Phụ nữ tái hôn: Chim sợ cành cong

ANTĐ - Sau ly hôn, số người có thể tái hôn không nhiều, đặc biệt là phụ nữ. Gánh nặng và sự tổn thương do ly hôn gây ra khiến nhiều chị em quá nhạy cảm với sự đổ vỡ nên không dám đón nhận hạnh phúc mới. 

Ảnh minh họa Phú Khánh

Ám ảnh khó phai mờ

Hôn nhân của chị Đặng Thùy Chi (đường Giải Phóng, Hà Nội) không xuôi chèo mát mái ngay trong ngày cưới. Trong lễ kết hôn, một cô gái đã đến làm rùm beng trước cửa, chửi rủa chồng chị bạc tình, vô ơn. Chồng chị thì một mực thề sống thề chết, cô gái đó là tình cũ, anh ta đã bỏ lâu rồi, nhưng cô ta cứ đeo bám, dọa nạt anh ta. Đám cưới đã xong, giấy đăng ký kết hôn cũng hoàn thành, phòng hoa chúc cũng đã “tơi bời”, chị Chi đành nuốt nước mắt, chấp nhận cuộc hôn nhân gượng gạo. Nhưng sau đó, chị liên tục phát hiện chồng cặp bồ, thậm chí, cô bồ còn gọi điện đến nhà, trêu tức chị. Khi chị trách cứ, chồng chị lộ rõ bộ mặt vũ phu, đánh đập vợ vì “không biết làm vợ”. Anh ta trách móc chị không có “dấu hiệu trinh tiết” nên anh ta đi cặp bồ để rửa hận. Không những thế, chồng chị còn chê bai vợ “trên giường như khúc gỗ” và khoe con A, con B “làm” kiểu này, kiểu nọ sướng mê tơi và ép chị phục vụ anh ta như vậy… Không chỉ hết tình yêu, chị Chi còn nhìn chồng như ngáo ộp. 

Nhưng chị Chi cũng phải mất 10 năm chung sống mới ly dị nổi. Cay cú, chồng chị không chia cho vợ con bất cứ cái gì, anh ta nói: “Nếu chị thích thì đến cưa đôi cả nhà lẫn tài sản”. Chị đành bế con đi tay trắng. Căm phẫn, uất ức, thương tiếc cho tuổi xuân và công sức, tình cảm của mình, chị không còn tin nổi vào ai, đặc biệt là đàn ông. Mới hơn 30 tuổi mà chị đã mệt mỏi, già nua và cay nghiệt...

Sau nhiều năm, chị nhất định không “tiếp xúc” với đàn ông. Chị nhìn họ như những kẻ “lăng nhăng, đầy thú tính”. Nhưng rồi, một đồng nghiệp cũng làm chị ấm lòng vì sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo. Anh chị dự định sẽ làm bữa cơm thân mật mời họ hàng hai bên. Nhưng trước đám cưới một tuần, bất chợt, chị vô tình xem được một tin nhắn mùi mẫn của một cô gái gửi cho anh. Bất chấp sự giải thích của anh, sự can ngăn của họ hàng, chị tuyên bố chấm dứt quan hệ. “Đàn ông đều cùng một giuộc, bạc tình như nhau, sớm muộn rồi cũng có mới nới cũ” - chị  dứt khoát. 

“Phụ nữ sau ly hôn như “chim sợ cành cong”. Nhưng nếu muốn yêu lần nữa, chị em phải gạt bỏ nỗi sợ hãi, sống tự tin, biết chăm sóc bản thân và yêu chính mình. Nếu tự mình không thấy mình đẹp, mình tốt, mình hấp dẫn thì rất khó yêu cầu người khác nhìn nhận mình như vậy” – ông Nguyễn Văn Hà (quận Tây Hồ) chia sẻ. 

Nặng gánh nợ đời

Chị Nguyễn Thị Bình (Đống Đa) ly hôn 10 năm, sống cùng với cô con gái năm nay đã 17 tuổi. Nhiều lần chị cũng đã định tái hôn, nhưng rồi luôn gặp trục trặc. Có lần, khi chị dẫn bạn trai về nhà giới thiệu, con gái chị khóc lóc, bỏ học, yêu cầu chị lựa chọn giữa con và tình duyên mới, chị đành gạt nước mắt, nén lòng từ chối bạn trai. Người đàn ông không đợi được, đành chia tay chị, đi tìm người mới. Lần khác, người đàn ông lại đem 3 con tới giới thiệu với chị. Chị Bình sượng trân trước cái nhìn soi mói của 3 đứa trẻ. Đứa lớn thì cười khẩy, lúc bố đi ra chỗ khác liền bảo chị: “Bố cháu đánh số cô là người thứ 12 đấy”, chị Bình sững sờ. Đứa bé đòi chị rót nước, xúc cháo rồi hất tung cả lên người chị. Lạnh người với suy nghĩ sẽ phải chăm sóc, hầu hạ những “ông giời con”, chị Bình lại bỏ chạy. Lại có lần, chị Bình đã yên tâm, định quyết chí nhưng chị lại thấy ánh mắt của bạn trai nhìn cô con gái mới lớn của mình có vẻ “gợn gợn”, chị Bình lại “lặn một hơi” trước sự đau khổ, không hiểu nổi của người yêu. “Tôi có thể khổ, có thể sống không có tình yêu, nhưng tôi không thể để con mình bị tổn thương” – chị Bình tâm sự. 

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, gánh nặng, sự tổn thương do ly hôn mang lại cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Ngoài những tổn thương, mất niềm tin, bị xúc phạm, khó khăn khi phải bươn chải nuôi con, các chị còn phải vượt qua rất nhiều định kiến của xã hội đối với một người đàn bà ly hôn. Không ít người cho rằng, phụ nữ “không ra gì” thì chồng mới ruồng rẫy. Những người không có điều kiện nuôi con, phải nuốt nước mắt để con ở lại cho chồng nuôi còn bị mang tiếng bỏ con, bị lên án, đánh giá về nhân cách. 

Những định kiến, đôi khi khiến các chị dở khóc dở cười, khiến các chị đau đớn, không thể quên đi vết thương lòng, thật khó khăn để sống vui vẻ và hoà nhập. “Chính nỗi ám ảnh này này khiến nhiều  phụ nữ phải cúi mặt nhịn nhục cả đời, chấp nhận  để khỏi mang tiếng là “chẳng ra gì nên chồng bỏ”. Đây cũng là rào cản khiến phụ nữ thiếu tự tin, sống lệ thuộc, không biết yêu thương bản thân” – ông Hòa cho biết. 

Theo Điều tra về thực trạng gia đình Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 47% phụ nữ đứng đơn ly hôn, cao gấp đôi so với nam giới (28,1%). 64,3% con cái ở với mẹ sau ly hôn. Tỷ lệ tái hôn của nam giới lại cao hơn nữ.