà Văn Thắm bàn bạc, trao đổi gì. Và theo bị cáo Sơn: “Nếu anh Thắm trao đổi với bị cáo thì chắc đã không có việc bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay”.

Về căn cứ đã sử dụng 246 tỉ đồng chi lãi ngoài, bị cáo Sơn nói: “Bằng chứng pháp lý thì không có vì khi đưa tiền bị cáo không để lại chứng cứ vật chất nào. Nhưng bị cáo có căn cứ khác, chẳng hạn Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) khẳng định đã nhận tiền từ bị cáo trong thời gian suốt 6 năm”.

Cho rằng bị truy tố và quy kết án oan 2 tội danh theo kháng cáo, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank trình bày, hành vi của của bị cáo là chi lãi ngoài. Kết luận điều tra và cáo trạng cũng kết luận là chi lãi ngoài. Thế nhưng lại cắt khúc, quy kết cho bị cáo thành 3 tội trạng khác nhau.

Bị cáo Sơn lập luận, trong vụ án này các bị cáo khác cũng có hành vi như bị cáo chỉ quy buộc ở hành vi cố ý làm trái. “Trước đây, VKS cũng chỉ quy kết cho bị cáo 1 tội cố ý làm trái nhưng về sau lại tách thành 3 tội thì oan ức quá. Nếu khẳng định bị cáo 1 tội thì bị cáo không kháng cáo” – Nguyễn Xuân Sơn phân bua.

Tại phiên tòa, Hà Văn Thắm cũng ra sức chứng minh thiệt hại của Oceanbank không đúng như cấp tòa sơ thẩm xác định.

Đối với tội “Tham ô tài sản”, nguyên Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn trình bày, khi bị cáo là Tổng giám đốc Oceanbank thì bị cáo chỉ là người làm thuê và không còn chức vụ gì ở PVN. Vì thế không thể quy kết bị cáo chiếm đoạt 49 tỉ đồng của PVN. Còn ở giai đoạn bị cáo về làm Phó Tổng giám đốc PVN thì không còn chức vụ gì ở Oceanbank nữa.

Về vấn đề bồi thường dân sự, bị cáo Sơn cho rằng cấp tòa sơ thẩm bắt bị cáo phải bồi thường 197 tỉ đồng từ nguồn ở Oceanbank và tịch thu sung công 69 tỉ đồng từ Công ty BSC là không đúng. Bởi khoản tiền 69 tỉ là doanh thu của Công ty BSC trong vòng 5 năm, trong khi đó bị cáo chỉ làm việc ở Oceanbank 2 năm. Khoản tiền này phải trừ đi chi phí, thuế và chỉ còn khoảng 30 tỉ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng khi nhận tiền chi lãi ngoài từ Hà Văn Thắm, bị cáo không thể phân biệt được đâu là nguồn tiền từ bị cáo Thắm, đâu là nguồn tiền nào từ Oceanbank và đâu là tiền nào từ Công ty BSC...

“Trong vụ án này, cấp tòa sơ thẩm đã kết luận bị cáo chiếm đoạt tiền rồi nhưng trong phần kiến nghị vẫn tiếp tục đề nghị làm rõ khoản tiền bị cáo đã đưa cho những ai. Bị cáo đã khai báo rất thành khẩn, đưa cho ai cũng khai hết vì bị cáo đã bị án tử hình rồi” – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank nói.

Được hỏi: “Nếu để bị cáo thể hiện sự tích cực khắc phục hậu quả thì bị cáo sẽ làm thế nào”? Đáp lời, bị cáo Sơn trình bày trong các bản khai tại CQĐT, bị cáo đã đề nghị cho phép được dùng các tài sản của bị cáo đã bị kê biên, thậm chí có những tài sản hình thành cách đây 20 năm, gồm cả cổ phiếu và nhà cửa cũng sẽ được bán đi để khắc phục hậu quả.

HĐXX hỏi tiếp, trong rất nhiều đơn từ, gồm cả bố mẹ, vợ bị cáo đều muốn được lấy tài sản của họ để khắc phục hậu quả thay, bị cáo có đồng ý không? Trả lời tòa, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank nói: “Bị cáo xin được dùng tài sản của bị cáo và gia đình để khắc phục hậu quả. Chỉ xin giữ lại căn nhà gia đình bị cáo đang ở cùng với mẹ vợ bị cáo. Vì căn nhà này phần lớn là tiền của mẹ vợ bị cáo”.

“Bị cáo cũng xin phép được bàn với vợ để có thể dùng cả tài sản của vợ bị cáo bán đi nhằm khắc phục hậu quả” – bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đề nghị với HĐXX phúc thẩm… Trong sáng nay, Hà Văn Thăm cũng đã trả lời phần của các luật sư nêu ra, xoay quanh các nội dung kháng cáo cũng như tình tiết của vụ án.