Phúc thẩm Hà Văn Thắm: Người vợ của Nguyễn Xuân Sơn tìm mọi cách "cứu" chồng

ANTD.VN - Sau 4 ngày thẩm vấn, trưa 24-4, phiên tòa xét xử phúc thẩm Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm tạm nghỉ. Hết đợt nghỉ Lễ 10-3, phiên xử sẽ tiếp tục ở phần tranh luận.  

Đáng chú ý là tại ngày thẩm vấn thứ 4 của phiên tòa, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) đã chính thức lên tiếng về việc dùng tài sản riêng của mình để khắc phục tối đa hậu quả thay chồng.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm  của TAND TP Hà Nội hồi tháng 9-2017, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên phạt mức án chung là tử hình đối với 3 tội danh ‘Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank và nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn còn bị tuyên buộc phải bồi thường 69 tỉ đồng ở tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn…”; 49 tỉ đồng ở tội “Tham ô tài sản” và liên đới bồi thường  trong khoản tiền 197 tỉ đồng ở tội “Cố ý làm trái…” với tổng cộng 246 tỉ đồng.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bản thân không tham ô và cũng không lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản. 

Cho rằng không tham ô tài sản và cũng không lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã kháng cáo kêu oan đối với 2 tội danh này, đồng thời kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị được xem xét lại trách nhiệm dân sự về hành vi cố ý làm trái.

Tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Võ Thị Thanh Xuân  đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét về số tài sản mà gia đình bà bị kê biên.

Cụ thể, người vợ của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng trong nhiều tài sản bị kê biên có nhiều tài sản chung của vợ chồng bà Xuân được hình thành từ trước thời điểm bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc Oceanbank.

Trước quy kết của cấp tòa sơ thẩm là bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt tổng cộng 246 tỉ đồng, bà Xuân khẳng định bà sẵn sàng dùng tài sản riêng của mình để đền bù thay chồng nhưng xin được giữ lại ngôi biệt thự tại Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bởi theo người vợ của nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, hiện nay ngôi nhà nói trên gia đình bà Xuân đang ở cùng với người mẹ già.

Nguyên Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

Nó được mua trước khi bị cáo Sơn về làm việc tại ngân hàng. Và nó được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền của mẹ bà Xuân. “Mẹ tôi năm nay 92 tuổi nên anh chị em chúng tôi đã thỏa thuận cho mẹ tôi ở ngôi nhà đó. Xin HĐXX không kê biên để mẹ tôi có chỗ dưỡng già và thờ cúng liệt sỹ” - Bà Xuân mong mỏi.

“Giả sử anh Sơn bị quy buộc phạm tội chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng thì tôi với tư cách người vợ chăm lo cho gia đình sẽ sẵn sàng dùng tài sản riêng của mình bồi hoàn tối đa để chồng tôi được hưởng khoan hồng” – vợ nguyên Tổng giám đốc Oceanbank nói giõng giạc trước tòa.

Ở cuối phần trả lời thẩm vấn của mình, bà Võ Thị Thanh Xuân một lần nữa khẳng định sẵn sàng sử dụng một phần tài sản riêng của mình để bồi thường thiệt hại thay bị cáo Nguyễn Xuân Sơn với mong muốn chồng bà sẽ không phải chịu mức án bị tử hình. Một phần tài sản, bà Xuân cũng xin được giữ lại để phụng dưỡng bố mẹ già.

Trước những đề nghị nêu trên của người vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX phúc thẩm cũng giải thích, tinh thần chung của pháp luật là khắc phục hậu quả là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt và nếu khắc phục được 3/4 hậu quả trở lên sẽ được xem xét để giảm án từ tử hình xuống chung thân.

Cũng trong ngày thẩm vấn cuối cùng tại phiên tòa phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm, một số tổ chức, cá nhân từng góp vốn vào Oceanbank cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét, đồng thời buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải bồi thường cho họ số tiền đã chiếm đoạt với tỉ lệ góp vốn tương ứng.

Thậm chí, một đại diện doanh nghiệp là cổ đông của Oceanbank còn lập luận, so bì là PVN (chiếm 20% vốn tại Oceanbank) được cấp tòa sơ thẩm tuyên cho hưởng bồi thường thiệt hại thì họ cũng phải được bảo đảm quyền lợi tương tự.