Phục dựng Lễ hội đèn Quảng Chiếu

ANTĐ - Theo các tư liệu lịch sử, Lễ hội đèn Quảng Chiếu bắt đầu từ thời Lý, kéo dài cho tới thời Trần, lễ hội là dịp để “quảng chiếu” ánh sáng từ bi, bác ái của đạo Phật không chỉ cho nhà vua, triều đình mà còn cho muôn dân, cầu mong cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị.

Trải qua nhiều biến động, lễ hội đèn Quảng Chiếu đã bị mai một. Khi Hà Nội bước vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Hoàng thành trở thành Di sản thế giới thì việc phục dựng lễ hội này đã được đặt ra. Tuy nhiên, phục dụng như thế nào để mang đậm nét truyền thống, hài hòa với tính thời đại đang được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa dày công sưu tầm. Và để việc phục dựng diễn ra chân xác, một cuộc hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu đã được Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội tổ chức.

Tại đây, các nhà nghiên cứu đề cập đến những vấn đề trong Lễ hội đèn Quảng Chiếu như quy mô, cách bài trí… đảm bảo gần với giá trị gốc. Đa số các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu có mặt trong hội thảo đều nhất trí cho rằng, lễ hội nên được tổ chức vào mùa xuân, tại Đoan Môn. Hơn nữa, đây là lễ hội cung đình, nên khi phục dựng cần nâng lễ hội lên tầm quốc gia để xứng đáng với vị trí của nó.