Phúc thẩm Châu Thị Thu Nga: Nhiều luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm

ANTD.VN - Không chỉ nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga mà các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn dân sự cũng đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu…

Thực hiện Dự án B5 là yêu cầu cấp bách

Chiều 12-4, phiên tòa xét xử phúc thẩm Châu Thị Thu Nga - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Housing Group (Công ty Housing), cựu Đại biểu Quốc hội và 8 đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp diễn với phần tranh luận của các luật sư.

Mở đầu giờ làm việc buổi chiều, luật sư  Nguyễn Ngọc Đạt (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Housing) đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ khoản chi hơn 7,6 tỷ đồng mua phương tiện ô tô của Công ty Housing từ năm 2009 đến năm 2014.

Theo luật sư Đạt, việc tòa cấp sơ thẩm xác định khoản chi này có nguồn gốc từ huy động vốn tại Dự án B5 Cầu Diễn là không có căn cứ. Bởi các xe trên được mua và thanh toán trước ngày 4-5-2006, trước đó nhiều năm so với thời điểm bị cáo Nga bắt đầu huy động vốn. Vì thế, vị luật sư này đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội để điều tra, xét xử lại.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Tùng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Housing) thì đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản là quyền sử dụng đất tại ô đất CT5 để Liên danh Công ty Housing và Công ty HAIC được tiếp tục thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa khi luật sư tranh luận

Vì theo luật sư Tùng, việc hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản là quyền sử dụng đất tại ô đất CT5 để Liên danh Công ty Housing và Công ty HAIC được tiếp tục thực hiện Dự án là vô cùng cần thiết, cấp bách và góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của liên danh và đặc biệt là đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi được nhận nhà của hàng trăm bị hại trong vụ án.

Luật sư Tùng lập luận, Dự án B5 Cầu Diễn là phù hợp với Quy hoạch xây dựng Thủ đô nói chung và phù hợp với Quy hoạch Khu đô thị Thành phố Giao Lưu nói riêng, nên nếu được giao cho Liên danh Công ty Housing – HAIC triển khai tiếp thì hoàn toàn có thể thực hiện được trên thực tiễn.

“Thực tế đã hoàn thành gần hết toàn bộ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đã triển khai hoàn thành xong một số công việc quan trọng như lập báo cáo đầu tư; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; được cấp thông tin quy hoạch kiến trúc để phục vụ lập quy hoạch… Do đó, việc giao cho liên danh triển khai toàn bộ Dự án B5 Cầu Diễn là rất hợp lý và thuận lợi” - luật sư Tùng đánh giá.

Trước đó, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga cũng đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung và xét xử sơ thẩm lại vụ án. Cụ thể, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng ,thân chủ của ông không có hành vi gian dối, không có mục đích chiếm đoạt tài sản khi huy động vốn của khách hàng.

Theo luật sư Hướng, Dự án B5 Cầu Diễn là dự án có thật. Ở cuối phần bào chữa, luật sư Hướng đề nghị HĐXX phúc thẩm cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo Châu Thị Thu Nga, đồng thời hủy án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.

Án sơ thẩm đánh giá không giống nhau

Bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Cương (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Housing), luật sư Phan Thị Lam Hồng nêu quan điểm xét về đồng phạm, có thể thấy vai trò của bị cáo Cương hết sức mờ nhạt.

Luật sư Hồng viện dẫn, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Cương khai bắt đầu vào làm việc tại Công ty Housing từ tháng 7-2010, việc bàn bạc kế hoạch, thực hiện triển khai công việc nhằm mục đích huy động vốn từ khách hàng có nhu cầu mua nhà đã được bị cáo Nga bàn bạc, thống nhất với thành viên HĐQT Công ty Housing từ trước.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga và đồng phạm 

Khi được tuyển dụng vào Công ty Housing làm việc, bị cáo Cương không hề được bị cáo Nga bàn bạc, thống nhất về hành vi, mục đích triển khai việc lập mô hình Dự án B5 Cầu Diễn và thi công cọc khoan nhồi tại dự án này. Mặt khác, bị cáo chỉ thực hiện và hoàn thành công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

“Về hành vi ký biên bản nghiệm thu và tiếp nhận mô hình Dự án B5 Cầu Diễn, luật sư cho rằng việc ký xác nhận này chỉ nhằm mục đích để bộ phận kế toán thanh, quyết toán với công ty nên hành vi của bị cáo Cương chỉ là hành vi hành chính” – luật sư Hồng đánh giá.

“So sánh về căn cứ buộc tội bị cáo Cương về hành vi ký “Biên bản nghiệm thu và tiếp nhận mô hình Dự án B5 Cầu Diễn” với hành vi bị cáo Phan Thanh Tuyên ký “Hợp đồng kinh tế sửa chữa bổ sung mô hình khu chung cư và biệt thự nhà vườn” nhưng bị cáo Tuyên không hề bị đề cập xử lý thì thấy rõ việc buộc tội bị cáo Cương là không thỏa đáng” - luật sư Hồng lập luận.

Và theo phân tích của nữ luật sư này, cùng một hành vi liên quan đến việc lập mô hình Dự án B5 Cầu Diễn, song bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đang có những đánh giá không giống nhau giữa các bị cáo trong cùng vụ án.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Cương nhấn mạnh: “Điều vô lý là nếu như không có hành vi ký hợp đồng để sản xuất mô hình của bị cáo Tuyên thì làm sao có việc bị cáo Cương ký biên bản nghiệm thu và tiếp nhận mô hình sau này. Đặc biệt là mô hình này đã được sản xuất từ lâu, được đưa đi triển lãm công khai tại một cuộc triển lãm cấp quốc gia, rồi mới đưa về trưng bày tại trụ sở của Công Housing”.

So sánh tính chất, mức độ của các bị cáo, luật sư Hồng cho rằng trong khi bị cáo Tuyên không hề bị điều tra, truy tố và xét xử về hành vi ký hợp đồng sản xuất mô hình trưng bày Dự án B5 Cầu Diễn thì bị cáo Cương lại bị xử lý khi chỉ là người ký biên bản nghiệm thu và tiếp nhận mô hình theo yêu cầu của lãnh đạo Công ty Housing.

Bào chữa cho thân chủ, luật Phan Thị Lam Hồng còn so sánh: “Trong vụ Oceanbank, rất nhiều bị cáo được tuyên án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Các bị cáo ngồi đây, nếu như có hành vi xảy ra thì cũng cần xem xét xem có cần thiết phải cách ly họ ra khỏi xã hội hay không”.

Từ đó, nữ luật sư này đề nghị HĐXX phúc thẩm cho bị cáo Lê  Hồng Cương được hưởng án treo để bị cáo có điều kiện tiếp tục cống hiến cho xã hội, chăm sóc gia đình và thực hiện nghĩa vụ của một người con với mẹ già hiện đang đau ốm nhưng vẫn phải thờ cúng liệt sỹ.