“Phù phép” ôtô cũ và những "hố đen"

ANTĐ - Đánh vào tâm lý ham rẻ, cũng như nhu cầu mua xe ôtô của nhiều người là  chọn xe cũ bởi chi phí thấp,  nhiều đối tượng đã sử dụng các “mánh” để “lên đời”, những chiêu thức tinh vi “phù phép” chiếc xe để đánh lừa khách hàng kiếm lời mà người tiêu dùng không thể lường trước những nguy hiểm.

Thị trường tiềm năng

Các doanh nghiệp ôtô liên tục khuyến mại rầm rộ với nhiều chiêu thức chăm sóc khách hàng để bán xe, nhưng với mức giá xe mới quá cao như hiện nay, mặt hàng ôtô đã qua sử dụng có sức hấp dẫn hơn hẳn. Phong phú về chủng loại, giá cả rẻ, ít chịu thuế, cách thức mua bán nhanh gọn, đơn giản là những lợi thế khi mua bán xe cũ. Tại Hà Nội đến nay chưa chính thức có một chợ ôtô cũ nào theo đúng nghĩa và đúng quy định, nhưng thị trường này vẫn âm thầm hoạt động từ nhiều năm nay với mặt hàng đa dạng của nhiều hãng xe danh tiếng từ nhập khẩu đến sản xuất trong nước: BMW, Mercedes, Lexus, Land Cruser, Camry, Corolla, Santafe, Lacetti, Zace, Lanos…

Theo giới buôn bán, kinh doanh ôtô Hà Nội thì từ đầu năm 2011 đến giờ thị trường ôtô cũ khá “nóng”. Những điểm bán xe ôtô cũ hầu như đều trong tình trạng “cháy” hàng. Loại xe được nhiều khách hàng nhắm tới có giá khoảng 500 triệu đồng trở xuống, và những dòng xe trong tầm giá này bán rất tốt. Dự kiến thị trường ôtô cũ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm.  Sở dĩ thị trường ôtô cũ “nóng” lên bởi một phần do lãi suất ngân hàng cao và đồng tiền trượt giá mạnh. Lựa chọn xe cũ sẽ giúp khách hàng vừa có xe đi và số tiền thừa (nếu phải chi phí mua xe mới) sẽ gửi vào ngân hàng để hưởng lãi. Mua xe cũ thường thông qua rất nhiều hình thức nhưng lại mất nhiều thời gian vì khó tìm được chiếc xe máy móc còn tốt, nội - ngoại thất còn mới với giá cả phải chăng. Vì thế, tốt nhất là mua xe cũ của người quen, biết chủ và lai lịch xe rõ ràng. Phần đông người tiêu dùng mua xe cũ muốn tránh “cò” sẽ qua salon hoặc các trung tâm mua bán xe cũ để đảm bảo chất lượng và giấy tờ xe. Giới trẻ hiện nay lại lựa chọn xe bằng cách tìm thông tin trên các diễn đàn ôtô, website bán xe cũ.

Những “hố đen”…

Thực tế để sở hữu một chiếc xe cũ ưng ý cũng không phải chuyện dễ. Ngoài một số xe của salon uy tín, vẫn có một lượng lớn xe cũ kém chất lượng được “độ” lại để bán. Anh Nguyễn Văn Cường (Hà Nội), thành viên của Diễn đàn Ôtô-Xe máy Việt Nam cho biết: “Chọn được 1 chiếc xe ôtô cũ đúng thực trạng rất khó và phụ thuộc vào sự may rủi phần nhiều. Nếu may mắn, khách hàng sẽ được sở hữu chiếc xe ưng ý, giá tiền đúng với chất lượng; nếu không, việc đánh cược sẽ gặp thất bại khi gặp phải không ít những phiền phức mà chiếc xe mang lại khi lưu hành”. Hiện nay, có rất nhiều “mánh” để “phù phép” cho những chiếc xe bị tai nạn, thủy kích, xe quá “tã” thành những chiếc xe “sạch sẽ” bán với giá cao hơn so với giá thực tế để lừa người tiêu dùng. Khách hàng mua về, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, những chiếc xe này bỗng dưng… sinh “bệnh” mà không ít trường hợp tiền sửa xe cũng xấp xỉ tiền mua xe.

