Phức tạp tội phạm có 2 quốc tịch

ANTĐ - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cần xây dựng một chương riêng trong dự Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, liên quan đến người có 2 quốc tịch, để phòng ngừa hành vi lợi dụng, phạm pháp.

Đề phòng tội phạm nhập cảnh

Chiều 15-11, các đoàn ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Kim Tuyến

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm - Bộ Công an) cho rằng về tổng thể ban soạn thảo dự luật cần xem xét kỹ để không bị trùng lặp chồng chéo, tạo ra kẽ hở, thậm chí là trái với các luật chuyên ngành khác, ví dụ dự luật quy định người nước ngoài cư trú khu vực biên giới, thì liên quan Luật Biên giới, hay cấp giấy cư trú cho người lao động thì liên quan đến Luật Lao động, Luật Quốc tịch...

Đi vào phân tích cụ thể, đại biểu Đỗ Kim Tuyến đề cập đến điều 5, về các hành vi bị cấm, ông đề nghị bổ sung thêm cấm hành vi lợi dụng xuất nhập cảnh để xâm hại tới trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa và thuần phong mĩ tục của Việt Nam. "Gần đây tình trạng một bộ phận người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) vi phạm pháp luật, đặc biệt hoạt động tội phạm cũng khá phức tạp, nhất là lĩnh vực tội phạm ma túy. Khoảng 2 năm lại đây, tình trạng người gốc Phi nhập cảnh và sinh sống tại Việt Nam gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, có thời điểm báo chí đã nêu như vấn đề quản lý phải rất chú ý. Trong dự luật chưa có khoản cấm điều này"- đại biểu Tuyến nói.

Về khai báo tạm trú, đại biểu tiếp tục phân tích: Dự thảo luật quy định các chủ cơ sở (khách sạn) phải khai báo tạm trú của người nước ngoài về phòng quản lý xuất nhập cảnh, gia đình có người nước ngoài thì lại khai báo với xã... như vậy là vênh nhau, thực tế nhiều chủ cơ sở ở xa phòng quản lý xuất nhập cảnh thì việc khai báo là bất tiện, nên chăng cả 2 trường hợp đều giao cho chủ cơ sở gửi thông tin đến công an xã, công an phường nơi quản lý. 

Về phần mình, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận xét đối tượng điều chỉnh của dự luật chưa rõ, ông nói: "Hiện nay có gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, chỗ này như đại biểu Đỗ Kim Tuyến nói, có liên quan đến Luật Quốc tịch: có những người mang 2 quốc tịch. Khi vào Việt Nam để có điều kiện thuận lợi thì người ta lấy quốc tịch Việt Nam, nhưng nếu vi phạm pháp luật thì lại lấy quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp phải tiến hành bắt thì đại sứ quán sẽ đến can thiệp ngay, rất phức tạp". Vì thế theo đại biểu Quyền, cần có một chương riêng, quy định rất cụ thể về trường hợp người Việt Nam mang 2 quốc tịch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền

Truy trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông đường thủy

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đại biểu Quyền cho biết, tại Mỹ chính quyền quy định đến cùng trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện, người này sẽ tự có trách nhiệm trong việc cho mượn, cho thuê.... đây là điểm ban soạn thảo cần tham khảo. Ông cũng cho rằng, qua vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dự luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ngành dọc tới đâu, địa phương tới đâu...để khi không may xảy ra sự việc, có thể truy rõ trách nhiệm.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến cũng cho rằng dự luật này còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Ông nêu thực tế: Chúng ta mới quản lý được 19.000/42.000 km đường thủy nội địa cần quản lý (45%). 45% này chúng ta cũng chưa đánh giá được thực trạng quản lý đang ở mức nào. Tôi nghĩ giao thông đường thủy hiện nay đang rất ít thông tin về quản lý và chấp hành luật. Vi phạm về giao thông đường thủy được kiểm tra xử lý, đánh giá từ cơ quan chức năng từ trước tới nay cũng hạn chế, vì lực lượng chuyên trách thanh tra, kiểm tra mỏng, mà trong xử lý vi phạm giao thông đường thủy có những cái bất cập mà dự luật chưa nói tới, ví dụ thu giữ phương tiện, nơi giữ... cần phải xem lại sự tương thích luật này với Luật Hàng hải và cả Luật Xây dựng và một số luật khác nữa.

Ví dụ như trong chương đảm bảo về luồng lạch thì mới chỉ quy định tới các chủ liên quan đập thủy điện, còn toàn bộ các công trình đường sông: cầu, phà, rồi phát triển kinh tế dọc đường sông, lòng hồ là vấn đề rất lớn...cần phải có quy định chặt chẽ.

Về các hành vi bị cấm (điều 8), đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng dự luật mới chỉ nói đến cấm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện, trong khi Luật Hàng hải có đến 8 điều bị cấm, cần phải bổ sung thêm. "Có những quy định trong dự luật rất cụ thể và rất mới, nhưng dường như mới chỉ đưa vào cho đủ, vì như quy định về bến dân sinh quy định chỉ cho thuyền có tải trọng dưới 5 tấn hoạt động, thế nhưng ai đứng ra quản lý cái bến này? Vi phạm xảy ra thì xử lý thế nào?", đại biểu Tuyến đặt câu hỏi.
Phức tạp tội phạm có 2 quốc tịch ảnh 3
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh

Đóng góp ý kiến cho dự luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh kể lại câu chuyện đi công tác bằng đường thủy của mình tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó bà thấy, rất nhiều tàu thuyền vi phạm luật khi thiếu áo phao cứu hộ, chở quá số người quy định....ngoài ra trên sông còn rất nhiều vật cản luồng lạch như đăng, đó đánh cá, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản...Vì thế bà Khánh cho rằng, ban soạn thảo cần rà soát lại, ví dụ như việc cấp phép cho các lồng bè nêu trên đã đúng hay chưa.
Ngày mai (16-11), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.