Phụ nữ bị bạo lực gia đình còn rất hạn chế được trợ giúp pháp lý

ANTD.VN -  Đó là một trong những vấn đề được Đại biểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nêu trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi vào sáng nay 10-11.

Phụ nữ bị bạo lực gia đình còn rất hạn chế được trợ giúp pháp lý ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH Bình Phước phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật TGPL (sửa đổi)

Rà soát, sắp xếp lại hệ thống chi nhánh TGPL

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đánh giá cao Luật TGPL năm 2006 được ban hành bởi Quốc hội khoá XI, coi đây là một trong số không nhiều đạo luật có tuổi thọ đến 10 năm. Đến nay, Luật TGPL có thể khẳng định là chế định hữu ích, góp phần quan trọng vào hoạt động công lý đảm bảo quyền con người, quyền công dân cũng như các đối tượng cụ thể trong xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống pháp luật và thể chế Tư pháp đã có nhiều đổi mới căn bản thì có thể coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp của TGPL. Để đạt đến thực chất đòi hỏi của cải cách tư pháp, luật thể hiện rõ sự đổi mới trên nhiều phương diện, làm sâu sắc thêm ý nghĩa nhân văn, sự tiến bộ của chế định TGPL. 

Đại biểu Trần Thị Hiền cho biết, "về hình thức TGPL, tôi nhất trí với nội dung của dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) về việc chỉ nên quy định 3 hình thức TGPL là tham gia tố tụng, đại diện vào tố tụng và tư vấn pháp luật. Đây là thời điểm cần định hình hoạt động TGPL về đúng bản chất của nó là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, hướng vào trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu cần được TGPL của những số phận, những con người cụ thể khi gặp khó khăn về pháp lý".

“Khác với thời điểm 10 năm trước đây, chưa có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, chưa có Luật Hoà giải cơ sở, hỗ trợ hoà giải thực hiện những công việc liên quan đến pháp luật hành chính khiếu nại và điều hành các hoạt động khác của TGPL... Do vậy, việc thu gọn còn 3 hình thức TGPL như dự thảo luật là một định hướng đổi mới, cần được ủng hộ”, đại biểu Hiền chia sẻ.

Đối với việc xây dựng chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước, đại biểu Hiền cho rằng, cần được xem xét trong mối tương quan các định hướng về đổi mới hoạt động của các Trung tâm TGPL và thực tiễn hiệu quả hoạt động trên đề án đổi mới TGPL sẽ có lộ trình để chuyển các Trung tâm TGPL từ chỗ là đơn vị chủ yếu thực hiện TGPL trở thành cơ quan quản lý Nhà nước về TGPL.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật TGPL (sửa đổi)

"Việc cung ứng dịch vụ TGPL chủ yếu do các luật sư thực hiện, các trợ giúp viên pháp lý cũng có lộ trình để chuyển thành luật sư. Với xu hướng đó, tôi tán thành về không quy định chi nhánh TGPL như một cơ cấu cứng thuộc tầng lớp trung gian của trung tâm TGPL, nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, khắc phục sự cồng kềnh về tổ chức, hoạt động kém hiệu quả của các chi nhánh. Tôi cũng nhất trí việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống chi nhánh TGPL đã được đề xuất", đại biểu Hiền nói. 

Rất ít vụ bạo hành tìm đến TGPL

Đại biểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nêu, về  vấn đề về mở rộng đối tượng TGPL, tờ trình của Chính phủ cho rằng đã mở rộng đối tượng được TGPL, thế nhưng so với luật hiện hành là có mở thêm đối tượng nhưng chưa bao quát, mở rộng các đối tượng thực sự được TGPL.

Thực tế hiện nay bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến 2015, có 157.859 vụ bạo lực gia đình, trong đó trường hợp nạn nhân là nữ chiếm 74,24%, trẻ em chiếm 11,4%, người cao tuổi chiếm 8,91% và ở nam giới là 3%; Trong số 492.520 vụ ly hôn đã giải quyết thì nguyên nhân từ bạo lực gia đình chiếm 83,78%. Mỗi năm có hơn 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Đại biểu Huỳnh Sang cho hay, nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế, bị tổn thương nặng nề và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật. Thực tế 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự TGPL, trừ các vụ việc nghiêm trọng hay các vụ xử lý hình sự. Các nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt phụ nữ được Chính phủ nhìn nhận là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Việt Nam cũng thể hiện cam kết bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực gia đình đối với phụ nữ thông qua việc phê chuẩn một số hiệp định quốc tế. Theo Luật TGPL hiện hành, phụ nữ bị bạo lực gia đình được TGPL rất hạn chế. Pháp luật chưa quy định mô hình TGPL cho phụ nữ, chưa có trình tự, thủ tục riêng. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý, hoặc còn e ngại khi tiếp cận với dịch vụ TGPL.

Người TGPL chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân. Khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ Việt Nam cũng cần phải được bổ sung, hoàn thiện.

Hiến pháp 2013 đã bổ sung một số điều khoản đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền con người, do vậy pháp luật cũng cần có cơ chế bảo vệ phụ nữ trước sự đe doạ của các tệ nạn xã hội, các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực giới.

Bởi vậy, đại biểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung, mở rộng đối tượng được TGPL.