Đại diện các showroom ôtô lớn tại Hà Nội cho biết thị trường ôtô cũ hiện có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên, không ít “hố đen” được che đậy một cách hoàn hảo trong thị trường xe cũ. Với không ít chiếc xe cũ, hư hỏng, bị thủy kích, tai nạn… - nhanh chóng sẽ được đưa ngay vào các garage ôtô tư nhân, xe được “om” tại đó để làm lại “Options”: tân trang âm thanh, màn hình, bọc ghế da, sơn vân gỗ, quay lại số ki-lô-mét đã sử dụng xuống phân nửa, thay thông số để “lên đời” xe, sơn lại những chỗ va chạm ở vỏ xe. Khi công đoạn “dọn” xe được hoàn tất, chiếc xe secondhand bắt mắt sẽ được đưa vào các garage ký gửi cộng thêm màn PR trên các website ôtô để rao bán, bỗng dưng chiếc xe đó trở nên hấp dẫn người tiêu dùng. Chính vì vậy, đã có thời điểm các xe ôtô được thợ, “cò” tranh giành nhau trên thị trường. Đối tượng này thường nhắm vào các xe gây tai nạn, bị thủy kích hoặc các hãng taxi thanh lý xe đã xuống cấp vì công suất vận hành lớn, hay mắc lỗi kỹ thuật, giá trị sử dụng không còn. Trung bình để “phù phép” thay đổi lại “vòng đời” cho một chiếc xe này, thợ và “cò” xe thường mất thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng làm lại rồi nhanh chóng sang tên cho chủ mới.

Tuy nhiên, theo giới thạo xe, phần lớn các xe đã qua sử dụng đều được “make-up” lại để bán với giá cao. Việc “mông” lại xe vô hình sẽ giảm độ bền của các bộ phận, chi tiết trong xe, thay đổi ít nhiều thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, những phụ tùng thay thế không đúng hãng để giảm chi phí đầu vào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và mức độ ổn định của xe. Mọi nguyên nhân trực tiếp trên sẽ gây nguy hiểm cho chủ phương tiện khi lưu thông trên đường. Một điểm đặc biệt đáng lưu ý rằng việc mua bán xe cũ không có thông số giá chính xác như xe mới mà chỉ mang tính tương đối, cũng vì lý do này mà không ít khách hàng bị ép giá bởi không biết dựa vào đâu để so sánh.

Góc khuất phụ tùng ôtô

Đi cùng với thị trường ôtô cũ là dịch vụ buôn bán, cung cấp phụ tùng, thiết bị ôtô dưới nhiều loại, xuất xứ, nguồn gốc khác nhau với giá cả chênh lệch tới khác biệt. Đầu tiên phải kể đến phụ tùng chính hãng để phục vụ người tiêu dùng mua xe của hãng. Tiếp đến là phụ tùng và linh kiện OEM - đây là sản phẩm chi tiết của nhà cung cấp cho một hãng xe được bán ra ngoài thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Các nhà sản xuất xe hơi thường không sản xuất toàn bộ phụ tùng cho xe của họ. Đa phần các nhà sản xuất dùng phụ tùng của các nhà cung cấp - do nhà cung cấp thiết kế và sản xuất - đóng vào bao bì riêng với logo hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất xe hơi để người dùng tin rằng họ đang mua sản phẩm chính hãng. Loại phụ tùng này không phải là hàng thứ cấp, chất lượng kém với bao bì khác, mà hoàn toàn giống với phụ tùng trên xe của nhà sản xuất nhưng bán với giá rẻ hơn thông thường khoảng 70%.

Một loại phụ tùng nữa nhưng trái ngược hoàn toàn với OEM là Aftermarket - do các công ty ngoài - không phải là nhà cung cấp chính hãng - sản xuất đồ thay thế cho 1 loại sản phẩm, 1 mác xe nhưng không liên quan đến nhà sản xuất. Thông thường loại đồ này cũng được sản xuất trên các loại máy gia công chính xác với vật liệu giống như đồ chính hãng. Nhưng đôi khi hình thức của loại phụ tùng này không nhất thiết phải giống hệt đồ chính hãng vì các công ty sản xuất phụ tùng ngoài không theo thiết kế của nhà cung cấp. Một số công ty ngoài việc nhượng quyền sản xuất phụ tùng thay thế còn có thiết kế riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này khiến các sản phẩm Aftermarket nhiều khi có chất lượng tốt hơn đồ chính hãng nhưng lại có giá rẻ hơn. Đương nhiên không thể không nhắc đến loại phụ tùng đã qua sử dụng (secondhand); cuối cùng là phụ tùng… “nhái”.

