“Phù phép” xe gian, nhận mức án nhẹ?!

ANTĐ - Sau 3 lần ra tòa, các bị cáo trong đường dây “phù phép” xe ô tô tạm nhập tái xuất và xe nhập lậu do Ngô Doãn Phúc (SN 1977, trú ở phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cầm đầu đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt với các tội danh và mức án khác nhau.

Cường, Phúc và Thủy (từ trái qua phải) tại phiên tòa

Với tội danh buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới, theo Điều 153 - Bộ luật Hình sự, Ngô Doãn Phúc bị xử phạt 8 năm tù. Tiếp đến là Cao Vũ Cường (SN 1983, trú ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) - nguyên cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang bị xử phạt 7 năm tù; Đỗ Mạnh Dũng (SN 1979, trú ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Phùng Văn Lực (SN 1975, trú tại phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng phải nhận mức án 4 năm tù giam. Riêng Nguyễn Xuân Thủy (SN 1973, trú tại xã Quang Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - nguyên Đội phó Đội QLTT số 10 thì chỉ bị xử phạt 14 tháng 18 ngày tù, đúng bằng thời gian tạm giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 2, Điều 285 - BLHS.

 Trước đó trong 3 ngày xét xử, tài liệu truy tố xác định Cao Vũ Cường bàn với Đỗ Mạnh Dũng tìm xe ô tô cũ nát để đối tượng bắt giữ, xử lý nhằm lấy hồ sơ thanh lý hợp pháp, sau đó đăng ký cho những xe ô tô gian. Theo kế hoạch, Ngô Doãn Phúc chịu trách nhiệm tìm những xe ô tô thải loại và cắt ghép, đục lại số khung, số máy trùng khớp với các xe ô tô tạm nhập tái xuất còn thời hạn hoặc xe nhập lậu. Cường chịu trách nhiệm tổ chức bắt giữ và hợp thức hóa hồ sơ.  Đêm 22, rạng sáng 23-5-2009, Phúc thuê xe cứu hộ chở 4 ô tô thải loại đã qua “tút tát”, loại 4 chỗ ngồi đi theo Quốc lộ 37 đến địa phận xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, Bắc Giang thì gặp lực lượng CSGT. Do đây là “màn kịch” được Cường “đạo diễn” từ trước nên Phúc gọi điện bảo đồng bọn bỏ lại xe ô tô và bỏ chạy. Các xe ô tô thải loại này sau đó được lập biên bản thu giữ dưới dạng tài sản vô chủ và được chuyển về Đội QLTT số 10 tỉnh Bắc Giang. Tại đây, Cường tiếp tục móc nối với Nguyễn Xuân Thủy cùng một số đối tượng tiến hành các thủ tục để Phúc đứng đằng sau mua toàn bộ hồ sơ cùng 4 chiếc xe ô tô thanh lý đó. Số hồ sơ này sau đó được Phúc hợp pháp hóa bằng việc đăng ký phương tiện tại cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, điều khiến những ai quan tâm đến vụ án phải bất ngờ là tội danh và hình phạt dành cho các bị cáo đã có sự thay đổi rất khác biệt so với bản cáo trạng truy tố. Cụ thể bản cáo trạng của VKSND TP Hà Nội cáo buộc cả 5 bị cáo đều phạm vào tội “buôn lậu” theo điểm a, khoản 4, Điều 153-BLHS. Trên cơ sở đó VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Ngô Doãn Phúc từ 14 - 16 năm tù, Cao Vũ Cường từ 13 - 15 năm tù, Nguyễn Xuân Thủy từ 12 - 14 năm tù, Đỗ Mạnh Dũng từ 8 - 10 năm tù và Phùng Văn Lực từ 7 - 9 năm tù giam.

Trước khi quyết định áp dụng mức án trên, TAND TP Hà Nội cho rằng Nguyễn Xuân Thủy không đồng phạm “buôn lậu” với các bị cáo trong vụ án vì không có tư lợi và chỉ thiếu trách nhiệm trong việc đề nghị Chủ tịch UBND huyện Việt Yên ra quyết định bán thanh lý các xe ô tô thải loại. Các bị cáo còn lại đều chỉ bị xem xét áp dụng theo khoản 3 của điều luật “Buôn lậu” vì hậu quả “Hạn chế” và 1 trong 3 chiếc xe ô tô do Ngô Doãn Phúc cùng đồng bọn “phù phép” được bóc tách thành một vụ án khác.