Phủ xanh sa mạc

ANTĐ - Một dự án đầy tham vọng muốn biến tất cả các sa mạc khô cằn trở thành những ốc đảo xanh mướt đang được tiến hành. Dự kiến một khu rừng nhân tạo trên sa mạc sẽ khánh thành vào tháng 7 và khách du lịch có thể tham quan trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 18 (COP-18) ở Doha (Qatar) vào tháng 11-2012.

Mô hình rừng nhân tạo trên sa mạc ở Qatar

Mô phỏng cấu trúc chiếc mũi của lạc đà, các nhà khoa học đã đầu tư 5,2 triệu USD để xây dựng một cấu trúc nhà kính khổng lồ tại Qatar. Trong quá trình hô hấp, lạc đà thở ra hơi dạng sương nhưng lỗ mũi sẽ ngay lập tức hít hơi nước vào và ngưng tụ lại. Đây chính là một trong những kỹ năng quan trọng giúp lạc đà sống sót trên sa mạc Sahara - vùng đất khô hạn khắc nghiệt nhất trên thế giới. Ngoài ra, lỗ mũi lạc đà cũng hứng những giọt nước hiếm hoi trong lớp không khí ẩm và ấm áp vào ban đêm để dự trữ lượng nước cần thiết duy trì thân nhiệt và mọi hoạt động sống cho ngày hôm sau. 

Dựa trên ý tưởng này, các nhà khoa học sẽ lấy nước từ độ sâu 200m, sau đó tạo thành những cơn mưa bụi như trong tự nhiên để tưới nước cho cây cối, rau củ và cả tảo được trồng ngay trên bề mặt cát sa mạc nóng bỏng. Các máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời sẽ bơm nước tỏa khắp khu rừng được bao bọc bằng những tấm kính khổng lồ. Trong khi đó, không khí nóng trên sa mạc làm bốc hơi nước bề mặt, nhưng đã có một hệ thống làm lạnh và ngưng đọng hơi nước trước khi chúng bay đi mất. Quá trình này lặp lại theo chu kỳ sẽ liên tục cung cấp nguồn hơi ẩm giúp nhà kính giữ được nhiệt độ lý tưởng, cũng như đảm bảo quá trình cung cấp nước cho sự tăng trưởng của thực vật. Các kiến trúc sư cho biết, quá trình thử nghiệm dự án tưới tiêu trên diện tích 10.000m2 đã thành công ngoài mong đợi, chứng minh được lợi ích của hệ thống công nghệ chống thất thoát hơi nước. Thiết kế này là giải pháp tốt cho môi trường, xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững. 

Thực ra, khu rừng nhân tạo này là dự án thí điểm nằm trong Dự án “Rừng Sahara” nhằm xanh hóa các sa mạc trên thế giới. Dự án “Rừng Sahara” đã được trình lên Hội nghị bàn về Biến đổi khí hậu tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009 và được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế cũng như tính khả thi. Sau đó, vào tháng 6-2010, Quốc vương Jordan Abdullah II tham dự một buổi thuyết trình khác về dự án và có ấn tượng đến mức ông đã chấp nhận cho triển khai tại quốc gia của mình. Địa điểm đầu tiên của dự án “Rừng Sahara” đã được đặt trên diện tích rộng 2.000.000m2 tại Aqaba, một thị trấn ven biển nằm ở phía nam Jordan. 

Những điểm mấu chốt của dự án là nhà kính sử dụng nước mặn (lợi dụng một đặc điểm chung của nhiều sa mạc lớn là nằm ven biển), các trạm năng lượng mặt trời tập trung và quy trình canh tác các giống cây trồng nhiệt đới cũng như các giống cây phục vụ sản xuất năng lượng. Nước biển lấy từ biển Đỏ được làm bốc hơi để tạo môi trường mát, ẩm bên trong nhà kính, trong khi một phần sẽ được cô đặc để sản xuất nước sạch phục vụ tưới tiêu. Nhiệm vụ của các trạm năng lượng mặt trời là cung cấp điện để chạy máy bơm nước mặn và các cánh quạt lưu thông không khí trong nhà kính. Tại đó, ngoài các giống cây trồng nhiệt đới, tảo cũng sẽ được trồng để giúp hấp thụ CO2 và thải ra khí sinh khối (biomass), sử dụng để sản xuất năng lượng. 

Theo các nhà làm dự án, “Rừng Sahara” trải qua 3 giai đoạn phát triển riêng biệt. Giai đoạn khảo sát, nghiên cứu được thực hiện trong suốt năm 2011. Sau đó, một trung tâm thử nghiệm sẽ được xây dựng vào năm 2012 (khu rừng nhân tạo tại Qatar), trước khi toàn bộ dự án đi vào giai đoạn thương mại hóa 3 năm sau đó, tức 2015. Nếu tất cả diễn tiến tốt đẹp thì trong tương lai, các sa mạc cằn cỗi hiện nay sẽ trở thành những ốc đảo xanh mướt, phục vụ cho môi trường sống.