“Phù thủy" 9X làm giàu bằng đất sét

ANTĐ - Người đầu tiên xuất bản cuốn sách hướng dẫn về đất sét tại Việt Nam, chàng sinh viên 9x - Đặng Sơn Hải đã thổi hồn cho đất sét và biến hóa chất liệu này thành nhiều món đồ dùng trang trí và ứng dụng khác nhau. 

“Phù thủy" 9X làm giàu bằng đất sét ảnh 1Những sản phẩm làm từ đất sét của Đặng Sơn Hải

Góp vui cho… 100 đám cưới 

Gặp Sơn Hải, không khỏi ngỡ ngàng khi biết anh đang là sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa tại trường Hanoi Arena Multimedia, nhưng kiêm Giám đốc sáng tạo của tạp chí Cầu Vồng - tạp chí giáo dục kỹ năng cho trẻ em. Được mệnh danh là “Phù thủy đất sét” - Đặng Sơn Hải sớm bén duyên với đất sét từ năm 2010. Năm 2011, Sơn Hải mở một cửa hàng bán hàng online chuyên về những sản phẩm đất sét, từ móc chìa khóa, điện thoại di động, đồ chơi, tượng trang trí… Mặc dù giá thành những sản phẩm này không hề rẻ, móc chìa khóa, điện thoại giá 40.000 đồng, cao nhất - một bộ trang trí cũng lên tới vài triệu đồng, nhưng đều được các khách hàng, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên yêu thích. 

Riêng với tượng cô dâu - chú rể mang thương hiệu Sơn Hải, trong một năm đã có mặt ở xấp xỉ… 100 đám cưới và trở thành món quà được các cặp đôi ưa chuộng, được họ lưu giữ như kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Với óc tưởng tượng và một chút nhẫn nại, chàng thanh niên Đặng Sơn Hải đã kiếm được một khoản thu nhập không nhỏ từ niềm đam mê của mình và được một số người ưu ái gọi là “Triệu phú đất sét”. 

 Sản phẩm của Đặng Sơn Hải không chỉ đi khắp cả nước mà còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Nhật Bản, Mỹ và Australia. Công trình “đồ sộ” nhất mà Sơn Hải từng làm đó là làm một sắp đặt tượng vườn thú cho một công ty của Nhật Bản với kích thước 1,5m x 1,5m. Đây cũng là cột mốc đáng nhớ của Sơn Hải khi từ sản phẩm này, chàng sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa ấp ủ nhân rộng và nâng cấp những sản phẩm của mình không chỉ làm ra để… chơi, mà có nhiều ứng dụng hơn trong cộng đồng. 

Mong muốn có đất sét của Việt Nam

Ưu điểm của các món đồ làm từ đất sét là màu sắc tươi tắn, sống động và giữ được lâu. Tưởng chừng đơn giản, nhưng theo Sơn Hải, nếu không hiểu rõ về đặc tính của đất sét sẽ khó để làm ra những sản phẩm ưng mắt. Đất sét Sơn Hải dùng là loại đất sét trắng của Nhật. Loại đất này được mua về, sau đó nhào nặn với màu nước như nhào một chiếc bánh giầy để cho đều màu. Nhưng cái khó ở đây là người làm phải căn thật chuẩn tỉ lệ đất và màu, cũng như thao tác pha màu phải rất nhanh tay nếu không đất sẽ bị khô, khó tạo hình. Chàng sinh viên thiết kế đồ họa cho biết, để phát triển, vướng mắc bây giờ vẫn ở giá thành do phải sử dụng đất sét của Nhật, vì đất sét này có ưu điểm lớn là nhẹ, dễ tạo hình. Bởi vậy, Hải mong muốn sẽ có một loại đất sét Việt Nam có thể khắc phục những nhược điểm thông thường để anh yên tâm sáng tạo ra những sản phẩm của riêng mình.

Với mong muốn truyền cảm hứng sáng tạo với nghề nặn đất sét, Đặng Sơn Hải đã cho xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về đất sét. Cuốn “Đất sét thần kỳ” được ra mắt vào tháng 9-2013 như một cuốn cẩm nang mới mẻ cho những tín đồ của đất sét, gồm 20 hình mẫu nhìn tưởng phức tạp nhưng ai cũng có thể học theo. Chưa dừng ở đó, tháng 11-2014, Sơn Hải tiếp tục chắp cánh cho những “ước mơ đất sét” khi cho ra mắt tập đầu của cuốn “Đất sét muôn màu”. Đây là điểm khởi đầu của nhiều mẫu mới về đất sét mà Sơn Hải sẽ tiếp tục nhào nặn trong năm 2015.