Thế mới biết, việc “mông” hay “tút tát” những chiếc xe ôtô cũ, thì người tiêu dùng rất dễ bị “đối tác” hoặc “người cung ứng” dối gạt về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đến giá thành của rất nhiều các chi tiết trên 1 chiếc xe cũ đã được… “hoàn chỉnh”. Hiện nay, phần lớn nguồn phụ tùng đang bán trên thị trường vẫn chủ yếu được nhập về từ thị trường thứ 3, thứ 4 như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Bên cạnh đó, nguồn cung ứng chính các loại phụ tùng là hàng bãi nhập về từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Đa số đều là những phụ tùng được tháo rời từ các loại xe đã qua sử dụng nhập về với giá rẻ, sau đó được các thợ tháo ra sửa lại những bộ phận hư hỏng, gia công lại nên đến đây cũng không lạ gì cảnh nhiều loại phụ tùng xe với đầy dầu mỡ được bày bán ngổn ngang ngay trong cửa hàng. Phụ tùng gì cũng có, tùy loại xe, đời xe, chất lượng đến giá thành, nhiều nhất vẫn là các bộ đèn, bộ đề, còi, mâm đúc, cản bảo vệ, bộ điện, nội thất trang trí, lốc điều hòa… Phụ tùng cung ứng trong nước có nhưng không nhiều, chủ yếu là hàng gia công giá rẻ được sản xuất tại TP.HCM.

Hiện nay, mỗi cửa hàng cung cấp, buôn bán hay thay thế phụ tùng ôtô thường tuyển các thợ tay nghề cao chuyên lắp ráp, tân trang, thậm chí cả tư vấn cho khách hàng. Đôi khi họ còn “kiêm” thêm nhiệm vụ là “luộc” đồ cũ, tân trang lại để chủ bán cho đối tác “mông” xe cũ với giá cao kiếm lời. Cùng trong giới, thường không lạ gì những mánh khóe của nhau, nên họ thường liên kết để cùng kiếm lời bằng cách: khi khách hàng có nhu cầu thay thế phụ tùng, nếu garage này không có, các thợ sẽ đến tìm mua các phụ tùng thay thế của garage khác đã được liên kết, sự phối hợp này có lời và nhiều lựa chọn khi cần thiết. Người tiêu dùng rất khó phân biệt bằng mắt thường đâu là phụ tùng chính hãng, phụ tùng thay thế hay phụ tùng “nhái”. Đa phần họ tin và nghe theo lời tư vấn của thợ, sẽ dẫn đến việc mua nhầm, bỏ chi phí rất cao mà chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Vì vậy, người tiêu dùng trước khi mua cần phải nắm rõ thị trường gồm có những chủng loại, chất lượng phụ tùng như thế nào để có sự lựa chọn phù hợp, tránh rủi ro; nên chọn những cơ sở, garage đáng tin cậy.

Không phải ai cũng có đủ điều kiện để sở hữu một chiếc xe ôtô mới 100% chứ chưa đề cập đến một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc. Chính vì vậy khách hàng chuyển hướng sang những chiếc xe đã qua sử dụng, và với vốn liếng kinh nghiệm quá ít ỏi về kỹ thuật, máy móc, đa số người mua ôtô cũ thường tin tưởng nhờ cậy đến dân chuyên môn. Đây là một biện pháp thông minh nhưng chưa đủ, chính người tiêu dùng cũng cần nắm rõ một số nguyên tắc khi mua xe cũ để tự mình đề phòng tránh bị lừa.

Ông Phạm Thái Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Tân Thái Dương, Showroom Ôtô Mỹ-Auto TTD khuyến cáo, khi mua ôtô cũ người tiêu dùng cần phải cân nhắc cẩn trọng, lưu ý đến những bí quyết phổ thông như: đời xe (năm sản xuất), dung tích xi-lanh (chấm), nguồn gốc xe (nơi sản xuất). Đặc biệt, khi mua xe cũ không nên quá tin vào chỉ số ki-lô-mét (vì các xe đều có thể quay lùi đồng hồ công-tơ-mét), mà phải nghe tiếng máy, quan sát chân ga-côn-phanh-cần số-hoen rỉ-độ mòn chi tiết: nút điều khiển, dây an toàn, ghế ngồi…

Để an tâm một cách tuyệt đối khi mua ôtô cũ, ngoài việc xác định thân vỏ xe, mở nắp capô xem đầu máy, người tiêu dùng nên đưa xe vào garage nâng gầm xe lên để bắt “bệnh”, việc nâng gầm kiểm tra sẽ lột tả được khá chi tiết “bản chất” của một chiếc xe cũ. Khâu cuối cùng đặc biệt quan trọng mà người tiêu dùng cần khắc ghi thành kinh nghiệm khi quan tâm đến việc mua xe ôtô cũ đó là cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của xe để tránh mua phải xe không có nguồn gốc rõ ràng, giấy tờ bị làm giả, xe đang bị thế chấp, xe ăn trộm, xe gây tai nạn…; cùng với phương thức thanh toán chặt chẽ để hạn chế rủi ro.