Phủ sóng điện tới vùng sâu, vùng xa

ANTĐ - Xây dựng lưới điện nông thôn, hải đảo đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và trực tiếp bán điện tới người dân theo giá do Chính phủ quy định là mục tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang dốc sức thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN về vấn đề này.

Phủ sóng điện tới vùng sâu, vùng xa ảnh 1

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành (thứ ba từ trái sang) tặng quà đơn vị thi công công trình cấp điện bằng cáp ngầm ra đảo Cù Lao Chàm

- PV: Những năm qua, EVN đã hoàn thành vượt mức về đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn miền núi và hải đảo. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể?

- Ông Dương Quang Thành: Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã nỗ lực lớn, hoàn thành vượt kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo với tổng vốn trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng, với trọng điểm thực hiện là vùng miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ. 

Đến hết năm 2015, cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao. Tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hầu hết nhân dân đã được sử dụng điện. Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam bộ là 98,85% và 97,27%. 

EVN đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Số khách hàng được EVN cung cấp điện trực tiếp đến nay đạt  23,7  triệu khách hàng, tăng trên 6 triệu khách hàng (tăng 31%) so với năm 2010.

Nhằm đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng, EVN đã đầu tư cấp điện cho 9/12 huyện đảo của cả nước. Hiện nay, EVN đang tiếp tục triển khai cấp điện cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), nhận bàn giao lưới điện và xây dựng phương án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), đảo bé Lý Sơn (Quảng Ngãi)... Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn.

- EVN đã được Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020. Vậy mục tiêu và hiệu quả của các dự án là gì, thưa ông? 

- Đến đầu năm 2016, EVN đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án trên.  Mục tiêu tổng quát của các dự án là phát triển lưới điện trung, hạ áp để góp phần đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Các dự án sẽ cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào và lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tại các thôn, ấp, xã đảo chưa có điện và chưa được cấp điện chính thức, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội và từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị trên địa bàn các tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia khu vực biển đảo.

EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực triển khai thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ được phê duyệt. Sau khi các dự án hoàn thành, sẽ có hơn 262.500 hộ dân được cấp điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.

Hơn nữa, hiệu quả xã hội sau khi các dự án hoàn thành không thể đo đếm bằng giá trị vật chất. Bởi khi có điện lưới quốc gia, người dân nông thôn, hải đảo sẽ được tiếp cận các mô hình làm kinh tế tiên tiến, những kinh nghiệm trong sản xuất với khoa học - công nghệ mới để nỗ lực vươn lên đổi thay cuộc sống, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bằng với vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo...

- Với vai trò là cơ quan điều phối các dự án nêu trên, EVN có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 giao cho EVN đảm trách  có tổng mức đầu tư khoảng 11.730,8 tỷ đồng. Ngoài 85% vốn do ngân sách Trung ương cấp, EVN sẽ phải tự lo 15% vốn đối ứng, tương đương với 1.759,6 tỷ đồng.

Để kịp tiến độ thi công, EVN và các đơn vị thực hiện dự án đã phải tạm ứng trước một số khoản kinh phí. Đây là khó khăn không nhỏ của EVN trong điều kiện tài chính không dư dả. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực hiện 15 năm Chương trình Điện khí hóa nông thôn trước đó, EVN sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra với phương châm “lỗ vẫn phải quyết tâm phủ sóng điện vùng sâu, vùng xa”.