“Phù phép” ao cá thành “vườn đào”

(ANTĐ) - Sau hơn 3 năm kể từ khi khởi tố vụ án, hôm qua (13-6), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong vụ án biến “ao cá” thành “vườn đào” xảy ra tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội)…

“Phù phép” ao cá thành “vườn đào”

(ANTĐ) - Sau hơn 3 năm kể từ khi khởi tố vụ án, hôm qua (13-6), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong vụ án biến “ao cá” thành “vườn đào” xảy ra tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội)…

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 13-6
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 13-6

Theo hồ sơ vụ án, 6 bị cáo trong vụ án này thì có 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND phường Phú Thượng và lãnh đạo phòng chức năng quận Tây Hồ và một cán bộ phường. Cụ thể: Công Phương Toàn (SN 1957, nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng); Trần Mạnh Cường (SN 1963, nguyên Phó Trưởng phòng Tài chính vật giá quận Tây Hồ); Hy Việt Hùng (SN 1965, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng); Trần Bá Siêu (SN 1955, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây), Nguyễn Văn Hiển (SN 1963, cán bộ UBND phường Phú Thượng) và Công Phương Quế (SN 1962, trú tại cụm 3, phường Phú Thượng).

Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, ao Ải có diện tích 32.400m2 do Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ (gọi tắt là HTX) quản lý. Từ năm 1991 đến tháng 3-2002, ông Trần Văn Bưởi (trú tại cụm 3, phường Nhật Tân) có làm hợp đồng thuê lại để sản xuất, nuôi trồng thủy sản và hàng năm ông Bưởi phải nộp sản lượng cá được quy thành tiền cho HTX.

Năm 2002, triển khai thực hiện chủ trương của UBND quận Tây Hồ về việc chuyển quyền quản lý ruộng đất từ HTX sang UBND phường, ngày 12-1-2002 HTX đã tiến hành thanh lý hợp đồng với ông Trần Văn Bưởi. Cũng tại thời điểm này, UBND quận Tây Hồ triển khai một số dự án trên địa bàn, trong đó thu hồi một phần diện tích đất ao Ải để thực hiện một số dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền đã xác định vị trí, chỉ giới đất phải thu hồi, thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên ngày 1-3-2002, trên cơ sở đơn đề nghị của Công Phương Quế, Hy Việt Hùng và Công Nghĩa Tiến đã ký hợp đồng cho Công Phương Quế là xã viên HTX thuê lại ao Ải để thả cá trong vòng 1 năm (từ 1-3-2002 đến 1-3-2003), sản lượng giao nộp cho phường cả năm là 1,2 tấn cá (quy ra tiền tương đương 6 triệu đồng). Hết thời hạn, Công Phương Quế tiếp tục được Hy Việt Hùng trực tiếp ký gia hạn hợp đồng với các điều khoản tương tự.

Sau khi được gia hạn hợp đồng và biết việc triển khai công tác thu hồi, đền bù GPMB thực hiện các dự án trên phần diện tích đất của ao Ải, Quế làm đơn xin cải tạo phần ao nông không thả cá được thành vườn và đã được Hy Việt Hùng phê duyệt bằng văn bản ngày

18-3-2003. Tiếp đó, Công Phương Quế và Công Văn Hạnh (SN 1962, trú tại phường Phú Thượng) cùng một số người thân trong gia đình thuê người tát nước, cải tạo phần ao nông mang cây, cành đào cắm xuống ao để làm giả vườn đào, cây cảnh rồi trực tiếp đứng tên hoặc nhờ người khác đứng tên trên các biên bản điều tra hiện trạng, các phương án đền bù để nhận tiền và chia nhau. Với thủ đoạn trên, Quế và đồng bọn đã chiếm đoạt số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Bản thân Quế chiếm hưởng gần 1,8 tỷ đồng, còn Công Văn Hạnh chiếm đoạt 230 triệu đồng.

Hành vi trên của Công Phương Quế đã bị cơ quan công tố cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 5 bị cáo còn lại cũng bị cáo buộc phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Chiều qua, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của UBND phường Phú Thượng và lãnh đạo phòng chức năng quận Tây Hồ. Tuy nhiên, hầu hết các bị cáo này quanh co chối tội và đổ lỗi cho cán bộ cấp dưới. Còn đối với bị cáo Công Phương Quế cũng cho rằng, hành vi làm giả vườn đào, kê khai hiện trạng sai sự thật để chiếm đoạt tiền của nhà nước là làm theo sự hướng dẫn của cán bộ phường. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Thanh Quang