Phục dựng trang phục cung đình: Không chấp nhận sự cẩu thả

ANTD.VN - Hội Thời trang Việt-Hàn vừa diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM)  sẽ không có gì đáng nói, nếu như bộ sưu tập áo dài từ thế kỷ 17 và thế kỷ 21 của nhà thiết kế Sỹ Hoàng phục chế không bị tố thiếu tôn trọng lịch sử.  

Trang phục triều Nguyễn (bên trái) và trang phục được cho là phục chế lại (bên phải)

Với một cuộc vui có tính giao lưu văn hóa như Hội Thời trang Việt-Hàn, các thiết kế sẽ không bị giới hạn về sự sáng tạo, miễn sao văn hóa và bản sắc dân tộc được tôn trọng và đề cao. Thế nên, nếu 2 thiết kế trang phục dành cho vua và hoàng hậu của triều Nguyễn mà nhà thiết kế Sỹ Hoàng mang tới lần này là sáng tạo thì không ai nói làm gì, nhưng vì nó mang danh “phục dựng” nên lập tức bị các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử lên tiếng phản đối vì sự cẩu thả và đại khái của chúng. Nếu là phục dựng thì dư luận đòi hỏi phải đúng mẫu và tôn trọng lịch sử.  Thêm nữa nếu đã lấy danh là phục dựng trang phục cần được cẩn trọng hơn trong chi tiết. 

Điều đáng nói nhất nằm ở  2 chiếc mũ đội đầu. Trong đó, chiếc mũ nam được mô phỏng từ mũ “Cửu long thông thiên” của vua đội trong các lễ đại triều, tấn tôn và tiếp sứ giả các nước. Còn chiếc mũ nữ được mô phỏng từ mũ “Cửu phương” của hoàng hậu. Thoạt nhìn, hai chiếc mũ đã thấy sự mất cân đối giữa trang sức với thân mũ và không có được sự uy nghi cần thiết. Đặc biệt, hai chiếc mũ rõ ràng không giống với chiếc mũ của vua và hoàng hậu triều Nguyễn đã sử dụng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trang Thanh Hiền cho rằng: “Nếu nói là phục dựng thì phải phục dựng cho đúng và cần quá trình nghiên cứu, tìm tòi cẩn trọng. Còn nếu lấy cảm hứng cung đình để sáng tạo lại đi một lẽ khác. Đặc biệt, khi trình diễn tại những kỳ cuộc có tính quốc gia hoặc giao lưu văn hóa với các nước khác càng không được làm qua loa, đại khái nếu không muốn bị cười chê”. 

Nhiếp ảnh gia Vũ Long thì cho rằng, có một sự mập mờ về ranh giới giữa phục dựng và mô phỏng trong 2 mẫu thiết kế này. Nếu là phục dựng thì rất non, còn nếu là mô phỏng thì chưa xứng tầm với tên tuổi của nhà thiết kế này và cũng không thấy sự sáng tạo từ những mẫu thiết kế như thế. “Tôi chỉ thấy sự sao chép vụng ở đây”, nhiếp ảnh gia Vũ Long đánh giá, “Hơn nữa, tư liệu về triều Nguyễn cũng không quá khó để tìm. Vậy nên, sự cẩu thả ở đây là điều rất khó chấp nhận”. 

Ứng xử với di sản, lịch sử luôn là câu chuyện dài, có nhiều điều để nói. Thời trang cũng là lĩnh vực sử dụng nhiều chất liệu từ truyền thống để sáng tạo và hòa trộn các yếu tố hiện đại. Thế nhưng, phục dựng trang phục truyền thống nhằm tôn vinh văn hóa là sự thể hiện quốc thể. Do đó, không thể chấp nhận bất cứ lý do nào làm công chúng hiểu nhầm về lịch sử, về một phần quá khứ đã qua.