Phức tạp tình trạng "vay nóng" trong đội quân người giúp việc ở Singapore

ANTD.VN - Sáu tháng trước, nhóm chủ nợ xuất hiện tại căn hộ của Yazid Sulaiman. Bố mẹ anh mở cửa khi anh đi vắng và họ bị sốc khi bị yêu cầu trả nợ. “Cha mẹ tôi chưa bao giờ vay tiền của ai. Vì vậy, đây là lần đầu tiên trong đời họ bị người lạ đòi thanh toán nợ. Họ chìa ra tờ A4 có in ảnh màu với khuôn mặt cô giúp việc nhà tôi”, cựu tiếp viên hàng không Yazid Sulaiman nhớ lại.

Hoảng hốt khi nghe tin, lại lo không có ai trông con, anh Yazid Sulaiman bảo vợ giải quyết khoản nợ 1.814 đô la Singapore (SGD). Nhưng chỉ một ngày sau khi khoản nợ được giải quyết, người giúp việc trốn mất. Yazid không phải là chủ lao động duy nhất phải đối phó với hậu quả của nạn lao động người nước ngoài vay tiền bừa bãi.

Số người giúp việc vay tiền từ những cá nhân được cấp phép cho vay ở Singapore gần đây đã tăng vọt. Chỉ trong nửa đầu năm 2018, khoảng 28.000 nhân công nước ngoài đã làm thủ tục vay tiền chính thức, cao gấp đôi so với năm 2017 và gấp gần 20 lần so với năm 2016. Thực tế, một số lao động cũng trở thành nạn nhân của những giao dịch mờ ám, khiến họ rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Phức tạp tình trạng "vay nóng" trong đội quân người giúp việc ở Singapore ảnh 1Hơn 200 người giúp việc đang gặp rắc rối về vấn đề vay tiền có mặt tại một buổi tư vấn của tổ chức Dịch vụ xã hội Blessed Grace 

Nghề môi giới với khoản “hoa hồng” hấp dẫn

Trong vai một người giúp việc bị kẹt tiền, một nữ ca sỹ người Philippines đã tìm đến một cơ sở cho vay hợp pháp khá đông khách. Cô được mách là nên tìm người môi giới để được giải quyết nhanh hơn.

Nhà môi giới tiết lộ rằng, với mỗi khoản vay, bà ta được hưởng tiền hoa hồng là 20 SGD. Đó có thể là một khoản thu nhập béo bở khi người phụ nữ này có thể giới thiệu 15 khách vào mỗi chủ nhật, tương đương với khoảng 1.200 SGD Singapore/tháng - gấp đôi lương của hầu hết người giúp việc.

“Những người môi giới rất dẻo miệng, vì vậy rất nhiều lao động đã bị thuyết phục vay tiền mặc dù thực tế là họ có thể không trả nợ được”, ông Billy Lee, Giám đốc điều hành của Dịch vụ xã hội Bless Grace, chuyên giúp những người lao động mắc nợ đàm phán với chủ nợ nói. 

Thông thường, một lao động nước ngoài có thu nhập gần 10.000 SGD /năm có thể vay tối đa 1.500 SGD, nhưng cũng có người cảm thấy thủ tục phiền phức nên quay sang “đồng nghiệp”. Ông Billy Lee cho biết, trung bình mỗi tuần ông lại tư vấn cho 5 người giúp việc đã vay tiền của đồng nghiệp với mức lãi suất 20% cộng với phí trả trước 10%.

Một người giúp việc từng vay “ngoài luồng” cho biết cô thà trả lãi suất cắt cổ hơn là đến tìm những người cho vay được cấp phép, vì cô cảm thấy không thoải mái khi phải cung cấp cho họ giấy phép làm việc, hộ chiếu và chi tiết hợp đồng cũng như địa chỉ của nhà chủ.

Nữ ca sỹ trong vai “nữ giúp việc” nói trên khi trò chuyện với người môi giới còn được rỉ tai, nếu giới thiệu cho người khác vay, cô sẽ nhận được 10 SGD tiền hoa hồng. Mặc dù vậy, theo luật pháp Singapore, những người hoạt động dưới hình thức môi giới hoặc cho vay không phép phải đối mặt với án phạt và án tù, trong khi những người vay tiền từ những người không có giấy phép sẽ bị cấm làm việc ở Singapore trong tương lai.

Hệ lụy lan sang cả chủ nhà 

Trở lại trường hợp người giúp việc của anh Yazid, bà ta đã tìm đến 3 người cho vay được cấp phép. Yazid nghĩ rằng người phụ nữ đó sợ hỏi vay tiền chủ của mình vì cơ quan tuyển dụng đã khuyên người giúp việc không nên vay mượn chủ nhà.

Theo bà Flora Sha, Giám đốc chi nhánh công ty tuyển dụng United Channel, những người đi lao động xuất khẩu này thường đã vay tiền ở nước họ trước khi đến Singapore. Trong 2 tháng qua, công ty bà Flora Sha đã được nhân viên cơ sở cho vay tiền gọi điện xác minh 8 trường hợp. Tuy nhiên, những trường hợp này là không thể vì lương của họ quá thấp.

Tuy nhiên, Trung tâm dành cho Người giúp việc (CDE), nơi chăm sóc lợi ích của người giúp việc gia đình tại Singapore không cho rằng mức lương và rắc rối trong quá trình vay tiền có mối tương quan với nhau. Giám đốc điều hành CDE Shamsul Kamar đã trích dẫn ví dụ, mặc dù người giúp việc ở Hồng Kông (Trung Quốc) có mức lương cao hơn (trung bình khoảng 750 SGD so với 520 SGD/tháng tại Singapore) nhưng tình trạng vay tiền ở người lao động giúp việc cũng phức tạp tương tự. 

“Vấn đề lớn nhất là quản lý tài chính cũng như lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân. Họ có bạn bè và cả những sỹ diện như phải có điện thoại mới nhất hay món đồ đắt tiền nào đó. Đôi khi, họ chi tiêu quá mức”, ông Shamsul Kamar phân tích.

Vận đen với gia đình anh Yazid chưa kết thúc khi người giúp việc bỏ đi. Tháng trước, anh đã nhận được một lá thư gửi tận nhà và nhận ra rằng bà giúp việc thậm chí còn mượn tiền từ một hãng cho vay ở Hồng Kông. Lo lắng cho các con cũng như thành viên trong gia đình, anh đã bỏ công việc ở hãng hàng không mà anh đã gắn bó được 7 năm để về sát sao tình hình hơn.