Phục dựng hoa văn cổ để sử dụng miễn phí

ANTD.VN - Với tham vọng tạo lập thư viện số về mẫu hoa văn của từng triều đại phong kiến Việt Nam, nhóm Đại Việt cổ phong gồm nhiều gương mặt trẻ đã bắt tay vào thực hiện dự án bằng công nghệ mới. 

                                     Sách tô màu “Hoa văn Đại Việt” dành cho người lớn 

Thay vì chỉ ngồi và nói về văn hóa dân tộc, nhóm Đại Việt cổ phong đã tái hiện lịch sử đất nước thông qua các mẫu hoa văn cổ. Dùng công nghệ đồ họa vector, nhóm mong muốn sẽ làm sáng tỏ những bí mật của lịch sử và giúp những người thực hiện các dự án sáng tạo có chất liệu để thực hiện các dự án nghệ thuật mới. 

Từng dò dẫm và mất phương hướng

Ý tưởng của dự án này của các bạn trẻ xuất phát từ việc tìm kiếm hoa văn cổ của Việt Nam cho các dự án phim ảnh cổ trang, sân khấu cải lương, chèo, tuồng… khá khó khăn. Bên cạnh đó, các trang phục cổ trên sân khấu, phim ảnh thường vấp phải các ý kiến trái chiều về tính xác thực, do đó nhóm Đại Việt cổ phong đã đề xuất ý tưởng thực hiện dự án “Hoa văn Đại Việt” với mong muốn tạo cơ sở dữ liệu số hóa cho các đồng nghiệp ứng dụng. 

Từ cuối năm 2015, nhóm đã có các chuyến đi thực tế tới các bảo tàng, đình, chùa, lăng, hoàng thành tại khu vực miền Bắc và thành phố Huế để chụp ảnh, sau đó vẽ lại bằng công nghệ đồ họa vector. Ưu điểm của phương pháp này là sự tiện lợi và ít tốn công sức cho người sử dụng. Bằng việc tải hình ảnh hoa văn từ trang web do nhóm Đại Việt cổ phong lập nên (www.daivietcophong.wordpress.com), người truy cập có thể sử dụng ngay vào công việc mà không cần vẽ lại từ đầu.  

Tuy  nhiên, trong 1 năm thực hiện dự án, nhóm đã gặp không ít khó khăn do hiện vật bị phong hóa. Các chi tiết trên mẫu hoa văn không còn giữ được nguyên trạng do thời tiết, thiên tai, thời gian và được chạm khắc trên chất liệu gỗ, vải thêu, gốm… thiếu bền vững. Trong khi ấy, các thành viên của nhóm không phải ai cũng học chuyên ngành về lịch sử, khảo cổ học. Dò dẫm, thậm chí mất phương hướng đã xảy ra ở thời gian ban đầu nhóm bắt tay vào thực hiện. 

Tuy nhiên, với sự giúp sức của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức (Đức “nhà sàn”), nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử… các thành viên đã tìm ra phương pháp tiếp cận và phục dựng các hoa văn đã gần như biến mất. Đó là sử dụng công nghệ mới để vẽ lại nguyên trạng các chi tiết bị mờ, mất chi tiết. Những hoa văn chưa đăng đối sẽ làm cho đăng đối, những đường chưa thẳng sẽ trở nên thẳng hơn. 

Hoa văn phượng thời Lê Trung Hưng     

Hướng về văn hóa dân tộc

Hơn thế, việc làm sáng tỏ các hoa văn còn được nhóm sử dụng bằng phương pháp đối chiếu, so sánh với triều đại trước đó và các nền văn hóa trong khu vực. Bởi lẽ, trong quá trình tìm hiểu về lịch sử, nhóm Đại Việt cổ phong nhận thấy, văn hóa truyền thống Việt Nam có sự giao lưu và tiếp biến, có sự liền mạch và phát triển. Dù hoa văn của mỗi nước có đặc điểm riêng nhưng hoa văn Việt Nam và hoa văn các nước có sự tương đồng về văn hóa vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Ví dụ như lần phục dựng hoa văn “Bảo tướng”, một hoa văn đặc biệt có một không hai, dù phần còn lại khá mờ nhạt nhưng những họa tiết của hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn nhạt nhòa ấy cũng đủ giúp cho các thành viên của nhóm liên tưởng tới mối quan hệ của tam giáo đồng nguyên và dần dần phục dựng lại hoa văn độc đáo này. 

Cho đến nay, nhóm Đại Việt cổ phong đã bước đầu cho ra mắt cuốn sách tô màu dành cho người lớn mang tên “Hoa văn Đại Việt” nhằm giúp giới trẻ thẩm thấu nghệ thuật của cha ông. Nhóm đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ khôi phục được 50 hoa văn cổ đặc biệt để dành tặng những người ủng hộ dự án và 200 hoa văn miễn phí cho cộng đồng. 

Điều này sẽ mở ra cơ hội cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, phục trang, điện ảnh quyền sử dụng các sản phẩm hoa văn cổ Đại Việt của 5 triều đại phong kiến là Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng và Nguyễn, thay vì phải trả tiền cho mỗi lần sử dụng hoa văn của nước ngoài. 

Với tinh thần trẻ, nhóm không chỉ thể hiện cách làm thông minh nhằm tái dựng lịch sử đã qua, mà thông qua dự án, các thành viên còn thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc. Những người thực hiện dự án hy vọng, trong thời gian không xa, các bộ phim, các vở kịch của Việt Nam sẽ phản ánh trung thực về lịch sử nhờ vào những nỗ lực và kết quả của dự án “Hoa văn Đại Việt”.